Lý do Australia đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thiếu giáo viên

16:07 - 02/08/2023

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Australia đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng thiếu giáo viên. Một trong những lý do được đưa ra là bởi môi trường học tập không bảo đảm và các quy định kỷ luật học sinh lỏng lẻo, thiếu nghiêm khắc.

Lý do Australia đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thiếu giáo viên - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Australia cho biết, các vấn đề công bằng và tình trạng thiếu giáo viên là những thách thức mà ngành giáo dục Australia đang phải đối mặt. Ảnh: Getty Images

Nguy cơ khủng hoảng thiếu giáo viên trầm trọng ở Australia

Theo một báo cáo quốc tế mới đây, sự gắn kết của học sinh giảm cùng với kỷ luật lỏng lẻo tại các trường học ở Australia đã khiến tình trạng thiếu giáo viên ở quốc gia này ngày càng trở nên trầm trọng.

Ít giáo viên Australia cho biết họ cảm thấy sẵn sàng hoặc có khả năng quản lý hành vi gây rối trong lớp học hơn so với các đồng nghiệp của họ trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tổ chức có 38 quốc gia thành viên.

Báo cáo về triển vọng chính sách giáo dục của OECD cho thấy tỉ lệ giáo viên nghỉ việc và việc thiếu giáo viên là những khó khăn chính đối với hệ thống giáo dục của quốc gia này.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục Australia, vào năm 2025, dự kiến Australia sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng hơn 4.000 giáo viên trung học.

Theo kết quả của cuộc khảo sát được diễn ra trong bối cảnh các hoạt động bãi công, biểu tình của giáo viên, giảng viên ở tất cả các bậc giáo dục tại Australia liên tục diễn ra vào năm 2022 cho thấy:

Từ năm 2018 đến năm 2020, tỉ lệ giáo viên từ 30 tuổi trở xuống đã giảm từ 14,33% xuống còn 12,2%. Đồng thời, tỉ lệ giáo viên từ 50 tuổi trở lên tăng từ 35,7% lên 38,2%. Trong bối cảnh lực lượng giáo viên của Australia đang già đi và những người trẻ tuổi ngày càng quay lưng lại với nghề giáo dục, các chuyên gia cảnh báo rằng, các trường học sẽ không thể đáp ứng nhu cầu khi số lượng học sinh, sinh viên đang ngày càng tăng nhanh như hiện nay.

Những yếu tố khiến gia tăng tình trạng thiếu giáo viên ở Australia

OECD cho biết, ngoại trừ hiệu trưởng trường học, giáo viên Australia làm việc với số giờ giảng dạy ròng cao hơn mức trung bình và có mức lương ít cạnh tranh hơn một chút so với các ngành nghề liên quan đến giáo dục khác.

Theo đó, giáo viên trung học cơ sở kiếm được 99% mức lương trung bình của những người lao động có trình độ đại học khác, trong khi hiệu trưởng kiếm được 185%, thuộc hàng cao nhất đối với lãnh đạo trường học ở các nước OECD.

Trong báo cáo của OECD cũng chỉ ra rằng, môi trường kỷ luật tại các trường học ở Australia thuộc hàng kém thuận lợi nhất trong OECD.

Cụ thể, 37% hiệu trưởng các trường trung học ở Australia trong cuộc khảo sát quốc tế về giảng dạy và học tập năm 2018 cho biết tình trạng học sinh bị đe dọa hoặc bắt nạt xảy ra ít nhất hàng tuần.

Trước tình trạng này, với kỷ luật lỏng lẻo khiến hầu hết giáo viên Australia cảm thấy không sẵn sàng để giải quyết, xử lý những học sinh có hành vi vi phạm nội quy nhà trường.

Bên cạnh đó, tỉ lệ học sinh Australia vắng mặt cũng cao hơn mức trung bình của 1/5 học sinh toàn khối OECD. Cụ thể, 1/3 học sinh 15 tuổi được báo cáo đã bỏ học ít nhất một ngày trong hai tuần trước kỳ thi của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2018.

Báo cáo đã tìm thấy bằng chứng về sự buông thả ngày càng tăng của học sinh Australia trong những năm cuối trung học, đặc biệt là học sinh ở vùng nông thôn và học sinh khuyết tật là do sự gián đoạn của đại dịch COVID-19 và những cú sốc liên quan đến khí hậu khắc nghiệt.

OECD cho rằng, học sinh Australia có thành tích tốt so với quốc tế, nhưng thành tích PISA của họ tiếp tục giảm và có những khoảng cách đáng kể về trình độ đọc viết và tính toán giữa những học sinh 15 tuổi.

Đối mặt với tình trạng này, báo cáo về triển vọng chính sách giáo dục của OECD cho rằng, ngành giáo dục Australia cần có một nguồn cung cấp mạnh mẽ các giáo viên có trình độ cao và tận tâm.

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment - PISA) là một khảo sát quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất, để đánh giá khả năng của học sinh 15 tuổi của các nước và vùng lãnh thổ trong và ngoài OECD, về toán, khoa học và đọc hiểu.

Mục đích của chương trình là cung cấp các dữ liệu so sánh nhằm giúp các nước cải thiện các chính sách và kết quả giáo dục. Chương trình hướng vào việc đo lường sự hiểu biết và khả năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của học sinh.

Nguồn: The Guardian

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ly-do-australia-doi-mat-voi-nguy-co-khung-hoang-thieu-giao-vien-179230802140352389.htm