Mái tóc của mẹ
Ngày còn nhỏ, tôi không quan tâm đến việc mẹ có mái tóc dài rất đẹp vì mẹ luôn vấn khăn, cho đến một ngày bố đi công tác về. Bố ngồi uống trà, ngắm mẹ rất lâu với ánh mắt đăm đắm đến mức khó tả.
Mái tóc của mẹ như dòng suối đẹp!
Hôm ấy, mẹ đang chải đầu sau khi gội bằng nước ngâm bồ kết nướng và thêm nắm lá bưởi. Mẹ nghiêng đầu, mái tóc buông xuống như dòng suối đen dài tận khủy chân. Mẹ một tay đỡ mái tóc như nâng niu, một tay cầm chiếc lược chải xuôi làn tóc ánh lên trong màu vàng nhạt của nắng chiều.
Đôi mắt đẹp của mẹ lặng lẽ nhìn theo chiếc lược đang đi qua dòng suối tóc mà không hề chú ý đến ánh mắt si mê của bố. Không gian như lắng lại, chỉ còn tiếng lược khẽ lướt trên tóc mẹ, âm thanh nghe như tiếng gió thoảng.
Mẹ hong khô tóc rồi nhẹ nhàng, chậm rãi vấn vào chiếc khăn nhung the cũ, quấn lên đầu, lệch phía sau gáy một lọn tóc nhỏ điệu đà lấp ló sau đuôi chiếc khăn nhung the.
Mái tóc của mẹ khi đó không chỉ đơn giản là một mái tóc đẹp bình thường mà như là biểu tượng cái đẹp của tình yêu để bố say đắm. Bố ngồi như thế cả mấy chục phút đăm đắm nhìn mẹ. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là ánh mắt si mê của người đàn ông đối với người phụ nữ mình yêu!
Dù vất vả làm việc và chăm lo cho mẹ chồng cùng 6 đứa con nhưng mẹ không quên chăm chút cho mái tóc của mình. Mái tóc dài đó đi theo mẹ từ khi còn trẻ đến lúc về già. Mẹ chưa bao giờ cắt tóc. Mái tóc giống như một thứ quý giá được mẹ nuôi dưỡng và gìn giữ ký ức, là cách mẹ lưu giữ hình ảnh của một thời thanh xuân bằng thứ tình yêu thầm lặng và sự trân trọng quá khứ.
Mỗi lần mẹ gội đầu như thực hiện một nghi thức tôn giáo. Mẹ chậm rãi, nhẹ nhàng, chăm chút từng việc, từ nướng bồ kết, đun và pha chế nước gội, đến mỗi gáo nước thanh thoát dội nhè nhẹ xuống mái tóc dài. Từng giọt nước bồ kết sánh lại, óng ánh thấm vào tóc mẹ, tỏa ra mùi hương dân dã. Gội xong, mẹ lấy khăn bông thấm từng lọn tóc, rồi nghiêng đầu chải tóc trước gió, sau đó chậm rãi cuốn tóc quanh đầu bằng chiếc khăn nhung the đã cũ.
Hình ảnh mẹ gội đầu giản dị mà đẹp lạ lùng đã đóng đinh vào ký ức của tôi.
Mẹ, giản dị mà đằm thắm
Cả đời mẹ chung thủy với những chiếc áo cánh nâu, chiếc quần lụa mềm mại, nhưng vẫn thấy nét thanh lịch. Như vẻ đẹp âm thầm của mái tóc, chưa bao giờ tôi thấy mẹ to tiếng với bố mặc dù bố rất nóng tính, nhiều khi làm mẹ bị tổn thương. Mẹ càng không bao giờ có một lời cãi lại mẹ chồng. Mẹ không bao giờ cãi nhau, to tiếng với bất kỳ ai. Cuộc đời mẹ trôi qua bình dị như thế, gần 90 năm vẫn giữ nguyên những phẩm chất tưởng như xưa cũ, không hề thay đổi theo thời gian. Sự thay đổi ở mẹ chỉ là tuổi tác hằn trên gương mặt những nếp nhăn. Mái tóc của mẹ, dù đã lưa thưa vì năm tháng đời người, vẫn mang trong đó cả một đời sống chất phác, bản tính dịu dàng, đằm thắm.
Mẹ không đòi hỏi gì, không ganh tị với ai. Mẹ chỉ chăm chỉ làm việc để đủ ăn, đủ mặc, đủ ấm là được. Dù sau này con cái có kinh tế ổn định, chăm lo cho mẹ nhưng mẹ vẫn giữ cách sống đơn sơ như vậy. Ngay cả khi mẹ bị bệnh, vẫn không muốn để con cháu phiền lòng, luôn tự làm, không cần ai bón cháo hay chăm chút quá mức, nhất là gội đầu, chải tóc.
Khi ốm đau phải nằm viện, mỗi khi ngủ dậy việc đầu tiên của mẹ là chải đầu. Mẹ chải rất lâu, nhẹ nhàng và chăm chút tỉ mỉ... Bao nhiêu lần các con thấy mẹ bận rộn với mái tóc đang rụng dần do tuổi tác, muốn cắt ngắn cho gọn, nhưng mẹ đều không đồng ý. Mãi đến năm mẹ 88 tuổi phải nằm viện gần hai tháng trong tình thập tử nhất sinh, mẹ mới làm một "cuộc cách mạng" về tóc.
Lần ấy, mẹ nằm một chỗ cả tháng trời, nửa mê nửa tỉnh, cơ thể yếu ớt, đi vệ sinh phải có con cháu giúp. Sau mấy tuần chiến đấu với bệnh tật (các bác sĩ liên khoa hội chẩn, thay đổi phác đồ điều trị, các điều dưỡng, y tá cấp tập thực thi y lệnh, mẹ kiên cường chống đỡ, con trai, con gái, con dâu ở nhà lễ kêu cầu...), mẹ ngồi dậy được và... đồng ý ăn cháo.
Tôi cầm giấy ăn cài vào cổ áo cho mẹ, cầm thìa bón chút cháo cho mẹ. Đột nhiên mẹ lấy tay gạt phắt đi, mắng rất to: "Không khiến. Mẹ tự làm được". Tôi giật mình khựng lại, rồi bất ngờ khóc như đứa trẻ. Mẹ đã vượt qua thời điểm nguy hiểm rồi. Mẹ lại mắng: "Khóc cái gì! Đã chết đâu mà khóc". Giời Phật ạ. Mẹ cứ mắng con đi, quát mắng con nữa đi. Mẹ đã khỏe hơn nên mới quát mắng con. Sung sướng nhất là 60 tuổi vẫn còn có mẹ và được mẹ quát mắng trong hoàn cảnh này! Mẹ cứ mắng con cháu nhiều vào. Cần thiết mẹ cứ cầm roi đánh tất cả con cháu nữa mẹ nhé. Khi còn nhỏ, ta hư bị mẹ đánh roi thì khóc tỏ vẻ oan ức, khi mẹ gần đất xa trời mà được mẹ đánh roi thì lại thấy vô cùng hạnh phúc.
Sau mấy ngày tương đối tỉnh táo, mẹ kêu "ngứa đầu quá". Tôi liền bắt tay vào công cuộc gội đầu cho mẹ bằng dầu gội đầu. Có lẽ là lần đầu tiên trong đời mẹ gội đầu bằng dầu gội chứ không phải là nước bồ kết và lá bưởi. Trước khi gội đầu cho mẹ, tôi đánh liều đề nghị: "Tóc mẹ xoắn bó hết rồi, ko chải được, con cắt ngắn cho mẹ nhé". Mẹ nằm trên giường bệnh, gáy kê lên chiếc khăn bông, để mái tóc dài nhưng đã rất xơ, rất xoắn chảy xuống chậu gội, nhè nhẹ gật đầu: "Ừ, cắt cho gọn". Nhiều lần con trai nói với mẹ về việc cắt tóc cho gọn nhưng đều bị mắng. Thế mà bất ngờ lần này mẹ lại đồng ý. Đối với mẹ, quyết định "cắt cho gọn" như "một cuộc cách mạng"!
Thế là xoèn xoẹt, xoèn xoẹt, cái kéo hoạt động quyết liệt theo tay tôi. Kết quả là mẹ đã có mái tóc ngắn, gọn gàng nhưng lạ lẫm vì nó rất... nham nhở. Khi được gội đầu, chải tóc xong, mẹ đòi lấy gương soi. Ánh mắt mẹ dù đang mệt mỏi vì bệnh tật nhưng vẫn biểu lộ sự thất vọng giống như người vừa bị mất một cái gì rất quý giá. Tôi lo lắng nhìn mẹ. May quá, mẹ ko mắng, chỉ chê: "Ngắn quá, lại nham nhở". "Con xin lỗi mẹ. Mẹ cố gắng nghe lời bác sĩ, thuốc thang đầy đủ để nhanh được về nhà. Khi đó con trai dứt khoát sẽ trổ tài nghề cắt tóc sửa mái tóc cho thật hoàn hảo, sẽ gội đầu cho mẹ bằng nước bồ kết và lá bưởi. Lúc đó mẹ sẽ rất đẹp lão"- tôi nịnh mẹ.
Tôi biết mẹ đau lòng vì mất đi mái tóc mẹ nuôi cả đời, nhưng cũng nhẹ nhõm khi thấy sức khỏe mẹ dần hồi phục. Một người phụ nữ 88 tuổi, mặc áo cánh màu nâu cũ kỹ và chiếc quần lụa may theo lối cổ, lưng đã hơi còng, cử chỉ chậm chạp, lại có mái tóc ngắn lửng lơ, mỗi lần chuyển động nó lắc qua lắc lại - nếu nhìn ở góc độ thời trang thì mái tóc đó là rất...phản thẩm mỹ! Nhưng nhìn ở góc độ sức khỏe thì lại thấy hợp lý. Và quan trọng hơn, đối với một người suốt đời chung thủy với truyền thống, dị ứng với mọi thay đổi như mẹ thì đó lại là một cuộc cách mạng về tư duy.
Ngày mẹ từ bệnh viện về nhà, mấy chị em tôi quây quần bên mẹ để thực hiện lời hứa: sửa tóc cho mẹ thật đẹp, gội đầu cho mẹ bằng nước bồ kết và lá bưởi! Con gái cả đun nước sôi, nướng bồ kết, con dâu trưởng ra chợ mua lá bưởi, con gái út pha nước, thử độ ấm. Mấy chị em xúm xít gội đầu cho mẹ, vui như Tết. Mẹ nằm đó cho các con gội đầu, vẻ mặt hạnh phúc. Tôi nhìn những cốc nước bồ kết từ tay chị cả và em gái út dội nhẹ nhàng vào mái tóc ngắn của mẹ, chợt thấy xót xa nhớ về kỷ niệm đã xa xưa lắm rồi: mẹ nghiêng đầu chải mái tóc dài đẹp chảy dài như dòng suối, ánh lên trong màu vàng nhạt của nắng chiều; gần đó bố vừa uống trà vừa nhìn mẹ say đắm!
Mẹ được các con gái gội đầu xong, bỗng nói: "Năm nay mọi thứ đảo lộn. Đêm 30 Tết thì sấm chớp ầm ầm, mưa như trút nước kèm cả mưa đá; rồi cô vi với chả cô vít; hết tháng Tư mà vẫn là mùa đông, mưa, gió rét... Loạn tùng phèo". Thế rồi mẹ đòi đưa xuống tầng 1 ngồi ngắm khoảnh vườn nhỏ: "Mít năm nay nhiều quả nhưng bé tí vì thời tiết đảo lộn linh tinh. Chắc múi bé tí". Nói xong mẹ lại đòi các con đưa lên phòng, ngồi khâu vá chiếc áo sờn... Ơn Giời, các con cứ mong mẹ nói chuyện nhều như thế. Bởi vì mẹ đã khỏe lên nhiều.
Nghe kể, mái tóc được mẹ nuôi từ bé và luôn vấn khăn. Hết tuổi thay răng mẹ được bà ngoại nhuộm răng đen. Cả tháng trời kiêng cữ ăn uống mẹ mới có được hai hàm răng đen nhưng nhức như những hạt na. Khi về một nhà với bố, tóc mẹ dài đến tận khuỷu chân. Mái tóc dài được vấn quanh đầu bởi chiếc khăn nhung the cùng với hàm răng đen đi theo suốt cuộc đời mẹ. Chăm chút mái tóc dài, vấn khăn nhung the, nhuộm răng đen - với mẹ không chỉ là cách ăn vận của một thế hệ, mà dường như có ý nghĩa sâu sắc hơn, đó là ăn vận cho người thương của mẹ (là bố) ngắm!
Cách sống giản dị và tiết kiệm của mẹ vẫn không hề thay đổi qua năm tháng. Những chiếc áo có tuổi đời hơn hai mươi năm, vải đã sờn mòn chỉ còn lại những sợi vải mỏng manh, nhiều chỗ đã rách, nhưng mẹ không bỏ đi mà cặm cụi khâu vá. Nhìn mẹ ngồi khâu vá, tôi như thấy cả một thế hệ đã trải qua gian khó, đã sống bằng đức tính giản dị, lòng kiên nhẫn và quý trọng đối với từng vật dụng, từng miếng cơm manh áo. Chiếc khăn mặt đã bạc màu, bàn chải đánh răng đã mòn vẹt, và chiếc chăn in những bông hoa hồng màu đỏ từ thời những năm 80 thế kỷ trước vẫn là những vật dụng mà mẹ sử dụng hàng ngày. Đối với mẹ, dường như không có khái niệm đồ vật cũ mà đó là kỷ niệm, là sự gắn bó.
Nhiều lần, các con ngỏ ý muốn mua đồ mới cho mẹ, nhưng mẹ gạt đi, nói rằng không cần thiết. Các con mua về tặng, mẹ cũng chỉ đem cất trong tủ cho "mới" chứ không dùng. Mẹ nói: "Ngoài kia nhiều người cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc. Sao phải lãng phí?"
Tính tiết kiệm của mẹ không phải là sự hà tiện, mà là lối sống chắt chiu đã ăn sâu vào máu thịt, là dấu ấn của một thời đói khổ mà mẹ không quên. Mẹ dạy tôi rằng, đồ vật dù cũ nhưng nếu biết trân trọng, chúng vẫn có giá trị. Còn lãng phí, dù chỉ là một hạt gạo hay một chiếc áo, đều là không biết quý trọng cuộc sống. Tôi hiểu, đối với mẹ giàu có không nằm ở số lượng đồ đạc mới mẻ mình có. Những món đồ cũ của mẹ như những chứng nhân của một thế hệ, của một thời gian khó.
Mái tóc dài, hàm răng đen nhánh như những hạt na, chiếc áo cánh màu nâu, chiếc quần lụa, những ngày tháng gội đầu với bồ kết – với tôi tất cả đều là những ký ức không thể phai mờ về một cuộc đời giản dị, chất phác của mẹ. Cuộc sống của mẹ như mái tóc dài ấy, mang một vẻ đẹp mộc mạc theo năm tháng của đời người...
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/mai-toc-cua-me-179241020204047523.htm