Mượn xe của người thân, bạn bè có bị phạt lỗi chạy xe không chính chủ?

17:06 - 09/04/2024

Bạn đọc đặt câu hỏi: Đi xe mượn của người thân, bạn bè có bị phạt lỗi chạy xe không chính chủ? Mức phạt đối với hành vi này là bao nhiêu tiền?

Mượn xe của người thân, bạn bè có bị phạt lỗi chạy xe không chính chủ?- Ảnh 1.

Mượn xe của người thân thì không bị xử phạt lỗi chạy xe không chính chủ, chỉ bị phạt khi mua bán, tặng cho… mà không làm thủ tục thu hồi đăng ký xe và biển số. Ảnh: IT/Images

Đi xe của người thân, bạn bè có bị phạt "lỗi xe không chính chủ"?

Luật Giao thông đường bộ hiện hành không đề cập đến khái niệm "xe không chính chủ". Trong thực tế, lỗi xe không chính chủ là cách gọi thông thường của lỗi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe.

Cụ thể, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định khi mua xe, cho hoặc biếu tặng thì người dân phải làm thủ tục đăng ký sang tên, đổi chủ xe trong vòng 30 ngày kể từ khi được chuyển giao xe.

Trường hợp người dân không làm thủ tục sang tên xe để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.

Như vậy, không có lỗi nào được gọi là lỗi đi xe không chính chủ và lỗi xe không chính chủ chỉ là thuật ngữ mà người dân hay gọi trong cuộc sống hàng ngày để chỉ lỗi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe.

Theo quy định của pháp luật, trừ khi thực hiện các giao dịch liên quan tới chuyển quyền sở hữu tài sản thì nếu người tham gia giao thông mượn xe hợp pháp, chính chủ từ người thân hay bạn bè thì sẽ không bị phạt lỗi đi xe không chính chủ.

Vậy, Cảnh sát giao thông có được dừng xe để kiểm tra "lỗi không chính chủ"?

Theo quy định tại khoản 2, Điều 12 của Thông tư số 32/2023/TT-BCA thì Cảnh sát giao thông được kiểm tra giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông khi dừng xe, bao gồm:

- Giấy phép lái xe;
- Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;
- Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe);
- Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định);
- Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định (sau đây gọi chung là giấy tờ).
Ngoài ra, khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ.

Như vậy, khi thực hiện tuần tra kiểm soát, Cảnh sát giao thông không được dừng phương tiện để kiểm tra với lỗi chưa sang tên đổi chủ mà chỉ được phép kiểm tra các phương tiện khi phát hiện ra lỗi vi phạm giao thông.

Việc xác minh để phát hiện lỗi xe không chính chủ chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông hoặc qua công tác đăng ký xe (Khoản 10 Điều 80 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP).

Đối chiếu với các quy định trên thì việc mượn xe của người thân, bạn bè,… để chạy trên đường thì sẽ không bị phạt lỗi xe không chính chủ. Trường hợp mượn xe để sử dụng mà có hành vi vi phạm giao thông thì cũng không bị xử phạt về lỗi xe không chính chủ, trừ trường hợp gây tai nạn mà qua công tác điều tra, xác minh được các chủ thể đó đã có hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe máy, ô tô.

Ví dụ, nếu chủ xe đã xuất trình đầy đủ giấy tờ khi bị công an dừng xe do vượt đèn đỏ thì Cảnh sát giao thông sẽ xử phạt hành chính chủ xe về hành vi này, mà chủ xe không cần phải chứng minh nguồn gốc xe máy mượn của ai.

Nhưng trong quá trình xử lý hành vi vi phạm, nếu Cảnh sát giao thông phát hiện phương tiện vi phạm đã được mua bán nhiều lần nhưng chưa sang tên, lúc này chủ xe sẽ bị phạt thêm lỗi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/muon-xe-cua-nguoi-than-ban-be-co-bi-phat-loi-chay-xe-khong-chinh-chu-179240409103742468.htm