Hiệp hội Blockchain Việt Nam đổi tên thành "Hiệp hội Blockchain và Tài sản số Việt Nam"

Tên gọi mới thể hiện sự chuyển đổi định hướng của "Hiệp hội Blockchain và Tài sản số Việt Nam", từ việc thúc đẩy công nghệ blockchain sang vai trò trung tâm kiến tạo, dẫn dắt sự phát triển thị trường tài sản số và hệ sinh thái blockchain.

Quyết định đổi tên được thông qua trên cơ sở đồng thuận 100% của Ban Chấp hành, hội viên cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh: VGP
Hiệp hội Blockchain và Tài sản số Việt Nam hướng tới mục tiêu lớn là góp phần đưa Việt Nam ghi dấu trên bản đồ kinh tế số toàn cầu
Quyết định đổi tên được thông qua trên cơ sở đồng thuận 100% của Ban Chấp hành, hội viên cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước gồm Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ tại Đại hội Bất thường năm 2025, được tổ chức đúng trình tự theo Nghị định 126/2024/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách có tính chất chiến lược và định hướng cho ngành blockchain và tài sản số, theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Kể từ khi thành lập vào tháng 4/2022, VBA đã xây dựng được mạng lưới 115 hội viên chính thức ở cả lĩnh vực tài chính - công nghệ - giáo dục và hơn 200 thỏa thuận hợp tác với các đối tác chiến lược như Boston Consulting Group, Tether, Chainalysis, Dragon Capital, ACAMS, VCCI, VNBA,... bước đầu tạo lập mạng lưới kết nối chặt chẽ giữa tri thức - thị trường - thể chế trong lĩnh vực blockchain và tài sản số.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch VBA cho biết, trong 3 năm qua, VBA không chỉ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ blockchain mà còn từng bước xây nền móng cho sự phát triển dài hạn của hệ sinh thái tài sản số tại Việt Nam thông qua các trụ cột tham vấn chính sách, giáo dục, kết nối cộng đồng, đóng góp thiết thực cho sự phát triển công nghệ blockchain tại Việt Nam.
VBA đặt ra một số mục tiêu mới cho nhiệm kỳ 2025–2030 nhằm hiện thực hóa vai trò hạt nhân thúc đẩy trong phát triển hạ tầng số, thị trường tài sản số và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ blockchain toàn cầu. Theo đó, ưu tiên đồng hành phát triển Mạng Dịch vụ đa chuỗi Blockchain Việt Nam (VBSN), một hệ sinh thái hạ tầng mở do doanh nghiệp trong nước làm chủ, có khả năng mở rộng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Hiệp hội đặt mục tiêu hỗ trợ kết nối tối thiểu 50 doanh nghiệp nội địa triển khai dịch vụ blockchain-as-a-service (BaaS) trên nền tảng VBSN, hỗ trợ vận hành thử nghiệm ít nhất ba dịch vụ công sử dụng blockchain và đồng hành phát triển hai sáng kiến fintech ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
VBA hướng tới mở rộng kết nối chiến lược thông qua việc thành lập các văn phòng đại diện tại các trung tâm tài chính lớn như Bắc Mỹ và Dubai, giữ vai trò cầu nối giữa cộng đồng chuyên gia, nhà đầu tư, kiều bào, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để VBA tham gia mạnh mẽ vào các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu và các diễn đàn hợp tác xuyên quốc gia.
Gần đây nhất, blockchain cũng được xác định là một trong 11 công nghệ chiến lược theo Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 12/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục Công nghệ Chiến lược và Sản phẩm Công nghệ Chiến lược.
Đặc biệt, Luật Công nghiệp Công nghệ Số được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2025, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, chính thức công nhận tài sản số là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ, mở ra một không gian phát triển mới, tạo nền tảng cho sự bứt phá của nền kinh tế số.