Học sinh không có mã định danh không được tuyển sinh đầu cấp?

15:44 - 22/03/2023

Học sinh không có mã định danh có thể do cơ quan chức năng nhập sai thông tin về công dân, phải đợi Bộ Công an chỉnh sửa, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh lại đẩy thế khó này cho phụ huynh.

Hơn 3.000 học sinh chưa xác định mã định danh

Ngày 21/3, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Hồ Tấn Minh đưa ra thông tin: các quận/huyện sẽ nhập dữ liệu của học sinh gồm tên tuổi, chỗ ở, mã định danh lên phần mềm.

Từ dữ liệu này, việc bố trí chỗ học sẽ dựa vào nơi cư trú của gia đình các em theo tiêu chí học sinh được học gần nhà, xóa bỏ cách phân tuyến chỗ học theo địa giới hành chính dựa vào hộ khẩu. Chính vì thế, học sinh không có mã định danh sẽ không thể tham gia tuyển sinh đầu cấp.

Đến nay, toàn thành phố vẫn còn hơn 3.000 học sinh chưa xác định mã định danh. Nhiều trường hợp chưa có giấy khai sinh hoặc thường trú không khai báo...

Để thực hiện cho công tác tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đang yêu cầu các trường phối hợp với địa phương để rà soát lại. Theo kế hoạch, khoảng đầu tháng 5/2023, cơ sở dữ liệu toàn ngành sẽ được cập nhật để phục vụ cho công tác tuyển sinh đầu cấp.

Hiện nay, bất cứ ai cũng có mã định danh cá nhân trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kể cả trẻ sơ sinh. Công an ở xã, phường, thị trấn nơi thường trú sẽ liên hệ và thông báo mã định danh cá nhân này đến công dân. Khi công dân đủ 14 tuổi làm căn cước công dân thì mã số này cũng chính là số căn cước công dân, dưới 14 tuổi là mã định danh cá nhân.

Đẩy thế khó về phía phụ huynh học sinh?

Quy định "học sinh không có mã định danh sẽ không thể tham gia tuyển sinh đầu cấp" là khiên cưỡng, áp đặt. 

Dù xác định "bất cứ ai cũng có mã định danh cá nhân trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kể cả trẻ sơ sinh", nhưng ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cần biết rằng, sẽ có rất nhiều trường hợp cơ quan chức năng nhập sai sót về thông tin về công dân. Những trường hợp này không lẽ học sinh phải thất học?

Việc học sinh bị nhập sai thông tin về công dân khiến các em không có mã số định danh, không thể làm căn cước công dân là chuyện không ai mong muốn. Vì vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu để đưa ra những phương án hợp tình hợp lí nhằm đảm bảo quyền được học tập của học sinh. Quan trọng hơn nữa là đừng đẩy thế khó về cho phụ huynh khiến họ lo lắng bất an về việc học của con mình. 

Anh Nguyễn Đình Dương, giáo viên ở quận Tân Phú bức xúc cho biết, anh có 2 con, một cháu học lớp 3 và một cháu học lớp 8 nhưng cả hai đều bị cơ quan chức năng nhập sai thông tin về công dân. Mặc dù anh đã làm thủ tục chỉnh sửa thông tin hơn nửa năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Anh Dương cũng đã nhiều lần đến công an phường thắc mắc, mong được giải quyết sớm thì được cán bộ ở đây giải thích rằng, phải đợi Bộ Công an chỉnh sửa thông tin trên hệ thống, còn thời gian bao lâu thì vẫn chưa biết được. "Giả sử con tôi chuẩn bị lên lớp 1 và lớp 10 thì không biết phải làm sao, không lẽ cho các cháu phải nghỉ học, còn học trường tư thục thì đồng lương giáo viên như tôi không kham nổi", anh Dương thẳng thắn nói.

Không ai được phép từ chối quyền học của các em học sinh. Điều này đã được quy định trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Điều 16, Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 ghi rõ: 1) Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2) Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Và Điều 39 quy định: Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.

Điều 16 Luật Trẻ em (Luật số 102/2016/QH13) quy định: 1) Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. 2) Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.

Điều 13 Luật Giáo dục quy định: 1) Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. 2) Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/hoc-sinh-khong-co-ma-dinh-danh-khong-duoc-tuyen-sinh-dau-cap-179230322143321451.htm