Mức độ sử dụng nền tảng số của người dân Việt Nam tăng hơn 23,5% so với cùng kỳ năm 2021

11:00 - 02/10/2022

Tổng thời gian sử dụng nền tảng số của Việt Nam là hơn 934 triệu giờ, chiếm 13,77% so với tổng thời gian sử dụng trên toàn bộ các nền tảng.

Mức độ sử dụng nền tảng số của người dân Việt Nam tăng hơn 23,5% so với cùng kỳ năm 2021 - Ảnh 1.

Nhu cầu mua sắm trực tuyến gia tăng. Ảnh: Bảo An, Báo Tin tức/ TTXVN

Mức độ sử dụng các nền tảng số của người dân tăng

Theo thống kê về đo lường hoạt động của người dân trên các nền tảng số của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 8/2022, mỗi người dùng điện thoại thông minh (smartphone) dành khoảng 9,93 giờ để sử dụng các nền tảng số Việt Nam - tăng 4,67% so với tháng 1/2022 và tăng 11,44% so với tháng 7/2022.

Mức độ sử dụng các nền tảng số của người dân Việt Nam cũng ghi nhận tăng. Tháng 8/2022, có trên 494 triệu lượt sử dụng các nền tảng số Việt Nam, tăng hơn 23,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thời gian người dùng sử dụng các nền tảng số của Việt Nam và nước ngoài đạt hơn 6,78 tỷ giờ, tăng 2,67% so với tháng 1/2022.

Tổng thời gian sử dụng nền tảng số của Việt Nam là hơn 934 triệu giờ, chiếm 13,77% so với tổng thời gian sử dụng trên toàn bộ các nền tảng.

5 nền tảng có trên 10 triệu người dùng hằng tháng là Zalo (75 triệu người), Zing Mp3 (23,6 triệu người), Ví Momo (19,6 triệu người), Báo Mới (15,5 triệu người), ứng dụng của Vietcombank (12 triệu người).

Tỷ lệ người dùng các nền tảng số của Việt Nam tháng 8/2022 chiếm khoảng 20,33% tổng số người dùng các nền tảng số trên thiết bị di động. Trong đó, các nền tảng số Việt Nam chủ yếu tập trung ở nhóm nền tảng có từ 1 đến 5 triệu người dùng. Tính đến nay, 5 nền tảng góp mặt trong nhóm nền tảng có trên 10 triệu người dùng hằng tháng là Zalo (75 triệu người), Zing Mp3 (23,6 triệu người), Ví Momo (19,6 triệu người), Báo Mới (15,5 triệu người), ứng dụng của Vietcombank (12 triệu người).

Việt Nam xếp thứ 7 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về xã hội số

Theo Báo cáo về Chỉ số xã hội số của Hiệp hội hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA) tháng 8/2022, cho thấy Việt Nam xếp thứ 7 trong các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương về xã hội số (sau Australia, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan Malaysia). Trong đó, Việt Nam đứng thứ 5 về trụ cột thương mại số, đứng thứ 7 trong các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương về xã hội số.

Số lượng người sử dụng các nền tảng số trên thiết bị di động vẫn đang tiếp tục gia tăng. Số lượng lượt tải ứng dụng mới trên các thiết bị di động từ 2 kho Google Play và Apple Store đạt khoảng 312 triệu lượt, tăng 19% so với tháng 7/2022. Với xu hướng này, Việt Nam dự kiến tiếp tục xếp hạng thứ 7 toàn cầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên các thiết bị di động, sau Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Indonesia, Trung Quốc và Mexico.

Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động của người dân trên môi trường số, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng các nền tảng số quốc gia, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, toàn xã hội tham gia đóng góp dữ liệu và sử dụng các dịch vụ, tiện ích của các nền tảng số quốc gia.

Các nền tảng số lớn tại Việt Nam hiện nay là: Zalo với hơn 75 triệu người dùng hằng tháng, Facebook với hơn 65,7 triệu người và Shopee với gần 44,5 triệu người.

Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào các chương trình "Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số", hướng đến Ngày Chuyển đổi số quốc gia (ngày 10/10). Các địa phương tham gia lựa chọn các nền tảng số quốc gia để ưu tiên thúc đẩy trên địa bàn. Tổ công nghệ số cộng đồng với thanh niên là lực lượng nòng cốt tích cực "đi từng ngõ, gõ từng nhà" hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các nền tảng số Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc phát triển kỹ năng số, văn hóa số của người dân trên môi trường mạng.

Nguồn: PV (tổng hợp)

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/muc-do-su-dung-nen-tang-so-cua-nguoi-dan-viet-nam-tang-hon-235-so-voi-cung-ky-nam-2021-179221002065918804.htm