Lương giáo viên sẽ thay đổi ra sao khi lương cơ sở được đề xuất lên 1,8 triệu đồng/tháng?

16:46 - 17/10/2022

Phương án nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng (hiện nay là 1,49 triệu đồng, tăng khoảng 20,8%), thời gian dự kiến thực hiện từ 1/7/2023 khiến cho công chức, viên chức phấn khởi, vui mừng - nhất là đội ngũ giáo viên công lập.

Kể từ ngày 1/7/2019 cho đến nay, lương cơ sở dành cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 1.490.000 đồng là mức quá thấp. Tuy nhiên, do những khó khăn chung khi cả nước đối mặt và vượt qua dịch bệnh COVID-19 nên chính sách trả lương theo vị trí việc làm phải gác lại. Lương cơ sở hơn 3 năm qua vẫn được giữ nguyên, không được điều chỉnh như trước đây.

Mức lương cơ sở được các cơ quan chức năng đề xuất từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng được cho là sẽ giúp cho những người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước vơi bớt khó khăn. Những cán bộ, công chức, viên chức cũng yên tâm với công việc của mình và có lẽ tình trạng nghỉ việc cũng sẽ giảm đi. 

Vậy, khi lương cơ sở được đề xuất lên mức 1.800.000 đồng thì thu nhập của giáo viên sẽ thay đổi ra sao?

Lương giáo viên hiện nay đang được chi trả ra sao?

Hiện nay, lương giáo viên đang được trả theo hệ số và hưởng phụ cấp thâm niên theo năm công tác. Theo đó, lương của giáo viên có trình độ trung cấp có mức khởi điểm là 1,86; lương của giáo viên có trình độ cao đẳng có mức khởi điểm là 2,1 và lương của giáo viên có trình độ đại học được trả mức khởi điểm là 2,34.

Phụ cấp đứng lớp đang được trả như sau: giáo viên cấp tiểu học, trung học phổ thông hưởng 35% và giáo viên trung học cơ sở hưởng 30%.

Lương của giáo viên có trình độ đại học đang hưởng bậc 1 (4 năm đầu) sẽ có hệ số 2,34 x 1.490.000 = 3.486.000 đồng x 30% phụ cấp đứng lớp (1.162.200 đồng) = 4.648.000 đồng.

Trong tổng số lương này sẽ trừ các khoản sau: bảo hiểm xã hội 10,5%; bảo hiểm y tế 1,5%; bảo hiểm thất nghiệp 1%. Về đến trường trừ 1% công đoàn phí; 1% Đảng phí (nếu là Đảng viên). Như vậy, về cơ bản giáo viên sẽ bị trừ bắt buộc từ 14-15 % tổng lương (tương đương với 650.000- 697.000 đồng).

Vì thế, lương giáo viên có trình độ đại học đang ở bậc 1 hiện nay, hàng tháng giáo viên sẽ còn lại khoảng ngót nghét 4 triệu đồng. Thế nhưng, gần như trường nào cũng sẽ trừ thêm nhiều khoản trừ cố định khác nên số tiền thực lĩnh mỗi tháng chỉ được gần khoảng sẽ thấp hơn.

Những giáo viên lớn tuổi nhất trong trường (không đảm nhận chức vụ) - có trình độ đại học đang hưởng mức lương với hệ số kịch khung là 4,98 sẽ có mức lương dao động khoảng 12-13 triệu đồng/tháng (tùy vào thâm niên và chức vụ).

Hiện nay, đa số giáo viên các trường học công lập có độ tuổi từ 35-45 và mức lương dao động khoảng 7-8,5 triệu đồng. Những giáo viên có thâm niên cao hoặc những giáo viên mới vào nghề thường không nhiều. Vì thế, phần nhiều giáo viên hiện nay đang có mức tổng thu nhập từ lương do ngân sách nhà nước chi trả sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày bởi phần nhiều họ đang nuôi con ăn học nên chi phí thường rất nhiều.

Lương giáo viên sẽ thay đổi ra sao khi được đề xuất lương cơ sở lên 1,8 triệu/ tháng?

Tại buổi tiếp xúc cử tri Thành phố Cần Thơ ngày 13/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng đang là chủ đề bàn tán của nhiều giáo viên trên cả nước. Nhìn chung, mọi người đều hân hoan trước thông tin này.

Tuy nhiên, đã có một số bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng nói rằng khi lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng thì một số thầy cô có mức thu nhập từ lương lên đến trên dưới 20 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì mức lương có cao như vậy hay không? Hiểu một cách đơn giản nhất, cứ lấy mức lương của giáo viên có hệ số 4,98 x 1.800.000 đồng x phụ cấp đứng lớp, chức vụ và thâm niên sẽ ra mức tổng thu nhập hàng tháng.

Hiện nay, chỉ có một số ít nhà giáo đang là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (gần về hưu) có mức thu nhập khoảng trên dưới 13 triệu đồng nhưng số này cực ít. Vì thế, chúng ta lấy mức chênh lệch giữa 1.800.000 (đề xuất) so với mức 1.490.000 hiện nay sẽ có mức chênh lệch là 310.000 đồng. Mức tiền này tương đương với 20,8%.

Vì thế, nếu như đề xuất này được Quốc hội, Chính phủ đồng ý, những nhà giáo đang hưởng mức lương 13 triệu đồng/ tháng sẽ có mức lương cao hơn hiện nay là trên 2,6 triệu đồng một chút.

Những thầy cô có mức lương hiện nay là 5 triệu thì lương mới sẽ tăng lên khoảng trên trên 1 triệu triệu đồng một chút. Những thầy cô có mức lương 7 triệu thì lương mới tăng thêm khoảng 1,5 triệu đồng. Vì lương mới được đề xuất cao hơn hiện nay là 20,8 %.

Còn nếu tính lương mới theo hệ số của chùm Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thì hoàn toàn chưa có cơ sở nào. Bởi lẽ, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành sửa đổi và lấy ý kiến của dư luận xã hội. Tuy nhiên, đến nay Bộ chưa chính thức thông qua chùm thông tư sửa đổi này.

Trong khi, giáo viên công lập trên cả nước đang hưởng lương theo cách tính hệ số hiện hành nên những nhà giáo có trình độ đại học đang hưởng hệ số từ 2,34- 4,98. Những nhà giáo có trình độ cao đẳng, trung cấp thì còn thấp hơn.

Vì thế, thông tin lương cơ sở tăng lên 20,8 % khiến cho giáo viên công lập nói riêng và đội ngũ công chức, viên chức nói chung phấn khởi, vui mừng. 

Tuy nhiên, lương giáo viên sẽ lên đến trên dưới 20 triệu đồng như dư luận và giới truyền thông dự đoán là điều khó xảy ra trong thời điểm tăng lương cơ sở tới đây.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/luong-giao-vien-se-thay-doi-ra-sao-khi-luong-co-so-duoc-de-xuat-len-18-trieu-dong-thang-179221017132750816.htm