Động đất liên tiếp ở Kon Tum: Khi nào động đất dẫn đến sóng thần?
Động đất là một nguyên nhân gây ra sóng thần. Sóng thần tuy chưa xuất hiện ở Việt Nam song nhiều vùng bờ biển của Việt Nam vẫn có nguy cơ chịu ảnh hưởng của sóng thần do tiềm ẩn nguy cơ động đất ở một số nước trong khu vực.
Sóng thần là gì?
Sóng thần là hiện tượng một loạt các đợt sóng có chiều dài (tới hàng trăm km hoặc hơn) và bề rộng khá lớn tiến từ đại dương vào bờ biển. Khi ở trên đại dương, đầu ngọn sóng chỉ cao khoảng 30cm, khi tiến đến gần bờ biển, đầu ngọn sóng vươn cao, đạt đỉnh và dựng đứng như một bức tường cao tới hàng chục mét. Đáy biển gần bờ thường lộ ra trước khi sóng thần tiến vào bờ. Khi tới gần bờ biển, do có một khối lượng nước lớn đẩy từ phía sau, tốc độ của sóng thần có thể ngang bằng với tốc độ của máy bay.
Sóng thần tuy chưa xuất hiện ở Việt Nam song nhiều vùng bờ biển của Việt Nam vẫn có nguy cơ chịu ảnh hưởng của sóng thần do tiềm ẩn nguy cơ động đất ở một số nước trong khu vực.
Nguyên nhân hình thành sóng thần
Sóng thần thường là kết quả sự nâng hạ đột ngột của một phần vỏ trái đất nằm dưới đại dương. Nó gây nên sự dịch chuyển đột ngột của cả cột nước bên trên và sự nâng hoặc hạ của mực nước biển ở trên bề mặt. Sự nâng, hạ mực nước biển này là bước đầu tiên hình thành nên sóng thần.
Sóng thần cũng có thể được hình thành do sự dịch chuyển với thể tích lớn của nước biển bắt nguồn từ hiện tượng sạt lở đất, phun trào của núi lửa ngầm dưới đáy biển.
Sóng thần - "thảm họa kép" của động đất
Động đất là một nguyên nhân gây ra sóng thần. Khi xảy ra động đất ở trong lòng đại dương, sức địa chấn đẩy khối nước khổng lồ lên cao. Trong khoảng mấy trăm km2, khối nước bị đẩy lên cao rồi rơi xuống, tạo ra những đợt sóng lớn tràn qua các đại dương rồi đổ bộ vào đất liền.
Trả lời báo chí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương, Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Động đất thường đi kèm với tiếng nổ, rung lắc mặt đất. Nếu động đất nhỏ sẽ có tiếng nổ như nổ mìn từ xa vọng lại. Nếu động đất lớn ngoài vùng biển kèm theo tiếng động ầm ầm như tiếng tàu hỏa từ xa chạy tới thì khả năng xảy ra sóng thần rất cao. Do vậy, người dân cần bình tĩnh, không hoảng loạn, chạy ngay lên vùng đất trống trên cao.
Theo Viện Vật lý địa cầu, sóng thần có thể di chuyển với vận tốc lên tới 800km/giờ, tùy thuộc vào độ sâu. Sóng thần có thể di chuyển hàng ngàn cây số và quét sạch nơi nó đi qua chỉ vài giờ sau động đất. Thông thường thì động đất với cường độ nhỏ hơn 7,5 độ richter không tạo ra sóng thần cho dù đã có một số trường hợp ngoại lệ được ghi lại...
Thiệt hại có thể xảy ra
Sóng thần có thể đi rất sâu vào trong đất liền, gây ra ngập nhanh chóng, nhanh hơn rất nhiều so với thủy triều và nước dâng do bão. Sức mạnh khổng lồ của sóng thần có thể phá huỷ toàn bộ cảnh quan khu vực và các công trình xây dựng nơi sóng thần đi qua, gây nên những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, con người và môi trường.
Dấu hiệu nhận biết chuẩn bị có sóng thần
Nếu cảm thấy nền đất rung lắc mạnh đến mức không còn đứng vững được, thì nhiều khả năng sẽ xảy ra một trận sóng thần.
Các bong bóng chứa khí gas nổi lên mặt nước làm con người có cảm giác như nước đang bị sôi.
Nước trong sóng nóng bất thường;
Nước có mùi trứng thối (khí hyđro sulfua) hay mùi xăng, dầu;
Nước làm da bị mẩn ngứa;
Nghe thấy một tiếng nổ như là tiếng máy nổ của máy bay phản lực hay tiếng ồn của cánh quạt máy bay trực thăng, hay là tiếng huýt sáo;
Biển lùi về phía sau một cách đáng chú ý;
Mây đen vần vũ đầy trời;
Vệt sáng đỏ ở đường chân trời;
Khi sóng thần ập vào bờ, sẽ có tiếng gầm rú giống như chuyến tàu hỏa đang đến gần;
Hàng triệu con chim hải âu bay ngược biển…
Lúc 14h46 (giờ đại phương) ngày 11/3/2011, đại địa chấn Honshu có độ lớn 9,1 khởi phát ngoài khơi hòn đảo Honshu ở phía Đông Bắc Nhật Bản, gây ra sóng thần cao đến 40m ập vào đất liền, phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó.
Theo thống kê chính thức, thảm họa kép động đất kèm sóng thần ngày 11/3/2011 đã làm 15.899 người thiệt mạng với 2.572 người vẫn mất tích và được cho là đã chết, hơn 6.000 người bị thương. Nhiều thị trấn ở Nhật Bản bị xóa sổ khỏi bản đồ.
Tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima nằm gần bờ biển, sóng thần tấn công đã làm hỏng hoàn toàn các hệ thống làm mát thanh nhiên liệu hạt nhân, gây ra thảm hoạ nghiêm trọng, khiến các vùng dân cư xung quanh bị nhiễm phóng xạ. Nhiều nơi 10 năm sau con người vẫn chưa thể sinh sống trở lại.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dong-dat-lien-tiep-o-kon-tum-khi-nao-dong-dat-dan-den-song-than-179220830154720375.htm