Đề thi thử tốt nghiệp Ngữ văn: Sự cần thiết phải có khát vọng "bay xa" trong cuộc đời
Câu nghị luận xã hội đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Quế Võ 3, tỉnh Ninh Bình, yêu cầu học sinh bàn về sự cần thiết phải có khát vọng "bay xa" trong cuộc đời.
Gợi ý đáp án
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.
Câu 2. Theo tác giả, trong lời mẹ hát, đứa con gặp được: Cánh cò trắng, dãi đồng xanh, màu vàng hoa mướp, con gà cục tác lá chanh, cả cuộc đời.
Câu 3. Chỉ ra một trong các biện pháp tu từ: Nhân hóa: Thời gian chạy. Đối lập: Lưng mẹ còng dần xuống - Con ngày một thêm cao.
Hiệu quả: Thể hiện sự xót xa của người con trước dòng chảy vội vã, sự tàn phá của thời gian. Qua đó bộc lộ tình yêu thương và sự biết ơn đối với những vất vả của mẹ để con khôn lớn trưởng thành. Tạo nên cách diễn đạt sinh động, giàu hình ảnh, gợi cảm, tăng tính thuyết phục cho lời thơ.
Câu 4. Hai câu thơ "Lời ru chắp con đôi cánh/ Lớn rồi con sẽ bay xa" có ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi người con: Nó nhắc nhở chúng ta về vai trò, ý nghĩa những lời ru của mẹ đối với cuộc đời ta.
Lời ru nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người, khích lệ, động viên mỗi người mạnh mẽ trên đường đời. Câu thơ còn như một lời nhắc nhở mỗi người phải sống có ước mơ, sống đẹp, sống có ích trong cuộc đời để xứng đáng với những thương yêu và hi sinh của mẹ.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Sự cần thiết phải có khát vọng "bay xa" trong cuộc đời: Khát vọng bay xa được hiểu là gì? Khát vọng bay xa là những ước mơ, dự định, khát khao đẹp đẽ mà con người mong muốn đạt được trong cuộc đời. Là biểu hiện của lối sống đẹp, sống có ý nghĩa trong cuộc đời.
Tại sao con người cần phải có khát vọng bay xa? Khát vọng bay xa chính là ngọn đuốc sáng trong tim mỗi người, hướng chúng ta đến những điều tốt đẹp.
Có khát vọng đẹp sẽ khiến cuộc đời mỗi người trở nên đẹp đẽ ý nghĩa; là động lực để vượt qua khó khăn thử thách, vươn tới thành công.
Có khát vọng bay xa là cách để ta đáp đền những thương yêu mà gia đình dành cho ta, là cách ta lan tỏa năng lượng tích cực tới mọi người xung quanh.
Nếu không có khát vọng, con người sẽ sống một đời quẩn quanh, chật hẹp, nhàm chán, không đạt được những thành tựu lớn.
Phê phán những người sống không có khát vọng. Tuy nhiên khát vọng bay xa không có nghĩa là viển vông, hão huyền. Nó cần gắn với năng lực và nỗ lực.
Câu 2. Phân tích tâm trạng của nhân vật Mị trong đoạn trích. Từ đó nhận xét về giá trị nhân đạo của tác phẩm.
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận
* Khái quát tâm trạng của Mị trước đêm cởi trói cho A Phủ
- Từ một cô gái xinh đẹp, tài hoa, yêu đời, Mị bị cướp đoạt về làm con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra; bị đọa đày trở nên chai sạn, lầm lụi, câm lặng và vô cảm với mọi thứ.
- Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, Mị thường dậy sưởi lửa, hơ tay để xua tan giá lạnh và sưởi ấm tâm hồn. Những đêm đầu, chứng kiến cảnh A Phủ bị trói đứng vào cột nhà, Mị hoàn toàn dửng dưng, tê dại, kể cả bị A Sử đánh ngã xuống bếp, hôm sau Mị vẫn thản nhiên ra sưởi lửa như đêm trước.
* Phân tích tâm trạng và hành động của Mị trong đêm cứu A Phủ
- Từ vô cảm đến đồng cảm: những đêm trước nhìn thấy cảnh A Phủ bị trói đứng, Mị hoàn toàn dửng dưng, vô cảm. Đêm ấy, dòng nước mắt của A Phủ đã đánh thức và làm hồi sinh lòng thương người trong Mị (gợi cho Mị nhớ về quá khứ đau đớn của mình, Mị thấy thương xót cho người cùng cảnh ngộ).
- Nhận ra sự độc ác và bất công: từ cảnh ngộ của mình và những người đàn bà bị hành hạ ngày trước, đến cảnh đau đớn và bất lực của A Phủ trước mắt, Mị nhận thấy chúng nó thật độc ác, thấy người kia việc gì mà phải chết. Mị bất bình thay cho A Phủ, Mị ý thức được tình cảnh của A Phủ.
* Nghệ thuật
- Đặt nhân vật vào tình huống thử thách. Miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật tinh tế, sâu sắc. Ngôn ngữ sinh động, giàu giá trị biểu cảm. Nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn.
- Nghệ thuật xây dựng chi tiết độc đáo.
* Nhận xét về giá trị nhân đạo của tác phẩm
- Nhà văn yêu thương, cảm thông với số phận người lao động miền núi, thấu hiểu tâm trạng nỗi lòng của nhân vật. Tô Hoài đã góp tiếng nói lên án, tố cáo tội ác tày trời của giai cấp địa chủ phong kiến miền núi đã áp bức, bóc lột nhân dân lao động Tây Bắc, đẩy họ vào số phận trâu ngựa.
- Qua việc khắc họa nhân vật Mị, nhà văn cũng đã phát hiện và trân trọng ngợi ca vẻ đẹp trong phẩm chất cao quý của con người lao động Tây Bắc, đề cao khát vọng chân chính của con người, đồng thời bày tỏ niềm tin mãnh liệt vào sức vươn dậy của họ.
- Nhà văn đã nhìn thấy con đường đến với cách mạng của người dân miền núi. Giá trị nhân đạo đã góp phần làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm, đồng thời cho thấy tấm lòng tha thiết của nhà văn dành cho người lao động miền núi.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-thu-tot-nghiep-ngu-van-su-can-thiet-phai-co-khat-vong-bay-xa-trong-cuoc-doi-179240611180639785.htm