Nhà báo trong xã hội học tập
Có cả nghìn nhà báo đang dấn thân trên con đường khai sáng, giám sát, phản biện xã hội. Họ làm việc đêm ngày và nếu không có đủ ý chí, nghị lực thì khó có thể phát huy tác dụng của Báo chí.
Nhân chuẩn bị kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925), tôi xin gửi tới Tạp chí Công dân và Khuyến học mấy điều suy nghĩ về nhà báo chúng ta trong sự nghiệp xây dựng xã hội học tập.
Tôi dùng cụm từ "nhà báo chúng ta" vì coi mình là người đứng trong đội ngũ nhà báo gần 30 năm qua. Tấm thẻ Nhà báo tôi luôn mang trong mình như một căn cước công dân. Trên thực tế, tôi đã viết báo từ năm 1954 khi tham gia nhóm phóng viên nghiệp dư viết những bài về trao trả tù binh sau cuộc kháng chiến chống xâm lược của thực dân Pháp.
Là một nhà giáo và là người chuyên nghiên cứu về khoa học giáo dục kiêm làm công việc viết báo, tôi luôn lấy gương các nhà giáo và các nhà báo thành danh để tu sửa bản thân, hoàn chỉnh nhân cách nhà báo và mài sắc ngòi bút của mình.
Với các nhà báo có những đóng góp lớn cho đất nước như Huỳnh Thúc Kháng, Hữu Thọ, Vũ Bằng, Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký, Ngô Tất Tố..., tôi luôn coi họ là bậc thầy của mình trong lĩnh vực làm báo. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin nhắc đến một vài vị có những ấn tượng sâu sắc đối với tôi.
Anh Hữu Thọ (8/1/1932-13/8/2015), nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương là một nhà báo lão thành và một chính khách, nhưng dung dị và dễ gần. Anh lớn hơn tôi 2 tuổi. Khi anh làm Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương thì tôi là Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Hai ban Đảng ngày đó có nhiều cuộc họp để giải quyết những công việc liên quan. Anh có nhiều suy nghĩ sâu sắc về các sự kiện trong nước và trên thế giới, qua đó, tôi xác lập tốt hơn chính kiến của mình.
Chúng tôi về hưu từ ban Đảng, chỉ còn gặp nhau trong những hội thảo hoặc trong các dịp lễ, tết, nhưng tôi luôn dành sự tôn trọng của mình với anh.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1/10/1870 – 21/4/1947) thì là bậc cha ông, người góp phần quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ cách mạng lâm thời sau khởi nghĩa tháng Tám (1945) như một cánh tay đắc lực trợ giúp công việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cụ Huỳnh đỗ Giải nguyên (Thủ khoa) năm Canh Tý (1900) và đỗ Tam giáp Tiến sĩ Hội nguyên năm Giáp Thân (1904). Cụ là một Tiến sĩ và là Chủ bút Báo Tiếng Dân. Trên tờ La Tribune Indochinoise (số ra ngày 24/12/1926), Cụ giải thích cụm từ "Tiếng Dân" như sau: "Đó là sự vui mừng, sự buồn tủi và sự chờ đợi ấp ủ trong lòng hàng triệu đồng bào. Dân là đầu mối của nước. Tiếng Dân đi sát với những vấn đề trong nước... Tờ báo này thật xứng đáng để mang tên là Tiếng Dân, vì trong thực tế, phải nhờ đến báo chí thì tiếng Dân mới bộc lộ ra được"
Tôi ghi lòng tạc dạ câu nói bất hủ này. Mỗi khi cầm bút viết về sự học ngày nay, về xu thế giáo dục trong xã hội đương đại, về những bất cập trong giáo dục như buôn bán bằng cấp và học vị, những rào cản vô lối ngáng trở người dân tiếp cận giáo dục, những biểu hiện lợi ích nhóm trong tăng giá sách giáo khoa và nâng mức học phí... tôi lại liên tưởng: Ta viết thế có thể hiện "tiếng dân" hay không?
Tôi làm báo và ngày nào cũng đọc báo. Đó là một thói quen từ khi tôi bắt đầu viết báo. Ngày nay, nhờ Internet, tôi đọc báo nhiều hơn, thấy mình giàu có về tri thức rất nhanh hơn nhờ những nhà báo trong nước và trên thế giới. Tôi theo dấu chân các nhà báo trên những hành trình không chỉ gian khổ, khó khăn mà còn chông gai, nguy hiểm đối với họ để khai thác, phanh phui, giải thích về những vụ việc như buôn bán ma túy, tham nhũng và sự băng hoại đạo đức con người, những thủ đoạn moi tiền túi dân nghèo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng, giao thông, những sai phạm trong xét xử làm nhiều người dân bị oan ức... Những phóng viên, biên tâp viên, những cây bút sắc sảo đầy nhiệt tình và trách nhiệm đã đưa tiếng dân lên báo giấy, báo hình, báo nói và báo điện tử.
Tôi hết sức trân trọng những nhà báo đã có nhiều đóng góp để xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, làm trong sáng hơn tiếng Việt hiện đại, chia sẻ cho mọi người những thông tin và tri thức trong đổi mới nông thôn, phát triển kinh tế tri thức, chuyển đổi số quốc gia... Đặc biệt, báo chí ngày nay đã trở thành lực lượng đi đầu trong xây dựng xã hội số, kinh tế số, thúc đẩy con người học tập để có những kỹ năng số, thích ứng với môi trường số.
Trong hai năm qua, có mấy lần phải ngồi nhà theo quy định về phong tỏa dịch bệnh COVID-19, tôi có dịp đọc rất nhiều bài trên mạng, từ đó được làm quen với nhiều cây bút của thế giới. Nhà báo khoa học tự do ở Bắc California Amber Dance đã đăng một bài trên Knowable Magazine, mang lại cho tôi một tri thức: Tại sao, khi mắc bệnh Coronavirus lại có hiện tượng "Cơ thể tự tấn công bản thân", còn Lou Del Bello viết trên Tạp chí BBC Future thì cho tôi một cách nhìn mới: COVID-19 sẽ thay đổi lối sống của chúng ta... Những tri thức đó không phải là cao siêu, nhưng rất bổ ích. Tôi đã đọc trên 30 bài về phòng chống COVID-19 của các nhà báo nước ngoài để viết nên một tham luận trong Hội thảo về "Hội Khuyến học tham gia chống dịch bệnh SARS-CoV-2".
Trên bình diện báo chí thế giới, những tên tuổi của một số nhà báo nổi tiếng được nhắc tới như Kate Adie, nhà báo nữ luôn có mặt ở những điểm nóng để mang lại những bài viết hấp dẫn: Vụ đàn áp đẫm máu ở quảng trường Thiên An Môn (4/6/1989) và vụ giải cứu con tin ở tòa Đại sứ Iran tại London năm 1980; Hu Shuli, nữ nhà báo với những bài vạch trần sự tham nhũng ở Trung Quốc; Robert Fish, nhà báo người Anh, phóng viên tại Trung Đông đã 3 lần phỏng vấn Osama Bin Laden, từng viết về chiến tranh vùng Vịnh và chiến sự ở Afghanistan. Nhắc tới họ để tôi muốn nói rằng, ở Việt Nam chúng ta, riêng hoạt động báo chí ở Điện Biên Phủ lịch sử có Thép Mới, Trần Dĩnh (Báo Nhân Dân), Trần Cư, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp... (Báo Quân Đội); Lê Kim, Lục Văn Thao, Nguyễn Trần Thiết, Đỗ Chí..., những phóng viên nòng cốt của các tờ tin trong các đại đoàn, trung đoàn.
Trên mặt trận chống tham nhũng, ta gặp nhiều tên tuổi như Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Ánh Ngọc, Vương Khánh Trần Linh (Phim tài liệu "Giặc nội xâm"); hàng loạt bài viết về các vụ tham nhũng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Võ Thị Thiên Nga, Đỗ Doãn Hoàng, Hoàng Văn Thiên, Nguyễn Huy Nam...
Trong lĩnh vực phát triển nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp, chúng ta thấy có những bài viết của Vũ Thành, Ánh Tuyết v.v...
Có cả nghìn nhà báo đang dấn thân trên con đường khai sáng, giám sát, phản biện xã hội. Họ làm việc đêm ngày và không có đủ ý chí, nghị lực thì khó có thể phát huy tác dụng của Đệ tứ quyền (Quyền lực thứ tư) của giới truyền thông và hiện tại là những người phát huy tác dụng báo chí trên Internet như Blog, Facebook, Twitter, Youtube... Người ta gọi truyền thông trên Internet là Đệ ngũ quyền - quyền lực thứ năm, quyền lực hỗ trợ cho quyền lực thứ tư ở những nơi mà quyền lực này chưa đủ sức mạnh khi lên tiếng.
Đến đây, tôi quay trở lại với những chiến hữu của mình, muốn nhắc đến họ khi kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng 21/6 đã đến gần. Đó là Đinh Khắc Vượng, Đào Nam Sơn, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Bắc Sơn, Phạm Viết Hoàng và những cây bút như Phan Duy Kha, Nguyễn Hải Hoành, Dương Danh Di... của "Thế giới trong ta", như Nguyễn Hải, Phạm Cầu... ở Tạp chí "Công tác Khoa giáo", Phạm Huy Hoàn ở "Dân trí điện tử", Nguyễn Như Ý ở "Dạy và Học ngày nay" và giờ đây là Tô Phán của "Công dân và Khuyến học". Tôi đã, đang và sẽ cùng họ thực hiện Hành trình tìm kiếm và chia sẻ Tri thức như một lý tưởng của con người trong xã hội tri thức.
Tôi theo đuổi sự nghiệp xây dựng xã hội học tập đã gần 30 năm, từ khi viết những bài đầu tiên về học tập suốt đời (1995). Với tôi, xã hội học tập là con đường duy nhất để đất nước phát triển bền vững. Do vậy, với các chiến hữu của mình, trừ những người đã ra đi, tôi mong các bạn cùng tôi phấn đấu để trở thành những Công dân học tập – những người không tuổi tác trên con đường học hành để chiếm lĩnh tri thức. Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được tác dụng tích cực trong việc cổ xúy mọi người học không bao giờ cùng theo gương nhà báo vĩ đại nhất của dân tộc ta: Nhà báo Hồ Chí Minh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nha-bao-trong-xa-hoi-hoc-tap-179220617093959723.htm