Đề thi Ngữ văn: Mình phải sống như biển rộng sông dài

13:55 - 15/05/2024

Đoạn trích trong tác phẩm "Mình phải sống như biển rộng sông dài" (Xu) được dùng làm ngữ liệu đề thi thử (lần 1) môn Ngữ văn tỉnh Bắc Giang.

Đề thi Ngữ văn: Mình phải sống như biển rộng sông dài- Ảnh 1.

"Mình phải sống như biển rộng sông dài" (Xu) được dùng làm ngữ liệu đề thi thử môn Ngữ văn.

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích:

Bạn bị mất phương hướng ư?

Muốn có phương hướng thì trước hết phải có mục tiêu. Mà muốn có mục tiêu thì phải hiểu mình là ai, mình muốn gì trước đã. Yiruma có bản piano River flows in you (Dòng sông chảy trong tim bạn). Dòng sông chảy về đâu thì chỉ riêng bạn biết. Không ai trả lời thay bạn được.

Phương hướng là thứ không phải bạn cứ ngồi nghĩ ra, mà phải lao vào mà thử. Câu trắc nghiệm có 4 đáp án: A, B, C, D. Bạn phải xem xét cả bốn phương án rồi mới khoanh, chọn một cái. Cuộc sống cũng vậy: Mở rộng lòng mình, dấn thân trải nghiệm, thì mới có B, C, D cho bạn chọn. Còn như hiện tại là bạn chỉ có mỗi A thôi, nên mới mất phương hướng đó. Cứ hành động, cứ dấn thân, cứ tiến bước… Làm gì cũng được, miễn sao là "làm": Đọc một cuốn sách, nghe một bài hát, học một ngôn ngữ mới… Nỗ lực hết sức trong mọi việc, rồi phương hướng mới từ đó xuất hiện. Còn ngồi một chỗ nghĩ mà muốn có phương hướng thì khó lắm bạn ơi! Nghĩ ít đi, phân vân ít thôi và làm nhiều lên nhé!

Một cuốn sách tuyệt với có thể chỉ cho bạn hướng đi, nhưng có đi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Một người thầy vĩ đại có thể từng bước, từng bước kéo bạn thoát ra khỏi bóng tối, nhưng cũng chỉ là nhất thời, (…). Tự bạn phải có ý thức nỗ lực mỗi ngày để bước qua những điều tầm thường trong chính cõi lòng bạn.

(Trích Mình phải sống như biển rộng sông dài, Xu, Nhà xuất bản Thế giới, 2022, trang 139-140)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, muốn có phương hướng thì trước hết phải xác định được điều gì?

Câu 3. Nêu tác dụng của thao tác lập luận so sánh được sử dụng trong đoạn văn sau: "Câu trắc nghiệm có 4 đáp án: A, B, C, D. Bạn phải xem xét cả bốn phương án rồi mới khoanh, chọn một cái. Cuộc sống cũng vậy: Mở rộng lòng mình, dấn thân trải nghiệm, thì mới có B, C, D cho bạn chọn. Còn như hiện tại là bạn chỉ có mỗi A thôi, nên mới mất phương hướng đó."

Câu 4. Từ suy ngẫm của tác giả "Một cuốn sách tuyệt với có thể chỉ cho bạn hướng đi, nhưng có đi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bạn", anh/chị hãy rút ra một bài học lẽ sống cho bản thân.

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của sự dấn thân, trải nghiệm đối với việc xác định phương hướng trong cuộc đời mỗi con người.

Câu 2 (5 điểm)

Trong đoạn trích "Đất Nước" (trích trường ca Mặt đường khát vọng) nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa…" mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn.

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…

Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ trên; từ đó, nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của tác giả trong đoạn thơ.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt nghị luận.

Câu 2. Theo tác giả, muốn có phương hướng thì trước hết phải xác định mục tiêu.

Câu 3. Tác giả đã sử dụng thao tác lập luận so sánh: so sánh cuộc sống mỗi người như câu trắc nghiệm có 4 đáp án: A, B, C, D. Tác dụng, giúp cho người đọc dễ hiểu, dễ hình dung về vai trò, giá trị của việc tạo ra nhiều trải nghiệm, nhiều phương hướng trong cuộc đời, để từ đó có thể chọn hướng đi đúng, phù hợp với bản thân.

Câu 4. Chúng ta cần sống chủ động, tích cực, dấn thân, có mục tiêu sống rõ ràng, lành mạnh, không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu đã đề ra. SỐng là trải nghiệm, khám phá thế giới và khám phá chính mình.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Ý nghĩa của dấn thân, trải nghiệm: Đem lại hiểu biết và kinh nghiệm thực tế , giúp chúng ta trưởng thành về cách nghĩ, cách sống, bồi đắp tình cảm, tâm hồn.

Trải nghiệm giúp mỗi người khám phá chính mình để có những lựa chọn đúng đắn,sáng suốt cho tương lai.

Trải nghiệm giúp mỗi người dấn thân, thử nghiệm để sáng tạo, biết cách vượt qua những trở ngại khó khăn, rèn luyện bản lĩnh, ý chí.

Thiếu trải nghiệm cuộc sống của mỗi người sẽ nghèo nàn, thụ động, nhàm chán, vô ích; không cảm nhận được sự thú vị của cuộc sống.

Câu 2. Phân tích đoạn thơ "Đất Nước", nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của tác giả trong đoạn thơ.

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận

Nguồn gốc ra đời của Đất Nước:

- Viết hoa danh từ Đất Nước: gợi sự trang trọng, thiêng liêng.

- "Đất Nước đã có rồi": Không thể xác định một cách chính xác về nguồn gốc đất nước, tác giả khẳng định bằng cách đưa ra sự thật hiển nhiên.

- Đất nước được tạo dựng từ lâu đời, trải qua nhiều thế hệ -> Khẳng định về sự trường tồn vĩnh cửu của đất nước -> Câu thơ mở đầu vừa giản dị vừa trang trọng xen lẫn sự tự hào.

- Điệp ngữ "Đất Nước" được nhắc lại nhiều lần, nhấn mạnh về nguồn gốc ra đời của đất nước, đồng thời câu thơ dài tạo nhịp điệu dồn dập làm đoạn thơ giàu tính nhạc.

- Đất nước hình thành cùng với sự ra đời của văn học dân gian: Những câu chuyện cổ tích lãng mạn, hồn nhiên, huyền ảo -> Đất nước gần gũi, gắn bó.

- Đất nước ra đời cùng với phong tục tập quán ăn trầu của dân tộc có từ rất xa xưa -> Liên hệ (Miếng trầu là đầu câu chuyện …). Miếng trầu vừa có giá trị vật chất vừa có giá trị tinh thần (tình yêu – tình nghĩa – cầu nối thế hệ) -> Đất nước bắt nguồn từ những điều nhỏ bé, dung dị nhất.

- Đất nước lớn lên cùng truyền thống yêu nước từ ngàn xưa: hình tượng cây tre gắn liền với hình ảnh Thánh Gióng đánh giặc giữ nước -> tinh thần kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam.

- Từ ngữ đắt giá "lớn lên": quá trình trưởng thành, phát triển hùng mạnh.

- Đất nước hiện hữu trong tình nghĩa vợ chồng:

+ "Tóc mẹ thì bới sau đầu": Vẻ đẹp dịu dàng, mộc mạc, đôn hậu của chân dung người phụ nữ Việt Nam.

+ Thành ngữ "gừng cay muối mặn": Tình yêu thủy chung son sắt, bền vững, lối sống coi trọng nghĩa tình -> vẻ đẹp truyền thống ngàn đời.

- Đất nước là hình ảnh văn hóa truyền thống của dân tộc:

+ Cái kèo, cái cột: đơn sơ, giản dị nhưng chính là mái nhà vững chãi che nắng, che mưa -> tục đặt tên con từ những vật thân quen, gần gũi, mộc mạc, sự gắn bó mật thiết với cuộc sống xung quanh -> cơ sở hình thành ngôn ngữ Việt.

+ Hạt gạo là lương thực chính của người dân Việt gắn liền với nền văn hóa lúa nước lâu đời.

+ Thành ngữ "một nắng hai sương": phẩm chất tần tảo, lam lũ, vất vả, chịu thương chịu khó của người dân lao động.

+ Liệt kê những công việc "xay, giã, giần, sàng…": Những công đoạn phức tạp đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo, siêng năng để làm ra hạt gạo trắng ngần.

- "Đất nước ra đời từ ngày đó": Đất nước ra đời từ thăm thẳm chiều sâu của một nền văn hóa dân gian, của phong tục tập quán lâu đời.

- Với Nguyễn Khoa Điềm, đất nước không phải là hình tượng tráng lệ, kỳ vĩ, lớn lao mà gắn bó với cuộc sống của người dân từ những điều giản dị, gần gũi, thân thương nhưng rất thiêng liêng.

Cách tiếp cận mới mẻ về đất nước qua nhiều bình diện: lịch sử, địa lý, văn hoá … Giọng thơ giàu chất suy tư nhưng cũng rất sâu lắng, tha thiết.

Cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của tác giả trong đoạn thơ:

- Chất liệu dân gian được sử dụng rất đa dạng, phong phú, tất cả đều gần gũi, quen thuộc với mỗi con người Việt Nam: Có phong tục, lối sống, tập quán sinh hoạt, vật dụng quen thuộc (miếng trầu, tóc bới sau đầu, cái kèo, cái cột, hạt gạo xay, giã, giần, sàng,… Có ca dao, dân ca, tục ngữ, truyền thuyết, cổ tích.

Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng đậm đặc đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng của đoạn trích, vừa bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa giàu tưởng tượng, bay bổng, mơ mộng.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-ngu-van-minh-phai-song-nhu-bien-rong-song-dai-179240515135543482.htm