Khảo sát lớp 10, 11 - giáo viên, học sinh đều mệt

09:47 - 19/03/2024

Ngành giáo dục địa phương tổ chức khảo sát học sinh lớp 10, 11 khiến giáo viên luôn ở trong tình trạng bận rộn từ việc ra đề, coi kiểm tra và chấm bài. Điều đáng xem xét là hiệu quả từ những kì khảo sát này đến đâu?

Khảo sát lớp 10, 11 - giáo viên, học sinh đều mệt- Ảnh 1.

Có nhiều phương pháp nhằm khảo sát năng lực học sinh. Ảnh: tuyensinh.net

Ngày 29/12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố cấu trúc và đề minh họa cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025.

Đến thời điểm này, một số địa phương trên cả nước đã tổ chức khảo sát lớp 10, 11, cho học sinh các lớp này làm bài khảo sát theo mẫu đề tham khảo thi tốt nghiệp năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mục đích của việc khảo sát này là nhằm định hướng học tập, giúp học sinh và các trường chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy vậy, nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông cho rằng, ngành giáo dục các địa phương và các nhà trường chưa cần thiết phải tổ chức các kì khảo sát vì nhiều lý do.

Giáo viên mệt mỏi với các kì khảo sát

Việc tổ chức khảo sát sẽ tốn thời gian, công sức, tiền bạc của phụ huynh học sinh và giáo viên. Học sinh và giáo viên phải đi khảo sát ngoài giờ, trong khi đó việc dạy và học của thầy trò theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều khó khăn.

Một giáo viên dạy Ngữ văn bậc trung học phổ thông ở một tỉnh phía Bắc chia sẻ, kể từ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn là cô giáo luôn ở trong tình trạng bận rộn từ việc ra đề, coi kiểm tra và chấm bài cho các kì khảo sát của học sinh lớp 11 và 12.

Cô giáo này cho biết, mỗi ngày coi kiểm tra, cô được nhà trường trả thù lao 75 nghìn đồng, còn các khâu như ra đề và chấm bài kiểm tra thì không được đồng nào, giống như nghĩa vụ phải làm.

Cô giáo trải lòng, có nhiều bài kiểm tra học sinh chỉ làm đối phó bằng cách viết cho có, mỗi câu chỉ viết vài ba dòng chiếu lệ vì các em đều biết điểm khảo sát không lấy vào các cột điểm kiểm tra thường xuyên.

Giáo viên này cho biết thêm, đối với bài kiểm tra Ngữ văn định kì (giữa kì, cuối kì), thời gian làm bài tối đa theo quy định là 90 phút. Nhưng bài khảo sát Ngữ văn kéo dài đến 120 phút, giám khảo coi kiểm tra trong 2 tiếng rã rời, còn nhiều học sinh thì làm bài chỉ 1/3 thời gian là nằm xuống bàn ngủ, tổng thể kỳ khảo sát mệt mỏi cho cả giáo viên và học sinh.

Để khảo sát là một sân chơi tự nguyện của học sinh

Nhiều giáo viên nêu quan điểm, việc tổ chức khảo sát học sinh lớp 10, 11 theo mẫu đề tham khảo thi tốt nghiệp năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa thực sự cần thiết.

Bởi vì, việc đánh giá học sinh là cả một quá trình bằng các bài kiểm tra thường xuyên, định kì với nhiều hình thức khác nhau, vì dụ bài phỏng vấn, thực hành, làm dự án,… chứ không chỉ qua một bài khảo sát.

Cùng với đó, điểm học bạ lớp 9, kết quả tuyển sinh 10 và điểm trung bình cả năm học của học sinh lớp 10 đã đủ độ tin cậy để có thể đánh giá chất lượng dạy, học theo Chương trình mới.

Còn thầy giáo Phan Anh, giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết cách tổ chức khảo sát đánh giá năng lực học sinh lớp 11 (sắp tới) của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh là một sân chơi bổ ích. Đây là phương pháp khảo sát năng lực học sinh mà các địa phương có thể quan tâm, áp dụng.

Theo đó, Ngày hội Olympic Tháng 4 Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2023-2024 gồm 2 hoạt động: Hội thảo chuyên đề về giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông và Hoạt động khảo sát đánh giá năng lực học sinh.

Trong đó, hoạt động khảo sát đánh giá năng lực học sinh, mỗi môn có tối đa 3 em tham gia trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Kết quả xếp theo huy chương cá nhân (Vàng, Bạc, Đồng) theo từng lĩnh vực tổ chức khảo sát.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/khao-sat-lop-10-11-giao-vien-hoc-sinh-deu-met-179240319094742141.htm