Làm thêm thu nhập bèo bọt, sinh viên chịu cảnh bóc lột thầm lặng
Sinh viên mất ăn, mất ngủ để đi làm thêm, chắt chiu đổi lấy những thù lao "bèo bọt", là thực trạng nhức nhối ở Hà Nội.
Việc làm thêm ngoài giờ học từ lâu đã không còn xa lạ đối với sinh viên để kiếm thêm thu nhập cũng như tích lũy kinh nghiệm trong cuộc sống. Pháp luật đã có những quy định chặt chẽ về mức thù lao tối thiểu áp dụng theo các vùng, nhưng nhiều cơ sở kinh doanh vẫn "làm ngơ".
Họ lấy lý do sinh viên chưa có bằng cấp, chưa đủ kỹ năng và vốn kiến thức đáp ứng công việc để trả thù lao tuỳ hứng, tận dụng sức lao động.
Làm việc cật lực, thù lao bèo bọt
Đi làm thêm từ năm thứ nhất vào đại học, Bảo Ngọc (21 tuổi, sinh viên Đại học Thương mại) chia sẻ: "Mình làm việc bán thời gian tại một quán cà phê ở quận Cầu Giấy, Hà Nội từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm, mỗi ngày 6 tiếng nhưng chỉ được trả 15.000 đồng/giờ. Công việc khá vất vả, không có hợp đồng lao động và không được nghỉ phép hay bảo hiểm gì cả. Có những lúc mình ốm đau nhưng vẫn phải đi làm vì sợ mất việc."
Cũng có trải nghiệm tương tự, Minh Hiếu (21 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã làm thêm tại một công ty quảng cáo với hy vọng học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế. Hiếu phải tự trả tiền xăng xe, ăn uống và đôi khi còn phải chi trả cho các hoạt động của công ty. Dù đã nhiều lần đề xuất trợ cấp nhưng Hiếu chỉ nhận được câu trả lời: "Cố gắng thêm, khi nào em chứng minh được năng lực thì công ty sẽ xem xét."
Khi được hỏi về tình trạng sinh viên bị bóc lột sức lao động, Khánh Hằng (20 tuổi, sinh viên Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ: "Mình làm việc bán thời gian cho một nhà hàng tại Cầu Giấy và được hứa sẽ có mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác. Mình phải làm việc 12 giờ mỗi ngày, không được nghỉ cuối tuần và thường xuyên bị quản lý yêu cầu làm thêm giờ mà không được trả thêm bất kỳ khoản phụ cấp nào."
Bẫy "trừ tiền" thù lao sinh viên
Với quỹ thời gian có hạn của sinh viên nên cả Hiếu và Ngọc đều chỉ có thể lựa chọn các công việc bán thời gian. Do không có hợp đồng lao động nên mọi quy định về thời gian làm việc, chế độ lương thưởng… đều được thống nhất dựa trên những "thỏa thuận miệng". Điều đó đã trở thành những chiếc bẫy vô hình với các bạn sinh viên đi làm thêm.
Làm việc được 1 tháng, Bảo Ngọc đã xin nghỉ làm vì "bức xúc" với chế độ trừ lương vô lý của cơ sở kinh doanh. Chỉ khi vào làm việc, Bảo Ngọc mới biết đến các quy định phạt chưa từng được nhắc tới trước đó. Theo chia sẻ, mỗi lỗi như: quên rót nước cho khách, dọn bàn chậm, không chào khách,… tương ứng 50.000 đồng/lỗi.
Không những vậy, Bảo Ngọc cho biết, thời điểm làm việc rơi vào dịp lễ 30/4, cô được quản lý hứa sẽ tăng lương gấp đôi nếu đi làm vào ngày lễ, nên Ngọc quyết định đi làm để kiếm thêm. "Tuy nhiên khi tổng kết cuối tháng, mình không nhận được mức lương thưởng như lời hứa của quản lý, mà chỉ vỏn vẹn câu trả lời rằng mình làm chưa tốt và không giải thích gì thêm", cô kể.
Tương tự với Bảo Ngọc, Hiếu cũng là một nạn nhân của "thỏa thuận miệng", đây là chiêu của quản lý thường xuyên được sử dụng trong quá trình tuyển người tại các cơ sở làm việc. Mặc dù mong muốn ban đầu của Hiếu là đi làm để lấy thêm kinh nghiệm chứ không quan trọng vấn đề tiền lương.
Thế nhưng, khối lượng công việc Hiếu được giao càng ngày càng tăng. Ca làm việc của Hiếu kéo dài 6 tiếng, bắt đầu từ 13 giờ và kết thúc vào 19 giờ, chưa kể đến những ngày phải tăng ca làm việc.
Hiếu chia sẻ: Mặc dù được hứa hẹn rằng nếu chăm chỉ thì sẽ có khả năng thăng tiến, thế nhưng lương không thấy có, chỉ có khối lượng công việc là ngày một tăng".
Trong vai sinh viên đi xin việc làm thêm tại một quán cà phê trên phố Đội Cấn, quận Ba Đình, phóng viên được quản lý phổ biến về công việc này. Nhiệm vụ hàng ngày của nhân viên bao gồm: pha chế, bưng bê và rót nước cho khách. Theo lời của người quản lý, chúng tôi sẽ phải thử việc một tuần với mức lương 13.000 đồng/giờ, nhưng nếu không đạt thì sẽ không có thù lao. Còn nếu được nhận, mức lương "cứng" sẽ là 18.000 đồng/giờ.
Quản lý cho biết, đã có rất nhiều sinh viên được đánh giá là "không phù hợp" nên đã không được nhận thù lao. Như vậy, họ đã phải làm việc một tuần không công.
Nhận thấy phóng viên e ngại, quản lý nhiệt tình cho biết sẽ có những khoản thưởng khi nhân viên năng nổ tham gia các hoạt động do công ty tổ chức.
Để tìm hiểu sâu về vấn đề này, chúng tôi quyết định thử việc trong vòng một tuần. Trong khoảng 2 ngày đầu, quản lý tại quán cà phê chỉ giao những công việc cơ bản đã đề cập trong buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, khi làm đến ngày thứ 5-6 bắt đầu phát sinh thêm những công việc như: pha chế kiêm cả thu ngân, dọn quán, dắt xe cho khách và liên tục phải làm quá giờ từ 1-2 tiếng vào ca đêm.
Khi chúng tôi đề cập về tiền lương làm thêm giờ với quản lý, người này chỉ đáp rằng nhân viên nên làm thêm để thể hiện sự cố gắng trong công việc, tăng khả năng được nhận vào làm chính thức.
Mức phạt nào dành cho người bóc lột sức lao động?
Khi được hỏi về luật lao động và các điều khoản của công việc trước khi ký kết hợp đồng lao động, Ngọc và Hiếu tỏ rõ sự chần chừ và lúng túng. Sự thiếu hiểu biết này là "một miếng bánh béo bở" cho những người có ý định bóc lột sức lao động, họ tận dụng nguồn năng lượng từ sức trẻ, sự tò mò muốn kiếm thêm kinh nghiệm việc làm… để trục lợi trên sức lao động của những sinh viên nhẹ dạ cả tin.
Tại Điều 91, Chương VI, Bộ luật Lao Động 2019, Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP đã có quy định chi tiết về tiền lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, để sinh viên có cơ sở pháp lý thỏa thuận về tiền lương nếu làm theo giờ/ca kíp, làm thêm giờ hoặc làm vào ban đêm.
Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định quy định mức lương tối thiểu giờ của vùng I là 22.500 đồng/giờ. Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định mức lương tối thiểu tháng với vùng I là 4.680.000 đồng/tháng.
Do đó, mặc dù mức lương tối thiểu của vùng I tăng nhưng cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Cầu Giấy - nơi Bảo Ngọc làm việc vẫn giữ mức lương 15.000 đồng/giờ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật do mức lương của người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, người sử dụng lao động của cơ sở này sẽ phải chịu khung hình phạt từ 20-30 triệu đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động.
Đối với trường hợp của Minh Hiếu, cơ sở kinh doanh này đã vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động khi tuyển dụng người lao động qua những thỏa thuận không giấy tờ. Như vậy, họ sẽ phải nhận mức phạt có thể lên đến 25 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên vì giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên.
Căn cứ theo Điều 98 Luật Lao động 2019: Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày. Căn cứ theo quy định trên, vào ngày lễ, người lao động sẽ được nghỉ mà vẫn hưởng nguyên lương và cộng với ít nhất 300% theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm.
Theo đó, nhiều cơ sở kinh doanh đang vi phạm quy định về tiền lương, khung hình phạt cho hành vi này có thể lên tới 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Bên cạnh đó, luật sư Đỗ Như Quỳnh - Phó giám đốc Văn phòng Luật sư Asia Law khẳng định: "Ngoài việc áp dụng mức phạt tiền, người sử dụng lao động còn phải nộp vào ngân sách nhà nước số tiền lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm". Đây là biện pháp bồi thường cho nhà nước vì sự vi phạm luật của người sử dụng lao động.
Theo luật sư Đỗ Như Quỳnh, khi nhận thấy bị bóc lột sức lao động, sinh viên cần chủ động đề xuất giải pháp để giải quyết các vấn đề với nhà tuyển dụng hoặc người giám sát của mình. Nếu đối thoại không hiệu quả, sinh viên có thể tìm đến các tổ chức chính trị - xã hội, trung tâm trợ giúp pháp lý, các tổ chức hành nghề luật sư để được tư vấn. Ngoài ra, sinh viên cũng nên tìm hiểu luật và đọc kỹ các điều khoản trước khi ký kết bất kỳ hợp đồng lao động nào để đảm bảo quyền lợi của bản thân.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lam-them-thu-nhap-beo-bot-sinh-vien-chiu-canh-boc-lot-tham-lang-179240621094654598.htm