Giáo dục con cái trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin
Việc giáo dục con cái trở thành một thách thức ngày càng lớn khi các bậc phụ huynh phải đối mặt với những thông tin nhiễu loạn và những tấm gương không còn sáng.
Có một cô hoa hậu mới đăng quang với vóc dáng nuột nà, xinh đẹp, rạng ngời, công chúng chưa kịp vui mừng vì một tượng đài sắc đẹp thì trường đại học thông báo về việc cô hoa hậu này đã bị buộc thôi học.
Nguyên do là tân hoa hậu đã nghỉ nguyên cả một học kỳ mà không có lý do. Và chính cô cũng phải thừa nhận rằng, mình đã bị đuổi học.
Hoa hậu đại diện cho vẻ đẹp của một đất nước, đại diện cho thế hệ trẻ, có còn xứng đáng nữa hay không?
Chiếc vương miện lấp lánh của nhan sắc với tấm bằng đại học - bên nào nặng, bên nào nhẹ?
Những dòng tin tức hằng ngày tràn ngập những hình ảnh hoa mỹ, những người nổi tiếng được ca ngợi hết lời. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, những hình ảnh đó có thể sụp đổ khi các nhân vật có tầm ảnh hưởng tới công chúng bị khởi tố vì những hành vi sai trái.
Các chương trình truyền hình thực tế cũng góp phần tạo nên những ảo tưởng về con đường khởi nghiệp làm giàu. Những "cá mập" được tung hô như những nhà đầu tư tài ba, nhưng thực tế lại không ít người trong số họ không có nền tảng học vấn vững chắc hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật.
“Cá mập" bị bắt vì tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản". “Cá mập" không chỉ bỏ lỡ con đường đại học của mình mà còn cản trở hành trình học tập của nhiều em nhỏ vì nợ học phí, nợ lương giáo viên, nợ tiền phụ huynh,...
Sự tràn lan của những thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội khiến người dùng dễ dàng bị cuốn theo những giá trị vật chất bề ngoài. Họ ngưỡng mộ những người sở hữu nhà to, xe đẹp, nhưng lại bỏ qua những câu hỏi về nguồn gốc tài sản và con đường làm giàu của họ.
Ở những phiên tòa rúng động cả nước gần đây, có những nhân vật nắm giữ vị trí trọng yếu, tham nhũng hàng nghìn đô la, hàng trăm tỷ đồng, trong chai rượu, trong vali, trong món quà biếu Tết…
Trong bối cảnh giá trị cuộc sống bị đảo lộn, thông tin nhiễu loạn, hành vi đúng sai nhoà đi ranh giới, các bậc phụ huynh không biết phải dạy con mình như thế nào về những giá trị thực sự của cuộc sống. Họ không thể chỉ dựa vào những tấm gương hào nhoáng trên màn ảnh, mà phải tự mình tìm kiếm và truyền đạt những giá trị đạo đức, sự chăm chỉ và lòng nhân ái cho con em mình.
Để làm được điều này, bản thân các bậc phụ huynh cũng cần tự uốn nắn lại mình, tránh bị mê muội bởi những "hào quang" không có thật. Họ cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng để phân biệt đúng sai, trắng đen. Phân biệt giữa đầu tư cho con học vấn hay là biến con thành kẻ mê muội tiền bạc, vuột mất cơ hội bồi đắp trí tuệ, coi sự giàu xổi là thành công đỉnh cao của một đời người.
Giữa xa lộ thông tin chạy nhanh như điện xẹt, các bậc phụ huynh cần lắng lòng mình, chăm chỉ mỗi ngày, tu dưỡng bản thân, cần cù chính đáng, kiếm tiền đàng hoàng.
Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể xây dựng một thế hệ sau không còn mê muội vào các giá trị ảo - như không ít người xung quanh chúng ta bây giờ.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-duc-con-cai-trong-boi-canh-nhieu-loan-thong-tin-179240403105845766.htm