Mưa lũ diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh khẩn trương chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 803/CĐ-TTg ngày 9/9/2022 về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Chủ động phòng chống mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, những ngày vừa qua tại một số địa phương khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa lớn cục bộ, gây ngập lụt, sạt lở, thiệt hại nhà cửa, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, nhất là tại thành phố Hà Nội và các tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An, có nơi đã xảy ra thiệt hại về người, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 803/CĐ-TTg ngày 9/9/2022 về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an.
Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai có xu thế phức tạp, cực đoan, bất thường, mưa lớn, ngập lụt cục bộ, lũ quét, sạt lở đất có thể còn tiếp tục xảy ra tại khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ kịp thời, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh: Chỉ đạo rà soát các khu dân cư, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu hoặc có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi mưa lũ, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng phó mưa lũ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó.
Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông Vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn giao thông và kịp thời khắc phục nhanh sự cố trên các trục giao thông chính.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu của địa phương.
Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Mưa lớn đã làm 2 người mất tích, hơn 400 ngôi nhà bị ngập
Theo Báo cáo nhanh công tác trực ban Phòng, chống thiên tai ngày 9/9 của Tổng cục Phòng, chống thiên tai: Mưa lớn từ ngày 8-9/9 tại 5 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã làm 2 người mất tích là Nguyễn Xuân Giang, sinh năm 1985 (Hòa Bình) bị nước cuốn trôi và háu Nguyễn Xuân An, sinh năm 2009 (Nghệ An) bị nước cuốn trôi.
Mưa lớn đã làm 420 nhà bị ngập; 2.576 ha lúa, hoa màu, bị ngập.
Đồng thời, mưa lớn trong những ngày qua cũng đã gây sạt lở tại một số tuyến đường liên xã thuộc các huyện Lương Sơn, Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình; Sạt lở 12 điểm giao thông các xã thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ; Sạt lở tại một số tuyến đường thuộc QL15C, 16 (không gây tắc đường) và ngập 4 vị trí ngầm tràn bị ngập, đã cắm biển cảnh báo cấm người dân đi lại ở Thanh Hóa. Tại Nghệ An cũng đã có 8 vị trí ngầm tràn bị ngập, đã cắm biển cảnh báo cấm người dân đi lại.
Đặc biệt, tại Hòa Bình đã xảy ra cố sạt lở đoạn kè bờ sông (chân cầu Đen từ suối Chăm đổ ra sông Đà) tương ứng K2+458 - K2+538 đê Đà Giang tỉnh Hòa Bình (phát hiện ngày 8/9/2022). Tỉnh Hòa Bình đã tiến hành di dời 4 hộ dân trên đỉnh kè tại khu vực nguy hiểm; kiểm tra, khoanh vùng, cắm biển cảnh báo tại vị trí sạt lở; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện; nhân lực để xử lý sự cố; tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở.
Tại Hà Nội, mưa lớn cũng đã làm sạt mái đê tả Đáy gồm: sạt mái thượng lưu đê tả Đáy từ K59+205 đến K59+225 dài 20m, sâu 0,7m thôn Nghi Lộc, xã Sơn Công huyện Ứng Hòa; sạt mái thượng lưu đê tả Đáy từ K47+885 đến K47+930 dài 45m, sạt sâu 1,6m thôn Thượng, xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa. Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo địa phương khoanh vùng cắm biển cảnh báo sạt lở, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện hộ đê để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Mưa dông diện rộng ở Bắc Bộ có thể kéo dài đến ngày 12/9
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày và đêm nay 10/9, Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm. Khu vực Nam đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sáng ngày 10/9, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 80mm. Từ trưa chiều 10/9, mưa lớn giảm dần.
Khu vực Hà Nội: Ngày và đêm 10/9 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Trung tâm này cảnh báo: Mưa dông diện rộng ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kéo dài khoảng ngày 12/9.
Trong mưa dông cần đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: Cấp 1.