Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Hà Nội tập trung toàn diện cho phòng chống dịch
Theo Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do số ca mắc theo tuần tăng nhanh trong 4 tuần gần đây và sớm hơn so với cùng kỳ các năm trước khoảng 1,5 tháng.
Dịch sốt xuất huyết đến sớm, số ca mắc có xu hướng tăng nhanh
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 14/8, toàn thành phố ghi nhận 3.512 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 76%). Bệnh nhân có xu hướng gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 500-600 trường hợp mắc. Số ca mắc tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (753 ca mắc, 0 ca tử vong).
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết như: Thạch Thất (537 ca mắc); Thanh Trì (342 ca mắc); Hoàng Mai (282 ca mắc); Bắc Từ Liêm (266 ca mắc); Hà Đông (206 ca mắc)… Qua kết quả kiểm tra, giám sát của ngành y tế cho thấy về cơ bản dịch sốt xuất huyết không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu tại các địa bàn, để sót nhiều ổ bọ gậy, chỉ số bọ gậy sau xử lý đều cao vượt ngưỡng nguy cơ dẫn đến lây lan, bùng phát kéo dài.
Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, giám sát công tác thu dung, điều trị, đảm bảo giường bệnh để đáp ứng điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Tổng số giường kế hoạch tại các bệnh viện phục vụ cho điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là 712 giường và thực kê 1.104 giường.
Số bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue hiện tại đang điều trị tại các bệnh viện là 776 người. Các bệnh viện có nhiều bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết là Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (100 bệnh nhân), Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội (79 bệnh nhân), Bệnh viện Thanh Nhàn (68 bệnh nhân).
Dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp
Ngành y tế nhận định, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do số ca mắc theo tuần tăng nhanh trong 4 tuần gần đây và sớm hơn so với cùng kỳ các năm trước khoảng 1,5 tháng.
Dự báo đỉnh dịch năm 2023 có thể rơi vào khoảng tháng 9-10, tương tự như những năm ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết như năm 2015 (15.412 ca); năm 2019 (12.255 ca); năm 2022 (19.771 ca).
Thêm vào đó, điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển muỗi truyền bệnh, kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch và nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.
Giám sát ca bệnh, ổ dịch và tình hình muỗi truyền dịch để đánh giá nguy cơ, cảnh báo dịch
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành các kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, phân công cụ thể vai trò, trách nhiệm của các đơn vị trong ngành trong hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Chỉ đạo các quận/huyện/thị xã tham mưu chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch/đề án chủ động phòng chống sốt xuất huyết với phương châm "4 tại chỗ" và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch…
Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chủ động phối hợp với các quận/huyện/thị xã tổ chức giám sát ca bệnh, giám sát ổ dịch và giám sát tình hình muỗi truyền dịch để đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch.
Trong 7 tháng đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã thực hiện giám sát chủ động tại 69 bệnh viện trong và ngoài công lập với hơn 3.800 lượt giám sát, trung bình 2 lượt/tuần. Thực hiện giám sát véc tơ truyền bệnh 657 lượt điểm thuộc 5 khu vực theo đặc điểm nhà ở, dân cư. Công tác giám sát ổ dịch cũ được thực hiện đúng kế hoạch.
Trong năm 2023, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đã giám sát 1.432/1.432 ổ dịch cũ, đạt 100% kế hoạch. Ngoài ra, trung tâm cũng thực hiện giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết năm 2023 với 38 lượt giám sát. Đa số các ổ dịch đều được điều tra, xử lý theo đúng quy định.
Đặc biệt, tính đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã thực hiện 928 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy đạt 82% chỉ tiêu kế hoạch. Thực hiện phun hóa chất diệt muỗi tại 100% các ổ dịch, triển khai 7 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 3 quận, huyện.
Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết
Tại buổi giao ban công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác trên người trên địa bàn Hà Nội ngày 16/8, đại diện các quận, huyện, thị xã có số mắc sốt xuất huyết cao hiện nay gồm: Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Hà Đông, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì, Hoài Đức… đã có báo cáo nhanh về các biện pháp triển khai phòng chống dịch trên địa bàn, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch.
Tại Thạch Thất, 2 xã có ổ dịch phức tạp, kéo dài, ghi nhận nhiều bệnh nhân là Phùng Xá (thôn Vĩnh Lộc và thôn Bùng) và Hữu Bằng (thôn Sen và thôn Bàn). Đây là các làng nghề và người dân chưa quan tâm đến công tác diệt bọ gậy chủ động phòng sốt xuất huyết. Tại quận Bắc Từ Liêm tập trung nhiều trường học, nhiều nhà trọ, sinh viên các trường đại học, cao đẳng từ các tỉnh lân cận về Hà Nội nhập học khiến cho công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh hiện nay, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu các Sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát lại toàn bộ các điều kiện phòng chống dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ với 4 nhóm biện pháp cơ bản: Tập trung tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân, từng hộ gia đình các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Thực hiện tổng vệ sinh môi trường tại từng khu dân cư, từng hộ gia đình kết hợp tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh diệt bọ gậy là biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất. Kiểm tra, giám sát kỹ phát hiện sớm bệnh nhân để khoanh vùng, xử lý kịp thời, dứt điểm ổ dịch, ca bệnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu các địa phương thực hiện báo cáo hàng tuần về Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố để chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vấn đề còn khó khăn của từng địa phương.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn truyền bệnh, bệnh có thể gây thành dịch và nguy cơ tử vong.
Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh sau đó truyền cho người lành.
Hiện nay là thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết bắt đầu gia tăng theo chu kỳ hàng năm, do nắng nóng xen kẽ các trận mưa tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển.
Biện pháp hiệu quả phòng bệnh sốt xuất huyết là loại trừ nơi đẻ trứng của muỗi vằn, loại trừ ổ bọ gậy, diệt muỗi vằn truyền bệnh và không để muỗi đốt.
Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân cần chủ động thực hiện một số biện pháp sau:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để hạn chế chỗ cho muỗi sinh sản và phát triển như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, các dụng cụ chứa nước khác như" xô, thùng, chậu, chai, lọ, …
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như xô, thùng, chậu, lọ hoa…; lật úp các dụng cụ không chứa nước không sử dụng.
Hàng tuần mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình dành ít nhất 10 phút để vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt như ngủ màn ngay cả ban ngày; sử dụng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch và trong các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy.
Khi có biểu hiện sốt cao liên tục cần đến ngay cơ sở y tế để được khám chữa và tư vấn điều trị, đồng thời thông báo cho Trạm Y tế địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Không tự ý điều trị tại nhà.