"Muôn hình vạn trạng" dạng đề thi Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10
Khối trung học phổ thông không chuyên thi 3 môn thi: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh tuyển sinh vào lớp 10 ở hầu hết các địa phương. Trong 3 môn thi này, đề thi Ngữ văn bao giờ cũng được quan tâm nhiều nhất với muôn hình vạn trạng kiểu ra đề.
Sự quan tâm của công chúng đến đề thi môn Ngữ văn không hẳn vì thí sinh yêu thích môn học này. Lý do là Ngữ văn của chương trình lớp 9 đang có số tiết mỗi tuần và lượng kiến thức khá nhiều nên trước kì thi nhiều giáo viên, học sinh luôn đoán đề dẫn đến tình trạng "trúng tủ" và "lệch tủ".
Vì thế, sau khi thi môn Ngữ văn vào ngày đầu tiên, bao giờ cũng có 2 thái cực trên vẻ mặt thí sinh: vui cười rạng rỡ trúng tủ nhưng cũng có nhiều thí sinh tiu nghỉu buồn rầu vì không làm được bài ở phần làm văn.
Đề thi môn Ngữ văn vẫn là dành được sự quan tâm lớn của những người yêu mến, quan tâm đến môn học này. Có những đề hay, mới, sáng tạo không lệ thuộc vào văn mẫu và những tác phẩm văn học trong sách Ngữ văn lớp 9. Bên cạnh đó, có rất nhiều đề Ngữ văn được thực hiện máy móc, khiên cưỡng, chắp vá và có cả những đề thi của địa phương này na ná vì bắt chước đề của địa phương khác.
Những câu hỏi trong đề thi Ngữ văn của một số địa phương quá dễ dãi
Đọc nhiều đề thi Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang diễn ra, điều mà mọi người nhìn thấy đa phần các đề thi có những câu hỏi rất giản đơn giống như thọc tay vào túi quần lấy kẹo ra vậy.
Ví dụ, đề thi của tỉnh Long An và Bình Phước đều lấy cùng một đoạn ngữ liệu từ bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn 9. Cả 2 đề thi cùng hỏi trùng nội dung ở câu 1 như sau: Đoạn thơ trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai? (câu 1,0 điểm - đề thi tỉnh Bình Phước); Đoạn thơ trên được trích từ bài thơ nào? Tác giả là ai? (đề thi tỉnh Long An).
Đọc câu hỏi như thế này có lẽ người ra đề cũng chỉ hỏi cho có vì phần văn học Việt Nam lớp 9 hiện nay có 12 bài thơ, đoạn thơ và 5 tác phẩm văn xuôi nằm trong chương trình bắt buộc và học sinh đều đã học, đã ôn đi ôn lại nhiều lần trong năm học. Giờ lấy một đoạn thơ và hỏi đoạn đó nằm trong bài nào, ai viết bài thơ này thì rõ ràng đây là câu cho điểm thí sinh, câu để thí sinh không bị điểm liệt mà thôi.
Đặc biệt, cả 2 đề thi của Long An và Bình Phước đều hỏi lời bà dặn cháu đã vi phạm phương châm hội thoại nào, vì sao? Đối với những giáo viên dạy Ngữ văn, đọc đề thi này thì thấy ngay nguồn gốc đề và câu hỏi này được lấy từ nguồn nào.
Bên cạnh nhưng câu hỏi có phần dễ dãi như đề Bình Phước, Long An cũng không khó để tìm những câu hỏi của nhiều đề thi khác, như: cho biết đoạn ngữ liệu trên thuộc thể thơ gì?; xác định thể thơ của đoạn ngữ liệu; xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn ngữ liệu…
Chính vì những câu hỏi quen thuộc, cũ mèm này nên khi ôn thi giáo viên đã bày hết mưu mẹo cho học sinh không cần phải suy nghĩ, tư duy gì cũng dễ dàng lấy điểm tuyệt đối những câu hỏi nhận biết, thông hiểu của đề thi.
Phần làm văn đa phần có lệnh đề "cảm nhận của em" về đoạn thơ; bài thơ; nhân vật cụ thể trong một tác phẩm đã được học ở lớp 9 nên dẫn đến tình trạng em nào nhớ tốt là có điểm cao và đa phần các em sử dụng văn mẫu vì chỉ chừng ấy tác phẩm, không ra bài này thì ra bài khác. Vì thế, đề thi Ngữ văn bây giờ có phần nhàm chán, học trò khó có cơ hội nói lên chính kiến của mình.
Những đề mới, sáng tạo, không lệ thuộc vào văn mẫu, mưu mẹo như Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay rất hiếm gặp. Người ra đề văn vẫn không dám đổi mới mình. Đổi mới đề và rất nhiều đề thi đang được sao chép từ một số tài liệu ôn thi môn Ngữ văn lớp 9 nên có phần cứ na ná như nhau.
Muôn hình vạn trạng các kiểu đề thi Ngữ văn
Theo dõi đề thi tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay, mặc dù tất cả học sinh cả nước đang học chung 1 bộ sách giáo khoa của chương trình 2006 nhưng cấu trúc, hình thức mỗi nơi mỗi kiểu khác nhau không theo một khuôn mẫu nào cụ thể. Trong khi, tất cả học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đều chịu chỉ đạo chuyên môn từ Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Ngày 21/7/2022, Bộ ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Công văn hướng dẫn: "Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn".
Tuy nhiên, ngày 22/8/2022 - thời gian cận kề năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023. Lúc này, Bộ lại có hướng dẫn khác: "Đối với môn Ngữ văn, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn theo hướng dẫn tại Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Việc kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ đối với khối lớp 6, lớp 7, lớp 10; khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo Công văn này đối với khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12".
Chỉ trong vòng có hơn 1 tháng trước thềm năm học 2022-2023, Bộ đã có 2 văn bản là Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH và Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH về dạy và học, cũng như kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn. Đặc biệt, Bộ cũng đã tập huấn cấu trúc đề Ngữ văn mới theo hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận cho đội ngũ cốt cán ở các địa phương.
Chính vì thế, trong số những tỉnh đã thi tuyển sinh vào lớp 10 đối với đề dành cho khối trung học phổ thông không chuyên, đề Ngữ văn của tỉnh Phú Yên là có cấu trúc, hình thức mới nhất. Vì không có tỉnh nào ra đề Ngữ văn có kết hợp trắc nghiệm với tự luận nhưng Phú Yên đã thực hiện.
Cấu trúc đề thi này giống như cấu trúc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn cho đội ngũ cốt cán ở các địa phương đầu năm học 2022-2023 và giáo viên được hướng dẫn áp dụng cho các lớp dạy chương trình 2018. Thế nhưng, Phú Yên đã áp dụng cho cả đề tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, nghĩa là đã áp dụng cho cả lớp thuộc chương trình 2006.
Các tỉnh khác đã tổ chức thi đa phần đều thực hiện theo hình thức tự luận hoàn toàn và phần nhiều đề văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn với thang điểm 4-6 hoặc 3-7.
Cấu trúc đề thi Ngữ văn đang mỗi nơi một kiểu cho thấy cải cách môn học lủng củng, chưa triệt để
Vì thế, theo dõi đề thi tuyển sinh vào lớp 10 đối với môn Ngữ văn, nhiều người không khỏi băn khoăn về hình thức, cấu trúc đề thi hiện nay. Một số đề thi môn Ngữ văn chưa có sự đầu tư nghiêm túc. Có những lệnh câu hỏi còn tạo ra những phản ứng trái chiều của dư luận; có những câu hỏi cho có hỏi; có những câu hỏi mơ hồ, đa nghĩa nên dẫn đến nhiều đáp án; thậm chí có những câu hỏi nằm trong kiến thức đã được giảm tải…
Môn Ngữ văn vẫn đang đổi mới chậm rãi, manh mún, chưa có sự đồng nhất kể cả trong chỉ đạo và thực hiện. Minh chứng rõ nhất là đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn hiện nay có địa phương áp dụng hình thức tự luận hoàn toàn nhưng cũng có nhiều địa phương áp dụng hình thức trắc nghiệm khách quan với tự luận. Điều này, sẽ khó cho học sinh vì sau 3 năm cấp trung học phổ thông, các em sẽ hướng tới đề thi chung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 thì môn Ngữ văn sẽ áp dụng hình thức tự luận hoàn toàn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/muon-hinh-van-trang-dang-de-thi-ngu-van-tuyen-sinh-vao-lop-10-179230609183851342.htm