Doanh nghiệp Việt dễ bị lừa đảo thương mại vì... cả tin?

PV
15:43 - 24/08/2022

Theo các chuyên gia, vì thiếu kinh nghiệm trong phòng ngừa, đối phó nên các doanh nghiệp Việt dễ mắc bẫy lừa đảo, tranh chấp thương mại.

Doanh nghiệp Việt dễ bị lừa hơn các nước khác

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 52% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ từng bị lừa đảo, hoặc gặp phải các tội phạm kinh tế khác trong 2 năm trước thời điểm khảo sát. Điều đáng nói, con số này cao hơn mức 46% chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam gặp tình trạng lừa đảo nhiều hơn so với các nước trên thế giới.

Được biết, tội phạm lừa đảo từ bên ngoài với doanh nghiệp Việt thường là khách hàng, trung gian, đại lý, chứ không phải hacker, hay băng nhóm tội phạm.

Doanh nghiệp Việt dễ bị lừa đảo thương mại vì... cả tin? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Việt Nam gặp tình trạng lừa đảo cao hơn so với các nước trên thế giới.
Ảnh minh họa: VTV

Điều đáng nói là dù bị lừa đảo nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại chia sẻ rằng họ không muốn báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước biết, theo khảo sát cảu VCCI. Nguyên nhân là do không tin tưởng vào năng lực chuyên môn cơ quan nhà nước, cũng như lo ngại thông tin bị lộ, lọt ra công chúng.

Trước tình hình không ít doanh nghiệp nội địa bị lừa, Bộ Công Thương và VCCI từng nhiều lần thông tin về những trường hợp, khả năng rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu nhưng vẫn có những sự việc đáng tiếc xảy ra. Điển hình như vụ 5 doanh nghiệp suýt mất trắng hàng chục container điều xuất sang Italy hồi đầu tháng 3. 

Thông tin về vụ việc, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết theo thông tin ban đầu, các doanh nghiệp bị lừa đảo gần 100 container điều khi xuất sang Italy. Nhưng sau khi xác thực lại, con số chính xác là 76 container gặp sự cố. Vụ việc sau đó đã được giải quyết kịp thời và Việt Nam đã giành lại được toàn bộ lô hàng.

Bị lừa do... tin tưởng

Khi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam thì thấy các biện pháp chống lừa đảo của họ ít hơn so với thế giới.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI

Phân tích nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt bị lừa trong vụ việc xuất khẩu điều, ông Bạch Khánh Nhựt cho rằng nguyên nhân chính là do quá tin tưởng vào công ty môi giới khi đã làm việc với nhau 15 năm. Từ đó, các doanh nghiệp này đã không kiểm tra thông tin đối tác mà trực tiếp gửi hàng đi. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán công sứ Việt Nam tại Italy, người trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trong vụ lừa đảo, cũng cho rằng các doanh nghiệp điều Việt Nam trong trường hợp này đã bỏ qua khâu kiểm tra, xác tín đối tác nên dẫn đến bị lừa.

Thông tin thêm, ông Thanh cho biết khi thương vụ Việt Nam tại Italy hỗ trợ doanh nghiệp, đi kiểm tra, hầu hết công ty nhập khẩu tại đây đều có địa chỉ là nhà dân thường, ở vùng sâu vùng xa, không hoạt động, thậm chí có công ty là ngôi nhà bỏ hoang giữa cánh đồng...

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI nhận định: "Các lừa đảo và tranh chấp mà doanh nghiệp thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, có thể từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm".

Giải pháp

Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, ông Nguyễn Đức Thanh khuyến nghị kiểm tra xác tín đối tác là yêu cầu đầu tiên, bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa.

Các doanh nghiệp có thể kiểm tra địa chỉ công ty đối tác qua Google Map, gọi video để kiểm tra nhà máy, xưởng của đối tác..., hay có thể mua báo cáo tài chính của đối tác để xác thực. Thậm chí, doanh nghiệp cũng có thể nhờ thương vụ, đại sứ quán Việt Nam ở các nước giúp đỡ, xác minh đối tác nước ngoài.

"Nếu nhờ dịch vụ hay các công ty môi giới, ngoài việc chi hoa hồng cần phải đề nghị công ty môi giới cho giao dịch trực tiếp với đối tác", ông Thanh khuyến cáo.

Sự an toàn, tin cậy luôn cần phải trả bằng chi phí. Đây là điều tưởng như hiển nhiên, đơn giản nhưng không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng thực hiện được.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI

Còn ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, muốn kinh doanh quốc tế an toàn, trước tiên, doanh nghiệp phải tự hoàn chỉnh mình, có nhân lực tốt, bộ máy tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với các cơ quan thương vụ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp trong sử dụng các dịch vụ pháp lý.

"Lúc làm ăn thuận lợi phải tính khi rủi ro. Sự an toàn, tin cậy luôn cần phải trả bằng chi phí. Đây là điều tưởng như hiển nhiên, đơn giản nhưng không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng thực hiện được. Các doanh nghiệp nên dựa vào các doanh nghiệp đi trước, các hiệp hội, ngành hàng, chuyên gia giỏi hỗ trợ trong hoạt động xuất khẩu", ông Tuấn nêu.

Về dài hạn, ông nói cần hình thành được một thị trường pháp lý vận hành hiệu quả. Ở đó các luật sư tốt, nhiều kinh nghiệm quốc tế để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong các giao dịch làm ăn lớn ở quy mô quốc tế.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/doanh-nghiep-viet-de-bi-lua-dao-thuong-mai-vi-ca-tin-179220824144539365.htm