Giáo viên già nhưng giáo dục không thể “già”

12:00 - 28/03/2023

Tôi là một giáo viên chưa già, nhưng nhiều lúc cũng chạnh lòng trước câu hỏi hồn nhiên của học trò: "cô ơi, sao cô già vậy mà chưa về hưu".

Tôi năm nay bước sang tuổi 50, chưa phải là một giáo viên già, nhưng nếu tính tuổi 55 về hưu như trước đây thì còn phải dạy 5 năm nữa. Còn tính theo tuổi về hưu theo quy định mới (nam 62, nữ 60) tôi cũng phải gần 10 năm nữa mới được về hưu.

Thế mà, không dưới một lần tôi nghe một số học sinh lớp 1 gọi bằng bà. Còn học sinh lớp tôi chủ nhiệm có vài em vẫn luôn hỏi: "Cô ơi! Sao cô già thế mà vẫn chưa nghỉ hưu à?".

Tuổi cao, giáo viên già thường có một số bệnh do ảnh hưởng của nghề nghiệp

Tôi biết vì sao học sinh thường hay hỏi cô già sao chưa về hưu. Mới tới 50 tuổi nhưng tóc tôi đã bạc gần phân nửa. Đấy là tôi còn vẫn còn chưa quá già so với nhiều đồng nghiệp. 

Cô giáo Thu Lan mới 50 tuổi nhưng đã phải đeo cặp kính lão. Có hôm quên mang kính, cô không thể đọc bài, không thể viết bài lên bảng vì nhìn bị nhoè, càng không thể chấm bài cho học sinh. Cô nói mang kính suốt ngày cũng nhức mắt lắm nhưng không mang thì không tài nào dạy được.

Cô kể, dù mang kính nhưng cũng có hôm "chữ tác đánh chữ tộ" do nhức mắt. Phát bài tập đã chấm cho học trò xem, chúng thi nhau "kiện" cô "sao em làm đúng mà cô chấm là sai?", "sao em làm sai cô lại cho là đúng?"…

Kiểm tra lại mới giật mình, có thể do mình nhìn nhầm số, nhầm dấu như dấu cộng thành dấu trừ và ngược lại. 

Cô giáo Hồng Loan, mới vào tuổi 53 đã không thể đi lại nhiều vì bị giãn dây chằng. Thế là đến lớp, suốt buổi học cô chỉ ngồi ghế trên bục để giảng bài. Học sinh nhỏ tuổi hiếu động, giáo viên không đi lại dưới lớp sẽ khó giữ cho học sinh ngồi trật tự và chăm chú học. Vì thế, chất lượng lớp cô giảng dạy luôn bị xếp thấp nhất trong tổ chuyên môn.

Mỗi khi có dự giờ, cô buộc phải đi lại giữa các nhóm trong lớp. Thế là ngày hôm sau, cô nói mình phải ra tiệm thuốc tây mua thuốc giảm đau về uống để tiếp tục đi dạy. Cô nói, kiểu này mà gần 60 tuổi mới được về hưu chắc là lết trên bục giảng mất.

Giáo viên già ít tham gia các hoạt động ngoại khóa

Trường tôi có tổng số 40 giáo viên. Trong đó, có khoảng 10 thầy cô ở độ tuổi  gần tới 50, có 20 thầy cô ở độ tuổi từ 30 đến hơn 40 và chỉ có 10 thầy cô đang ở độ tuổi trên 20. Phải thừa nhận rằng những thầy cô giáo trẻ ở độ tuổi dưới 30 vô cùng năng động.

Mỗi khi nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khoá, hoạt động ngoài giờ, lứa giáo viên già như chúng tôi hầu như được "đặc cách" không tham gia vì luôn được các thầy cô giáo trẻ "bao sân" luôn.

Thế nhưng không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, cũng "trời yên biển lặng". Do các hoạt động ngoại khoá quá nhiều mà luôn phải bao luôn công việc của các giáo viên già nên có nhiều thầy cô trẻ không vui, mệt quá sinh ra nổi quặu. Họ bóng gió xa xôi "lương thì nhận cao nhất nhì trường mà các hoạt động lại không phải tham gia, già cũng sướng quá nhỉ".

Cũng chẳng phải các giáo viên già lười biếng, đùn đẩy việc cho lớp trẻ mà đôi khi "lực bất tòng tâm". Để tham gia hoạt động ngoại khoá có chất lượng, giáo viên phải thật sự năng động. Có những việc chỉ phù hợp với người trẻ, già rồi khác thế hệ, nhu cầu thị hiếu cũng khác, không thể hoà hợp được. 

Từ việc tập múa hát, tập hoạt cảnh cho học sinh, thậm chí giáo viên phải trực tiếp tham gia cùng với các em. Tuy thế, người chân cẳng đau nhức, người thì mập mạp (phát tướng do lớn tuổi). Di chuyển còn chậm chạp thì làm sao có thể nhảy múa cho được. Người lại mắc chứng rối loạn tiền đình, viêm thanh quản nói còn hạn chế lấy đâu sức mà hát hò.

Thầy cô không thể tập cho học sinh, không thể cùng các em đồng diễn. Thế là, học sinh học với những giáo viên lớn tuổi cũng thường bị thiệt thòi vì lớp học ấy không thể tham gia hoặc có tham gia cũng cho có. Rõ ràng lớp các thầy cô trẻ, phong trào năng động hơn, học sinh thích thú hơn. 

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cùng với các bộ sách giáo khoa mới, học sinh tới trường không mỗi chỉ việc học mà còn phải tham gia các hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, dạy học theo hướng phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh cũng không thể ngồi dạy một cách thụ động. Bởi thế, giáo viên dù có lòng nhiệt huyết nhưng không đủ sức khoẻ cũng không thể giảng dạy tốt.

Hiện có khá nhiều thầy cô giáo mới bước sang tuổi 50 đã xin được nghỉ hưu theo dạng tinh giản biên chế của Nghị định 143/2020/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ. 

Trước kiến nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu cho giáo viên hiện nay (cụ thể, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) nhiều nhà giáo đã rất vui mừng. Vì chất lượng giáo dục, vì yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục toàn diện, những nhà giáo già đã đủ thời gian cống hiến mong muốn được nghỉ hưu vào lúc không còn khả năng bắt nhịp được. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-vien-gia-nhung-giao-duc-khong-the-gia-179230328093812873.htm