Không ai được phép tước quyền học tập của công dân! Bài 3: Thiếu trường học và vấn đề quản trị xã hội
"Trượt đại học là do con, trượt mầm non là do bố mẹ" - câu nói cay đắng này xuất hiện sau sự việc hi hữu phụ huynh học sinh phải bốc thăm tranh suất học mầm non cho con ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Xét đến cùng, ai mới là người tước quyền học tập của con trẻ?
Nghịch lý đất để hoang, học sinh thiếu trường học!
Chưa bao giờ Hà Nội chịu nhiều áp lực về phát triển giáo dục như hiện nay. Tính đến hết năm 2021, thành phố có 2.835 trường mầm non, phổ thông và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với 70.199 lớp, 2.206.906 học sinh, 138.090 giáo viên, 72.796 phòng học. trung bình mỗi năm thành phố có thêm 60 nghìn học sinh, do đó phải xây mới thêm 35 trường học với khoảng 20 nghìn phòng học.
Trong khi đó, năm 2021, Hà Nội mới chỉ xây mới được 30 trường. Con số này không thấm tháp gì so với sự phình to của hạ tầng đô thị mà kèm theo đó là gia tăng dân số cơ học. Cùng với việc quản lý hành chính công chưa đáp ứng, Hà Nội thường xuyên xảy ra việc tranh giành suất học, học không đúng tuyến, gia đình ở một nơi học một nẻo, cha mẹ học sinh đưa đón đường xa, cộng dồn vào nhiều nỗi bất tiện với tắc đường, thủ tục giấy tờ phiền hà, lãng phí thời gian, công sức, nguồn lực xã hội.
Ngày 29/9/2022 mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo quận Hoàng Mai. Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm đã đề nghị thành phố chỉ đạo Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị Bộ Xây dựng (HUD) bàn giao cho quận 7 ô đất để đầu tư trường học công lập, nhằm giải quyết tình trạng thiếu trường học.
Theo kế hoạch vốn ngân sách quận Hoàng Mai được giao năm 2022 là trên 742 tỉ đồng, bố trí 116 dự án, trong đó 49 dự án chuyển tiếp, 26 dự án khởi công mới, 41 dự án chuẩn bị đầu tư. Kết quả giải ngân 9 tháng chỉ đạt 32% kế hoạch; tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm chậm trễ, kém hiệu quả.
Tổng công ty HUD được giao làm chủ đầu tư 6 khu đô thị tại Hoàng Mai. Trong số 7 lô đất đã quy hoạch trên diện tích 8 ha dành để xây trường học đã 20 năm qua nhưng chưa được triển khai.
Lý do mà vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai đưa ra để "đòi đất" là hiện nay nhiều ô đất quy hoạch trường học của các dự án ngoài ngân sách được thành phố giao nhiều năm nhưng vẫn "dậm chân tại chỗ".
Tại địa bàn quận Hoàng Mai còn tới 39 dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất hiện vẫn chậm muộn triển khai kéo dài, để hoang hóa, mặc dù quận đã có nhiều văn bản đôn đốc, báo cáo thành phố chỉ đạo tháo gỡ.
Trước đó, bình luận về vấn đề hệ thống trường học công lập tại quận Hoàng Mai- Hà Nội, bị quá tải dẫn đến tình huống dở khóc cười là phụ huynh học sinh phải bốc thăm tranh suất học mầm non công lập cho trẻ nhỏ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai Trần Quý Thái phát biểu trước giới truyền thông: "Nhu cầu trẻ nhỏ đi học vượt quá khả năng tiếp nhận của trường nên nhà trường cùng Đảng ủy, UBND phường Hoàng Liệt họp với phụ huynh, tổ dân phố, bí thư các chi bộ xin ý kiến về giải pháp và đi đến thống nhất đa số đồng tình việc bốc thăm để cho con vào trường". Ơ hay, hóa ra các cấp chính quyền phường, chi bộ dân phố và nhà trường lại đi bàn nhau để "thống nhất đa số" vi phạm Luật Giáo dục hay sao??
Phải nói ngay rằng, việc thiếu trường học không bất ngờ đối với chính quyền sở tại. Nỗi lo về quy hoạch khu dân cư tuỳ tiện, thiếu không gian dành cho trường học, nhà trẻ, trường mầm non, khu vui chơi trẻ em, công viên cây xanh, công trình công cộng..., đã được cảnh báo. Trẻ sinh ra tới 3-4 tuổi hôm nay mới đi học, trong khi những gia tăng chóng mặt về nhân khẩu, khu đô thị dày đặc đã diễn ra từ nhiều năm qua.
Quận Hoàng Mai hiện là địa phương gần như đông dân nhất thủ đô. Quận có 227 tòa chung cư cao tầng mới được xây dựng và 202 tòa chung cư cũ. Chưa hết, dù cao ốc chồng đống đến ngộp thở, nhưng các tòa chung cư khác vẫn đang tiếp tục được xây dựng ồ ạt. Riêng phường Hoàng Liệt có 85 tòa chung cư cao tầng và sắp tới có thêm 5 tòa - hiện đang được xây dựng.
"Nếu tất cả cư dân chung cư khu vực bán đảo Linh Đàm đứng xuống mặt đất thì sẽ không có đủ chỗ đứng cho tất cả" - đó có thể là cách hình dung về hình ảnh đáng sợ khi mật độ dân cư quá đông, tất yếu dẫn đến tỉ lệ thụ hưởng an sinh xã hội của công dân càng thu hẹp lại. Không phải đến khi công dân nhỏ tuổi mất quyền học tập thì xã hội mới bàng hoàng. Việc thiếu không gian cho xây dựng trường lớp đã được dự đoán từ lâu.
Trong khi đó, những ô đất vàng giao cho nhà đầu tư vẫn để hoang hoá, lãng phí 2 thập kỷ qua. Đây chính là nghịch lý không thể chấp nhận được.
Quyền được học của công dân và quản trị xã hội
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hoàng Liệt Tạ Văn Hải - người có mặt tại cuộc bốc thăm may rủi vào Trường mầm non Hoàng Liệt, từng nói rằng nếu thỏa mãn ngay mong cầu của các bậc phụ huynh cho con vào mầm non công lập trên địa bàn phường, có lẽ chỉ có thần đèn mà thôi??!
Về lâu dài dù rất nhiều kiến nghị, đề xuất xây thêm trường, nhưng đều phải chờ giải pháp căn cơ, lâu dài, trong khi việc học của trẻ nhỏ có độ tuổi, có thời điểm, không thể chần chừ.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, phân trần về thực tế hiện nay điều kiện cơ sở vật chất của các trường học không đồng đều, một số phường thiếu trường công lập do hết quỹ đất, quy hoạch lộn xộn.
Thực tế là các phường đều có trường nhưng vẫn không đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh do dân số trên địa bàn quá đông. Một quận như Hoàng Mai thiếu tới 36 trường. Chưa hết, sĩ số bình quân mỗi lớp ở các trường công lập tại quận Hoàng Mai đều vượt quá mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vậy, trong vòng 5 năm trước mắt, Hà Nội sẽ giải quyết vấn đề điều tiết quy hoạch hợp lý cho giáo dục như thế nào?
Đối với quận Hoàng Mai, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm đề nghị thành phố chỉ đạo Tổng Công ty HUD bàn giao cho quận 7 ô đất để đầu tư trường học công lập, 5 ô đất thứ phát đề nghị thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư sớm triển khai.
Rõ ràng, đây là thể hiện sự kiên quyết của lãnh đạo quận Hoàng Mai, dù đó là cách giải quyết tình thế nhưng rất cần thiết trước việc chây ì của các nhà đầu tư không chịu triển khai xây dựng trường học trên địa bàn. Doanh nghiệp không phải là chỉ chăm chăm kiếm lợi nhuận khủng, mà phải hoàn thành trách nhiệm xã hội. Bởi lẽ việc hoàn thành trách nhiệm xã hội là pháp lệnh và cũng là cách làm tạo ra lợi nhuận sạch cho doanh nghiệp!
Pháp luật của chúng ta có đủ, hệ thống chính quyền các cấp có đầy đủ ban bệ, nhưng sao cứ phải "nhìn sắc mặt" doanh nghiệp khi lo chỗ cho công dân học tập??? Phải chăng các cơ quan có thẩm quyền đã cho phép doanh nghiệp xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng vì cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài của xã hội là trồng người. Doanh nghiệp thì cho rằng về "cơ bản không sai", chỉ là chậm xây dựng trương học mà thôi (!!). Cách "nhìn sắc mặt" doanh nghiệp để lo trường học thì đến khi nào mới giải quyết gốc rễ nghịch lý quy hoạch, xây dựng trường học để bảo đảm quyền được học của công dân?
Quản trị xã hội về bản chất là mang tính khoa học để bảo đảm quyền hợp pháp của công dân. Hiến pháp, Luật Giáo dục và hệ thống luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan của Việt Nam không thiếu, vậy tại sao vấn đề quyền được học của công dân luôn bị vướng ngược vướng xuôi vậy? Hay là có những lắt léo của lợi ích nhóm tồn tại phía sau những tòa chưng cư cao tầng mọc lên ào ạt và hàng loạt ô đất đã được quy hoạch nhưng cứ bị bỏ hoang?
Theo luật mà làm- đó là nguyên tắc quản trị xã hội không ai bác bỏ được. Nhưng việc làm theo luật lại do con người vận hành, mà con người lại bị chi phối giằng chéo bởi các mối quan, các lợi ích nên nguyên tắc thường bị biến tướng.
Do vậy chuyện thiếu trường học ở nước ta sẽ còn là chuyện lâu dài!