Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh - Vẹn nguyên trái tim nóng của một nhà báo trên "ghế nóng"
Với hệ thống giáo dục đang cải cách mạnh mẽ nhằm phù hợp với thời đại số, với các thế hệ học sinh nhà trường được đào tạo theo tư duy giáo dục mới để trở thành những công dân toàn cầu, sách giáo khoa càng có vị trí quan trọng.
Với hệ thống giáo dục đang cải cách mạnh mẽ nhằm phù hợp với thời đại số, với các thế hệ học sinh nhà trường được đào tạo theo tư duy giáo dục mới để trở thành những công dân toàn cầu, sách giáo khoa càng có vị trí quan trọng.
Sở dĩ, các bậc phụ huynh, chính quyền các địa phương, các nhà trường, và toàn thể xã hội đều đặc biệt quan tâm đến từng thông tin truyền thông về sách giáo khoa là bởi hệ thống sách dùng trong nhà trường vẫn là một hệ thống kiến thức mẫu mực. Bên cạnh sự tận tuỵ của các nhà giáo, sách giáo khoa không ngừng được trông đợi như một nền tảng quyết định đến tầm vóc thế hệ tương lai của đất nước.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in, phát hành sách giáo khoa và các ấn phẩm giáo dục phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các ngành học, bậc học trên toàn quốc.
Tháng 5/2003, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chuyển Nhà xuất bản Giáo dục sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con.
Tháng 7/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định chuyển Công ty mẹ - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, với tên gọi Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Hiện nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có quy mô lớn nhất trong cả nước với gần 40 đơn vị thành viên, mỗi năm xuất bản hàng nghìn tựa sách giáo dục và sản xuất thiết bị, đồ dùng dạy học đa dạng phục vụ nhà trường.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời sách giáo khoa, các sản phẩm giáo dục phục vụ học sinh, giáo viên và đông đảo bạn đọc trong cả nước. Đặc biệt, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện là nhà xuất bản duy nhất có bộ phận chuyên biên soạn, biên tập sách giáo khoa dành cho học sinh dân tộc thiểu số.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thường xuyên tham gia công tác xã hội, hoạt động từ thiện: ủng hộ sách giáo khoa, tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng sách, thiết bị cho thư viện trường học vùng khó khăn; tặng quà tết cho người nghèo; ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, bão lũ, dịch bệnh...
Tạp chí Công dân và Khuyến học đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, tân Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật) nhân dịp một năm học mới sắp bắt đầu, và sách giáo khoa – như thường lệ lại làm nóng dư luận vì những điều liên quan đến chất lượng, phát hành, lợi nhuận doanh thu từ sản phẩm hàng hoá đặc biệt này.
- Thưa ông Nguyễn Tiến Thanh, được biết ông vừa nhận cương vị mới ở Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông cảm nhận ban đầu về vị trí mà mình đảm nhiệm thế nào sau khi đã kinh qua vị trí lãnh đạo cơ quan báo chí và trưởng thành từ một phóng viên, một cây bút đã thành danh với làng báo chí Việt Nam?
Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh: Tôi nhận nhiệm vụ chưa đầy 3 tháng. Tôi nhận nhiệm vụ đúng vào thời điểm cả hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 4 nhà xuất bản Giáo dục tại các miền gồm: Nhà xuất bản Giáo dục tại Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Giáo dục tại Đà Nẵng, Nhà xuất bản Giáo dục tại Cần Thơ và 38 công ty thành viên đang gồng mình, căng sức, chạy đua với thời gian để in ấn, phát hành, cung ứng và tập huấn sách giáo khoa kịp thời cho năm học mới đến từng địa phương, từng ngôi trường, từng thầy cô giáo và từng học sinh.
Tôi cảm nhận được sức nóng, áp lực và sự gian khổ của công việc làm sách giáo dục, đặc biệt là sách giáo khoa.
Làm báo có khó khăn riêng của nghề, làm sách cũng có những thách thức. Tôi cho rằng, đã đến lúc, việc làm sách giáo dục phải được nắn chỉnh trở lại con đường mà nhiều thế hệ làm sách vì sự nghiệp giáo dục đã làm, vì xã hội học tập.
Mở rộng ra làm làm sách giáo dục vì sự tiến bộ của toàn thể người học, toàn xã hội có thể tiếp cận kiến thức, chứ không chỉ dừng lại ở những cuốn sách giáo khoa kinh điển.
Sách giáo khoa trước hết là một sản phẩm văn hoá, mang lại giá trị kiến thức, xã hội, cộng đồng, giáo dục, chứ không đặt lên hàng đầu việc làm sách phải có lãi.
Vừa rồi, chúng tôi giảm giá sách giáo khoa xuống 15% được Thủ tướng Chính phủ khen, việc này góp phần làm an toàn về chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Vậy nên, nếu chỉ nỗ lực làm sách giáo khoa có lãi thì lại đi chệch mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, sứ mệnh của Nhà Xuất bản Giáo dục.
Giờ đây, mỗi ngày tôi phải ký duyệt cả xe sách giáo dục. Mỗi năm tôi ký khoảng 30 ngàn chữ kí xuất bản.
Như vậy, nếu nói về lãi, phải nói lãi sách giáo dục, chứ sách giáo khoa còn phải bù lỗ. Sách giáo khoa bị áp lực buộc phải in ngày càng đẹp, giá trị ngày càng cao, không thể sai một chữ, và giá lại phải giảm vì an sinh xã hội.
Công chúng nhìn vào doanh thu của nhà xuất bản thì nghĩ ngay giá đó móc túi phụ huynh và họ bị gánh giá sách giáo khoa quá cao. Chúng tôi cũng luôn bị dư luận ác cảm mỗi khi nghe đến doanh thu cao từ sách.
Nhưng thực tế đâu phải vậy? Và khi về làm việc tại nhà xuất bản rồi, tôi mới hiểu nhiệm vụ làm sách giáo khoa nặng nề thế nào!
- Ông có giải pháp gì dung hoà được nhiệm vụ chính trị của ngành Giáo dục và Đào tạo, với việc cần phải cân bằng lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh trong khi Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn hoạt động như một đơn vị sự nghiệp có thu?
Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh: Tôi đã bắt đầu cảm nhận được guồng quay khốc liệt của nghề làm sách khi chứng kiến cả tập thể trong hệ thống nhà xuất bản nhiều đêm thức trắng, có lúc không kịp ăn trưa để thực hiện thành công hai bộ sách giáo khoa "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" trong đợt đổi mới chương trình và sách giáo khoa theo Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội.
Người học đòi sách, xã hội cần sách và chúng tôi phải chạy đua với thời gian. Tất cả phải kịp cho năm học mới, cho địa phương và nhà trường còn chọn sách.
Đổi mới chương trình giáo dục kèm theo đổi mới sách giáo khoa với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo quy định của chương trình và các loại sách, tài liệu giáo dục có chất lượng theo chỉ đạo của Bộ.
Hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục luôn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh, vừa bảo toàn vốn nhà nước, đảm bảo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cùng với việc giảm giá thành sản phẩm, làm tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ cộng đồng và sự nghiệp giáo dục.
Tôi cho rằng chúng tôi sẽ đi đúng hướng với nỗ lực giảm giá sách giáo khoa đồng thời đa dạng hoá các sản phẩm sách giáo dục khác nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị, hướng tới những giá trị mang tính phục vụ cộng đồng đã mang lại hiệu quả.
- Không tăng vốn, không đầu tư ngoài ngành, không chủ trương thành lập tập đoàn, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ có chiến lược phát triển như thế nào thưa ông?
Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh: Chúng tôi sẽ tập trung vào sứ mệnh giáo dục và phát triển nguồn nhân lực đất nước.
Mục tiêu chúng tôi không phải kiếm tiền và đó cũng không phải lý do tồn tại một Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam quy mô, hậu thuẫn đắc lực cho hệ thống giáo dục và đồng hành cùng các địa phương, các nhà trường, các gia đình học tập.
Một lưu ý là giờ đây, chương trình giáo dục phổ thông mới mà ngành Giáo dục và Đào tạo áp dụng từ năm 2018 sẽ hành động theo mục tiêu một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa. Trong đó, tập trung vào người học, khả năng tự học, chủ động, chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào những gì trong sách.
Đi cùng với sách lại phải có phần trải nghiệm. Với mỗi địa phương còn có sách dành riêng cho nội dung giáo dục địa phương, lại làm riêng, tập huấn riêng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng ph ải thấy rằng, để làm ra một bộ sách phải tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng.
Trong tất cả các khâu từ biên soạn, quy tụ giàn giáo sư, chuyên gia cho đến khi sách giáo khoa ra đời, phát hành đến từng địa phương, lựa chọn sách, tập huấn sách giáo khoa rồi đủ thứ phức tạp mới ra đời một cuốn sách giáo khoa. Mà cuốn sách đó hoàn toàn không được phép sai đến một chữ.
Tôi cho rằng để ra đời một bộ sách giáo khoa của nhà nước rất gian nan. Bắt đầu từ việc tổ chức, kết nối nhóm tác giả biên soạn gồm toàn các nhà sư phạm lâu năm, tầm vóc trí thức chuyên gia giáo dục. Họ vừa là nhà giáo với chuyên môn sư phạm chắc chắn, đã kinh qua việc giảng dạy trực tiếp thì kiến thức mới sát thực tế. Họ lại phải tư duy như một nhà khoa học giáo dục, mới có thể biên soạn sách giáo khoa.
Làm sách giáo khoa còn có vấn đề bản quyền, tầng tầng lớp lớp bản quyền về nội dung, hình ảnh, âm thanh. Hệ thống nhân sự chuyên về công tác bản quyền cũng cần tỉ mỉ, sâu sát.
Sau khi tổ chức làm bản thảo sách giáo khoa cũng phải thực nghiệm tại các trường một thời gian dài. Khi được chấp nhận rồi thì bản thảo mới được hình thành. Tiếp tục qua hội đồng xét duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất gắt gao, rất dễ trượt. Có những bản thảo vướng mắc các vấn đề khó, qua hội đồng thẩm định nhiều năm mới xong.
Vì thế, sách giáo khoa không bao giờ có lãi vì vậy.
Tương lai, sách giáo khoa sẽ là sách số, sách điện tử, lại phải có những thay đổi phù hợp với thời đại.
Chúng tôi sẽ còn nhiều việc phải làm.
- Xin ông chia sẻ về việc trong việc sản xuất sách giáo khoa có lợi ích nhóm như công chúng vẫn thường phản ánh hay không?
Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh: Tôi xin tiếp tục câu chuyện về làm sách giáo khoa không có lãi. Mỗi cuốn sách giáo khoa vô cùng phức tạp từ bản quyền, thù lao tác giả, phát hành, tập huấn cho giáo viên buộc nhà xuất bản phải làm. Kèm theo đó là sách hướng dẫn giáo viên phát không cho các nhà giáo. Mọi chi phí cộng lại khiến sách giáo khoa hầu như không có lãi.
Để in được sách thì phải đấu thầu rất mất thời gian và tốn nhân lực cho công tác đấu thầu. Chỉ thay đổi một chút về giá giấy nhập vào, hoặc loại giấy, hoặc quy cách giấy của nhà cung cấp là chúng tôi lại gặp rắc rối với thủ tục.
Oái oăm là in sách xong, lại phải đấu thầu mua thùng giấy chứa sách mới vận chuyển được. Những hộp giấy chứa sách chỉ sai một ly là cả thệ thống lại quay cuồng!
2 bộ sách Chân trời sáng tạo và Tri thức cuộc sống của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam rẻ hơn bộ sách khác. Trước đây, nhà xuất bản độc quyền, tuy nhiên bây giờ là cạnh tranh sách giáo khoa. Theo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, người dùng tự chọn bộ sách giáo khoa. Mỗi khi chúng tôi giảm giá thì sẽ bị buộc tội cạnh tranh không lành mạnh với đơn vị bạn.
Chính vì vậy, chúng tôi cũng xác định làm sách giáo khoa đảm bảo doanh thu chứ không lợi nhuận. Bởi đối với một doanh nghiệp nhà nước, rất nhiều những quy tắc tài chính giống như "vòng kim cô" mà buộc phải tuân thủ, chứ không thể có độ mở như một doanh nghiệp tư nhân
Và cũng bởi vì là doanh nghiệp Nhà nước, nên toàn bộ lợi nhuận của Nhà xuất bản sẽ thuộc về Nhà nước. Chỉ có một phần nhỏ được trích lại cho quỹ lương, bảo hiểm xã hội, phúc lợi … theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Là người quản lý Doanh nghiệp Nhà nước, mức lương của tôi được khống chế theo quy định, thấp hơn mức lương cũ của tôi khi làm báo, thậm chí thấp hơn cả lương của người lao động trong doanh nghiệp. Điều này khác hẳn với các công ty cổ phần, công ty tư nhân.
- Kinh nghiệm làm báo lâu năm có giúp ông trong vị trí mới là người làm sách không?
Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh: Áp lực từ công việc thì tôi quen rồi. Việc làm báo hay làm sách đều thú vị, đều là "việc khó" cả. Quan trọng là tôi đã xác định được sứ mệnh giáo dục từ việc làm sách giáo dục.
Tôi mới có một thời gian ngắn trên "ghế nóng"! Nhưng tôi bắt đầu có nhiều ý tưởng phối hợp giữa xuất bản và công nghệ để nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số. Chiến lược của chúng tôi cũng là sẽ tăng cường công nghệ và đưa AI vào quá trình chuyển đổi số công tác xuất bản.
Và làm sách số, sách điện tử theo kịp xu thế thời đại, không thể khác!
- Cảm ơn ông đã cởi mở với cuộc trò chuyện này!
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nha-bao-nguyen-tien-thanh-ven-nguyen-trai-tim-nong-cua-mot-nha-bao-tren-ghe-nong-179240710142950223.htm