Làn sóng giáo viên nghỉ việc: Khó khăn để tăng lương, thăng hạng nghề nghiệp

17:31 - 28/08/2022

Một trong những nguyên nhân của làn sóng giáo viên nghỉ việc có thể kể đến đó là điều kiện tăng lương rất khó khăn, rất ít người đạt được.

Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có công văn khẩn báo cáo Bộ Nội vụ về việc 676 cán bộ, công chức và 5.501 viên chức thôi việc chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022. Số cán bộ, công chức thôi việc trong thời gian này nhiều gấp 2,4 lần năm 2021; số viên chức gấp gần 2,9 lần. Trong đó đáng chú ý có 2.430 người thuộc khối giáo dục.

Theo đánh giá của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, có 3 nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, bao gồm chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc.

Điều kiện tăng lương giáo viên - cánh cửa quá hẹp

Theo điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên được quy định như sau:

Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

Như vậy, cứ sau 3 năm thì giáo viên được xét nâng một bậc lương (mỗi bậc lương cách nhau chỉ vài trăm ngàn đồng). Giáo viên có thể được nâng lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ nhưng điều kiện quy định tương đối khó khăn.

Điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn: 1) Đạt đủ 02 tiêu chuẩn: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức. 2) Lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản; 3) Chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên.

Căn cứ vào quy định này, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc diện được xét nâng bậc lương trước thời hạn hàng năm do tập thể bình chọn, nhưng mỗi năm không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị. Chẳng hạn, trường học có 100 giáo viên thì mỗi năm chỉ được xét 10 người tăng lương trước thời hạn. Ngoài ra, giáo viên lập thành tích xuất sắc phải đạt chiến sĩ thi đua cơ sở; giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi…

Giáo viên không dễ thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Muốn có hệ số lương cao hơn, giáo viên phải trải qua kì thi (hoặc xét) thăng hạng chức danh nghề nghiệp với nhiều điều kiện khắt khe, không dễ gì đạt được. Ví dụ, giáo viên trung học phổ thông hạng 3 muốn thăng hạng 2 thì phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ theo Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT như sau:

Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên từ cấp trường trở lên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử;

Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên; Tham gia đánh giá ngoài hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên; Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên; Tham gia ra đề hoặc chấm thi học sinh giỏi trung học phổ thông từ cấp trường trở lên;

Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp trường trở lên; Tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng; thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh.

Đáng chú ý, giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng 2 (mã số V.07.05.14) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng 3 (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Như vậy, sau 9 năm (không kể một năm tập sự), nếu giáo viên trung học phổ thông hạng 3 được thăng lên hạng 2 thì được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38. Ví dụ, giáo viên trung học phổ thông hạng 2, bậc 5, được hưởng 7.986,4 triệu đồng (chưa kể các loại phụ cấp ưu đãi).

Cùng với đó, giáo viên phải nắm luật, hàng chục văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản dưới luật thì mới có thể tham dự kì thi thăng hạng do Sở Nội vụ tổ chức. Theo đó, thi trắc nghiệm gồm: Luật Viên chức; Nghị định 115/2020/NĐ-CP; Nghị định 90/2020/NĐ-CP; Nghị định 112/2020/NĐ-CP; Nghị định 77/2021/NĐ-CP; Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT; Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT; Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT; Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT.

Thi viết gồm: Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT; Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT; Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT; Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT; Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT; Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT.

Một trong những cải cách về chính sách tiền lương từ năm 2021 là "trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm" (theo Nghị quyết 27-NQ/TW). Khi có chế độ tiền lương mới thì sẽ bãi bỏ hàng loạt phụ cấp và khoản chi ngoài lương, trong đó có phụ cấp thâm niên của giáo viên – về lí thuyết, lương giáo viên không còn được như mức lương hiện tại.

Việc làn sóng giáo viên nghỉ việc vẫn xác định nguyên nhân từ chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc dần lạc hậu so với tiến bộ mà xã hội hướng tới hiện nay. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lan-song-giao-vien-nghi-viec-kho-khan-de-tang-luong-thang-hang-nghe-nghiep-179220828152817124.htm