Giảng viên "bán" bài báo gây tranh cãi, nhà khoa học nói gì?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Công Hướng - giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Nafosted công bố nhiều bài báo quốc tế nhưng ký tên trường đại học khác với nơi công tác khiến giới khoa học tranh cãi về sự liêm chính.
Giới khoa học đang xôn xao việc Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Công Hướng, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng ngành Toán, Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ quốc gia), nộp đơn xin rút khỏi hội đồng này vì bị tố cáo vi phạm liêm chính học thuật.
Theo thống kê từ MathSciNet - cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Toán học Mỹ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Công Hướng có 42 công trình nghiên cứu khoa học. Trong đó, 13 công trình ông ký tên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, 4 công trình đứng tên Trường Đại học Thủ Dầu Một. Thời gian thực hiện những nghiên cứu này, ông là giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Quy Nhơn.
Chia sẻ với truyền thông, Giáo sư Ngô Việt Trung, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Chủ tịch hội đồng ngành Toán của Quỹ Nafosted, nói về mặt pháp lý, tác giả ghi địa chỉ nơi khác có vẻ như không vi phạm gì nếu cơ quan chủ quản cho phép. Nhưng nơi "mua bài" thì đã ngụy tạo thành tích để đánh lừa xã hội và thu hút sinh viên vào học.
Còn Tiến sĩ Trương Đình Thăng, thành viên hội đồng Quỹ Nafosted liên ngành Tâm lý và Giáo dục thì cho rằng, việc hợp tác nghiên cứu trên thế giới là phổ biến. Một tác giả có thể ghi nhiều tổ chức mà mình làm việc và hợp tác. Chỉ khi họ mạo danh tổ chức mà mình không có mối liên hệ hoặc hợp tác mới vi phạm.
Làm gì để tránh hoạt động nghiên cứu khoa học như "gian thương"
Bàn về việc mua bán bài báo, nhà khoa học Huỳnh Thiện Chánh đưa ra quan điểm và góc nhìn trên diễn đàn Liêm chính khoa học do Tiến sĩ Dương Văn Tú (Đại học Purdue, Hoa Kỳ) làm quản trị) như sau.
Thứ nhất, số lượng xuất bản khoa học của một trường đại học cho thấy năng lực nghiên cứu khoa học của trường đó. Doanh nghiệp, xã hội, người học, vốn không có nhiều hiểu biết về xuất bản khoa học, về "liêm chính" khi cần sẽ dựa vào các thông tin công khai của trường để tìm đến khi cần đặt hàng.
Người học, doanh nghiệp thì cần đặt hàng để đào tạo nhân lực chuyên ngành, cần chuyên gia để tư vấn công nghệ. Nếu một trường toàn đi mua bài báo, thì năng lực nghiên cứu của họ có hay không? Nếu một doanh nghiệp X đến trường đại học A đặt hàng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo thì chẳng lẽ trường đại học lại phải báo "chờ tôi đi thuê ông tiến sĩ, giáo sư Y làm nghiên cứu" để rồi sau đó lấy chi phí quản lý?
Như thế, có khác gì trường đại học đi làm môi giới đâu. Vậy thì vai trò nghiên cứu của Trường đại học ở đây để làm gì? Tại sao không chạy theo giá trị thực chất mà lại phải tạo nên cái vỏ bọc? Phải chăng làm ruột thì lâu, làm vỏ thì nhanh, nên đua nhau đi làm vỏ?
Thứ hai, người học mà mua điểm, sẽ tạo ra các tấm bằng không thực chất. Doanh nghiệp tuyển dụng họ về sẽ không sử dụng được vào đúng chuyên môn như trong tấm bằng của họ. Có phải lãng phí tài nguyên tiền bạc của cải cho xã hội, gia đình người học không?
Trường đại học đi mua danh tiếng thì không làm ảnh hưởng gì đến xã hội hay sao? Khi chúng ta nhìn thấy những ý kiến bảo vệ cho cái nồi cơm của một số người như thế này, thì đây là lỗi hệ thống, ngay từ trong nhận thức họ đã định hình vấn đề mua bán chất xám là được chấp nhận.
Thứ ba, về mặt luật pháp, việc mua bán công bố khoa học không bị cấm một cách chính thức trong các văn bản pháp luật. Nhưng chúng ta lại lý luận theo kiểu cái gì không cấm và không ghi rõ trong luật là "cấm mua bán bài báo dưới mọi hình thức" thì vẫn được làm?
Luật pháp luôn đi sau hiện thực xã hội, việc mua bán này nằm ở ranh giới, có những khía cạnh chưa bị phủ nhận, hay chưa được thừa nhận. Chúng ta lại có một số lý giải "vì không cấm nên cứ làm", như vậy hoạt động nghiên cứu có khác gì của gian thương ngoài chợ?
Một thương hiệu, doanh nghiệp làm giả hồ sơ năng lực thì bị Nhà nước phạt, thậm chí bỏ tù khi gây ra hậu quả nghiêm trọng. Một trường đại học làm giả hồ sơ năng lực thì lại được chấp nhận hay sao?
Đã có những trường hợp tương đương về việc mua bán hồ sơ năng lực là sai, thì việc lý giải rằng luật không cấm chúng ta cứ làm lại càng sai. Luật có cấm các hành vi gian lận, chỉ có điều luật chưa có phụ lục giải thích gian lận trong đó có cả hoạt động khoa học. Vai trò của các nhà khoa học là đi trước và dẫn đường để phát triển xã hội mà lại dẫn cả xã hội vào thừa nhận con đường mua bán danh, mác là sai.
Thứ tư, trường hợp 1, trường đại học A có đào tạo và nghiên cứu chuyên môn trí tuệ nhân tạo, trong đó có tiến sĩ X là một chuyên gia. Trường đại học B cũng đang muốn phát triển về ngành này, và có văn bản hợp tác với trường A để cùng phát triển chuyên ngành này ở trường B, và họ đồng thuận để tiến sĩ X tham gia và hỗ trợ trường B. Họ có những công bố chung, để đào tạo và đẩy năng lực nghiên cứu, đào tạo của 2 trường lên, và kết quả thể hiện trong công bố khoa học là có tên 2 trường. Điều này hoàn toàn được thừa nhận.
Trường hợp 2, trường đại học C cũng muốn đánh bóng tên tuổi trong làng trí tuệ nhân tạo, và trả tiền cao để thuê tiến sĩ X viết bài để tăng hạng trong một số bảng xếp hạng "Làn sóng xanh" nào đó, để họ quảng cáo, truyền thông, tuyển sinh gấp 2, 3 thậm chí nhiều lần quy mô họ có.
Vậy câu chuyện quá rõ ràng, ý thức về việc đồng thuận với trường hợp 2 là sai, và cần phải lên án. Chúng ta phê phán những cái áo giả, nhưng một số kẻ đang đánh lận con đen, cố tình nhập nhằng với các trường hợp chính danh để nguỵ biện.
Thứ năm, chúng ta thấy thù lao cho những công sức chuẩn bị nghiên cứu khoa học ở Việt Nam chưa tương xứng, thì điều chúng ta cần là kêu gọi tăng chế độ, tăng chi phí cho xuất bản. Hiện nay, chúng ta đã thấy điều này ở một số trường đại học, các cơ quan nghiên cứu. Như vậy vai trò của diễn đàn như thế này không phải rất tích cực?
Trở lại vấn đề ở nội dung thứ tư như đã nêu ở trên, nếu trường hợp đại học C trả lương cao, tiến sĩ X hãy xin nghỉ ở trường A, và sang hẳn trường C làm việc cho chính danh, chứ không phải vẫn làm ở trường A, và nhận thêm thù lao ngoài luồng của trường C.
Tại sao lại ngoài luồng khi trường C trả thù lao vẫn trừ thuế? Vì nó đâu được trường A thừa nhận. Khi công bố khoa học, chỉ cần một bên liên quan không thừa nhận nội dung, có phải công bố khoa học cũng không được công nhận và không được cho xuất bản?
Suy cho cùng, chúng ta lên án những cái bình rỗng, còn chế độ cho nghiên cứu cần được lượng hoá, để trả công hợp lý với lao động xã hội, để xã hội phát triển cho bền vững, chứ không phải như bong bóng, đến một ngày cái ruột rỗng to lên, nó sẽ nổ.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giang-vien-ban-bai-bao-gay-tranh-cai-nha-khoa-hoc-noi-gi-179231106100301335.htm