Học sinh xin chuyển tổ hợp môn, giải quyết thế nào cho hợp lí?
Mặc dù chưa kết thúc học kì 1 năm học 2022-2023 nhưng các trường trung học phổ thông trên cả nước ghi nhận có tình trạng nhiều học sinh lớp 10 xin chuyển môn, tổ hợp môn vì sức học không theo kịp và không phù hợp.
Lãnh đạo trường học cũng bối rối, không biết nên cho các em chuyển đổi môn học vào thời điểm nào là vì hiện chưa có hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vì sao học sinh xin chuyển tổ hợp môn học?
Xuất phát từ việc ngay từ đầu, việc định hướng cho học sinh lớp 9 chọn tổ hợp môn chưa được các nhà trường trung học cơ sở quan tâm đúng mức. Năm cuối cấp, hầu hết các nhà trường đều lo cho học sinh ôn tập thi tuyển sinh vào 10 nên thầy cô không còn thời gian tư vấn cho các em chọn tổ hợp môn học phù học.
Cùng với đó, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 nên nhiều giáo viên bậc trung học cơ sở cũng chưa hiểu rõ tổ hợp môn là gì.
Hơn nữa, Chương trình mới xuất hiện 124 tổ hợp môn nhưng thực tế các nhà trường chỉ ấn định sẵn khoảng 5, 6 tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn. Nhà trường không thể chạy theo nhu cầu chọn tổ hợp môn của học sinh vì không đủ giáo viên bộ môn giảng dạy. Vậy nên, học sinh bắt buộc phải chọn những môn mà mình không yêu thích. Đến lúc gần hết học kì 1 thì cảm thấy mình không theo kịp.
Năm lớp 9 học sinh thường học 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để thi tuyển sinh 10, nhiều em vẫn chưa có ý thức định hướng nghề nghiệp. Đến lúc vào lớp 10 được học các tổ hợp môn theo khối thi đại học nên nhiều học sinh bối rối.
Trong khi đó, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa được công bố nên học sinh xin chuyển tổ hợp môn là điều dễ hiểu.
Thực tế cũng cho thấy, vẫn còn tình trạng học sinh chọn môn học theo cảm tính mà không dựa vào năng lực, sở trường của bản thân. Đơn cử, có em tưởng học Âm nhạc, Mỹ thuật mình thích là dễ nhưng khi vào học rồi mới biết môn Nghệ thuật thực sự khó hơn những gì mình nghĩ. Chưa kể, học sinh chọn môn học vì đăng kí theo lời khuyên của bạn bè, thậm chí bị phụ huynh, gia đình chi phối theo định hướng nghề nghiệp sau này.
Và cuối cùng, một học kỳ trôi qua không dễ dàng, nhiều học sinh xin chuyển đổi tổ hợp môn.
Trường học nên giải quyết thế nào?
Ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Thông tư này không có điều khoản nào cấm học sinh được chuyển đổi tổ hợp môn nên về nguyên tắc các em được đổi môn, tổ hợp môn học nếu có nhu cầu.
Vấn đề nảy sinh là, có học sinh xin chuyển môn, tổ hợp môn học vào giữa học kì 1, nhưng có em lại xin chuyển vào cuối kì 1, giữa học kì 2 hoặc cuối năm lớp 10. Theo quy định, học sinh chỉ được phép chuyển đổi môn học mới khi làm các bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì đạt yêu cầu.
Giả sử, giữa học kì 1 học sinh xin chuyển từ môn Hóa học sang môn Vật lí thì các em phải làm bài kiểm tra môn Vật lí đạt yêu cầu, phải hoàn tất 2 cột điểm kiểm tra thường xuyên và 1 cột điểm kiểm tra định kì (giữa học kì 1). Tương tự, hết học kì 1 học sinh xin chuyển đổi thì các em phải hoàn tất 4 kiểm tra thường xuyên và 1 cột điểm kiểm tra định kì (cuối học kì 1). Còn hết học kì 1 học sinh xin chuyển đổi môn thì các em phải hoàn thành các cột điểm gấp đôi so với học kì 1.
Nhà trường nên giải quyết cho học sinh chuyển đổi môn, tổ hợp môn càng sớm càng tốt để các em sớm được học theo định hướng kiến thức môn học mới. Lúc này học sinh có thể tự học trực tuyến vì trường nào cũng có phần mềm đăng tải sẵn các bài giảng online. Các học sinh cũng có thể học thêm, học từ bạn bè để bổ túc kiến thức.
Nếu hết năm học nhà trường mới giải quyết cho học sinh chuyển đổi môn rất có thể học sinh lại tranh thủ học hè và thực hiện hàng loạt bài kiểm tra (10 bài) - như vậy là quá tải. Nếu học sinh làm bài kiểm tra không đạt yêu cầu thì các em không được đổi môn, tổ hợp môn học. Lúc đó, sẽ có hệ lụy không đáng có và dẫn đến chuyện học sinh dễ dàng bỏ học giữa chừng, bản thân các em và gia đình sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch xem xét việc thực thi Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT và đánh giá chính xác việc áp dụng vào các nhà trường, nhằm giúp các nhà trường giải quyết việc học sinh xin chuyển môn, tổ hợp môn được thuận tiện.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hoc-sinh-xin-chuyen-to-hop-mon-giai-quyet-the-nao-cho-hop-li-179221210232334842.htm