Giai thoại về Lê Quý Đôn thuở nhỏ

16:01 - 23/05/2022

Lê Quý Đôn (1726-1784), tên thuở nhỏ là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường; làm quan thời Lê Trung hưng, cũng là nhà thơ, được mệnh danh là "nhà bác học lớn của Việt Nam thời phong kiến".

Giai thoại về Lê Quý Đôn thuở nhỏ- Ảnh 1.

Lê Quý Đôn quê ở làng Duyên Hà, huyện Duyên Hà phủ Tiên Hương trấn Sơn Nam - nay là xã Duyên Hà huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình. Ông là con trai đầu của Tiến sĩ Lê Trọng Thứ - một danh sĩ thời cuối Lê, đỗ Tiến sĩ năm 1724, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hình.

Năm 18 tuổi, Lê Quý Đôn đỗ Giải nguyên (đỗ đầu thi Hương), năm 24 tuổi đỗ đầu thi Hội (Hội nguyên). Năm 27 tuổi đỗ đầu thi Đình (Đình nguyên), nhưng khoa này không có Trạng nguyên, vì vậy, trong làng Khoa bảng Lê Quý Đôn chỉ có danh vị "Đình nguyên Bảng nhãn". Về đường quan chức, Lê Quý Đôn làm đến Thượng thư Bộ Công, khi mất được truy tặng tước Dĩnh quận công (dưới triều Lê Hiển Tông).

Sinh thời, từ khi còn trẻ cho đến tận lúc cuối đời, tuy làm quan bận bịu nhiều việc, nhưng trên tay Lê Quý Đôn không lúc nào rời quyển sách. Ông đọc "Thiên kinh vạn quyển" và khối lượng trước tác để lại cũng thật đồ sộ, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau - được giới nghiên cứu thời nay đánh giá là nhà bác học.

Tương truyền, ngay từ nhỏ, Lê Quý Đôn đã nổi tiếng thần đồng, học đâu nhớ đấy và có tài ứng biến. Năm lên 7, có lần cậu cùng chúng bạn cởi truồng tắm ao, chợt có vị đường quan bạn đồng liêu với Tiến sĩ Lê Trọng Thứ bố cậu hỏi đường đến nhà. Lê Quý Đôn láu lỉnh thưa: Nếu ông giải được câu đố này thì cháu sẽ chỉ đường cho ông. Nói rồi, cậu đứng dạng chân dạng tay, hỏi: Đố ông đây là chữ gì?. Vị đường quan bật cười: Chữ Đại, thế mà cũng đố.

Cậu bé cười to: Ông sai rồi, làm quan mà không biết, chữ Đại có chấm bên dưới là chữ Thái chứ. Vị quan lấy làm khó chịu với thằng bé hỗn hào nên bỏ đi, nhưng trong bụng không khỏi thầm khen thằng bé thông minh.

Vào đến nhà ông Thứ, vị quan nọ mới biết thằng bé lúc nãy là con ông bạn, bèn kể lại chuyện. Tiến sĩ Lê Trọng Thứ cả giận, bắt con nằm, muốn phạt roi. Vị quan can: Cháu nó đã khoe chữ thì ra cho nó đề bài, nếu làm được thì tha.

Lê Quý Đôn ngẩng đầu thưa:

- Xin bác ra đề ạ!

- Vậy ta ra đề là: "Rắn đầu biếng học", phải làm thơ Nôm, thơ thất ngôn bát cú và phải hứa chăm học.

Chỉ trong chốc lát, Lê Quý Đôn đã ứng khẩu đọc:

Chẳng phải liu điu cũng giống nhà

Rắn đầu biếng học lẽ không tha

Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ

Nay thét mai gầm rát cổ cha

Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo

Lằn lưng cam chịu vệt dăm ba

Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học

Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.

Vừa nghe xong, ông khách kinh ngạc kêu lên: Giỏi quá! Giỏi quá! Đúng là thần đồng!

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giai-thoai-ve-le-quy-don-thuo-nho-179220523154911637.htm