Làm gì để sinh viên hào hứng với nghiên cứu khoa học?
Qua thực tế của một trường đại học ở Hà Nội, chỉ có 1/10 các đề tài nghiên cứu được giao ra là được sinh viên chủ động tiếp nhận để nghiên cứu. Số còn lại là phải do các bậc thầy giao và vận động sinh viên.
Hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường học kém hấp dẫn
Thực tế nói trên cho thấy, đa số sinh viên rất thụ động trong học tập và chưa mặn mà với nghiên cứu khoa học và phải có biện pháp để thay đổi thực trạng này. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, hoạt động nghiên cứu giúp sinh viên rèn luyện khả năng đọc và nghiên cứu tài liệu, biết cách làm việc nhóm. Điều đó là những kỹ năng cần thiết khi ra nghề và đi làm sau này.
Tuy nhiên, nói một cách khách quan thì cũng cần nhìn thẳng vào thực tế của sự có hấp dẫn hay không với các đề tài nghiên cứu mà nhà trường có thể giao cho sinh viên. Nếu như, các đề tài vẫn quanh đi quẩn lại trong phạm vi nhà trường và thiếu tính cập nhật với tình hình thực tế đang diễn ra sôi động trong xã hội thì sinh viên không mấy mặn mà cũng là chuyện bình thường.
Như thế, để cải thiện tình hình thì chắc là không có cách nào hữu hiệu hơn là bản thân các đại học phải có sự hợp tác liên ngành trong nội bộ của mình và với các đối tác bên ngoài để hình thành các hướng đề tài mới. Và nếu như chính các bậc thầy không chủ động việc này thì có lẽ cũng khó cho sinh viên nếu tiếp cận các đề tài mới.
Hiện tại, với các ngành kỹ thuật và công nghệ, sự hợp tác với các đối tác bên ngoài nhà trường là thực tế thấy rõ vì nếu các đối tác này không chủ động đến với các trường thì cũng rất khó để có được đội ngũ nhân lực tương lai cho chính mình. Tuy nhiên, theo ThS. Lê Thị Khánh Vân – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và khởi nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam, sự hợp tác này chỉ có thể diễn ra suôn sẻ và đem lại lợi ích thiết thực khi mà không bên nào được cho mình là nhất.
Tuy nhiên, thực tế ở nhiều trường thì sự hợp tác này mới chủ yếu là của khối doanh nghiệp. Tức là những nơi có nhu cầu về nguồn nhân lực để có thể tuyển dụng cho họ và đón đầu sinh viên về làm việc. Còn với các hội khoa học chuyên ngành thì sự vào cuộc với các đại học có lẽ vẫn còn nhiều hạn chế.
Thắp lửa nghiên cứu khoa học bằng cách nào?
Nói riêng về sinh viên, nếu chỉ học các kiến thức do nhà trường cung cấp thì chắc chắn là chưa đủ và không cập nhật với tình hình thực tế. Thế nhưng, lại cũng có những cái khó của "khuôn vàng, thước ngọc" nếu sinh viên chủ động tiếp cận các đề tài mới chưa được nhà trường cập nhật. Thực tế là sinh viên có thể bị các bậc thầy hỏi lại là: Đã có thầy hướng dẫn chưa? Nếu có thầy hướng dẫn rồi thì câu trả lời thường là: Còn phải chờ xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên (song thực tế là chưa chắc các bậc thầy đã xin ý kiến chỉ đạo). Còn trong trường hợp thầy hướng dẫn lại là lãnh đạo cấp trên thì đề tài mà sinh viên tự tiếp cận sẽ đành được chấp nhận nhưng chưa chắc thầy hướng dẫn đã được công nhận tư cách mà có thể bị coi là đề tài do sinh viên tự nghiên cứu.
Song qua thực tế trên đây, có thể nói là sinh viên hoàn toàn có quyền tự tiếp cận các đề tài mới bên ngoài nhà trường vì cũng không hề có quy định nào ngăn cản điều đó. Tuy nhiên, có thành công hay không thì các bậc thầy bên ngoài cũng chỉ đóng góp được tối đa 30% và bản lĩnh dám làm, dám chịu của sinh viên ít nhất phải là 50%. Phần còn lại là phía nhà trường chấp thuận và tạo điều kiện hay không.
Cũng cần nói thêm, là bản thân sinh viên phải ý thức một cách sâu sắc rằng việc học tập và nghiên cứu là vì quyền lợi của chính mình. Thực tế là về phía các nhà tuyển dụng thì nhiều nơi họ không hề quan tâm đến điểm chác của đề tài nghiên cứu khoa học và bảng điểm tốt nghiệp của sinh viên mà quan trọng hơn là khả năng thích nghi với công việc được giao. Và cũng vì thực tế đó, đã có người nói rằng chính các nhà tuyển dụng mới là nơi đánh giá chính xác nhất về chất lượng giáo dục đại học chứ không phải là các tổ chức kiểm định đang làm công việc này với sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đến đây cũng cần phải nhắc lại, thực tế những sinh viên chủ động tiếp cận các hướng đề tài mới chỉ là một thiểu số rất nhỏ ở các đại học. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể thắp lửa để có thêm nhiều sinh viên đi theo định hướng này nếu các tổ chức của trí thức trẻ và sinh viên có những chương trình hành động mạnh mẽ hơn để hướng đạo cho cả thầy và trò.
Nên chăng, cần có thật nhiều các sinh hoạt chuyên đề khoa học không chỉ cho sinh viên về những thực tế sôi động trong nhiều lĩnh vực chuyên môn. Nếu làm được việc này, cả thầy và trò chắc chắn sẽ có nhiều người rất hứng khởi để chủ động tiếp cận các hướng đề tài mới. Rõ ràng, rất cần có một lực lượng để tiến hành và thúc đẩy Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam.
*Bài viết của tác giả Nguyễn Đức Hoàng - Phó Tổng thư ký Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lam-gi-de-sinh-vien-hao-hung-voi-nghien-cuu-khoa-hoc-179221226154923398.htm