Lý giải việc tăng lương cơ sở 30% nhưng lương hưu chỉ tăng 15%
Nhiều độc giả của Tạp chí Công dân và Khuyến học mong muốn được hiểu rõ hơn về việc tăng lương cơ sở lên 30% từ tháng 7/2024, nhưng tăng lương hưu 15%. Vấn đề được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội lý giải cụ thể như sau.
Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7 dưới sự chủ trì của ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã giải thích, trong những đợt điều chỉnh lương trước đây, lương hưu đã được tăng nhiều lần, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công tính toán, nếu chỉ tăng lương hưu 11,5% là đã ngang bằng với mức tăng 30% của cán bộ công chức.
"Nhưng do những người hưởng hưu trí còn gặp nhiều khó khăn, hơn nữa sắp tới có thể lương tăng thì giá còn lên nữa, nên Ban chỉ đạo nâng mức tăng lương hưu lên 15% - mức cao hơn và cũng là để chuẩn bị cho những năm sắp tới" - ông Đặng Thuần Phong cho biết.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, lương hưu tăng 15% nhưng thực tế, cộng dồn những lần điều chỉnh lương hưu do tăng chỉ số CPI những năm qua, thì đã cao hơn mức 30% của cán bộ, công chức.
Theo ông Đặng Thuần Phong, đây là quan điểm rất nhân văn, ưu tiên cho các cụ về hưu, do người hưởng lương hưu còn nhiều khó khăn.
Ông Đặng Thuần Phong cho biết thêm, cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 đã làm rất toàn diện, nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành các nhiệm vụ được đưa ra, theo đó 2 nội dung trong Nghị quyết vẫn chưa được thực hiện.
Ông Đặng Thuần Phong nói, đáng lẽ phải xác định vị trí việc làm trên cơ sở giảm được biên chế, lúc đó mới tính ra mức lương đi theo từng vị trí.
Thế nhưng, "việc xác định vị trí việc làm chưa đồng bộ, chưa có sự thống nhất tương đối với nhau giữa các bộ ngành và giữa các địa phương, mặc dù chung 1 lĩnh vực".
Bảng lương lực lượng vũ trang có sự biến động. Bên cạnh đó, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị không tự chủ được, ngân sách nhà nước phải xử lý chiếm trên 70%.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ rà soát tổng thể tất cả các bảng lương ở các đơn vị liên quan để có sự thống nhất quản lý về tiền lương, trên cơ sở đó tính toán nguồn lực, giải pháp để thực hiện có hiệu quả.
Bên cạnh đó, ông Phong còn nêu những vướng mắc nếu cơ cấu lại và sắp xếp các loại phụ cấp thành 9 chế độ phụ cấp mới. "Nếu xử lý không đồng bộ thì sẽ có những người sẽ rất thiệt thòi, ở trong ngành nghề, hoặc đơn vị, nơi công tác có một số khoản phụ cấp, mà nếu bỏ đi thì chỉ nhận mức lương thấp" - ông Phong nêu thực tế.
Ngoài ra, nếu áp dụng 9 loại phụ cấp mới thì có bất cập phát sinh, trong đó người nhận lương hưu trước 1/7/2024 cũng khác với người nhận ở thời điểm sau; nếu bỏ lương cơ sở thì phải sửa nhiều văn bản liên quan.
Phó Chủ nhiệm cho rằng cần đánh giá cân nhắc kỹ càng các vấn đề trên để khi thực thi mang lại hiệu quả, công bằng, hợp lý.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ly-giai-viec-tang-luong-co-so-30-nhung-luong-huu-chi-tang-15-179240630090842614.htm