Đề thi học sinh giỏi Văn tỉnh Quảng Bình: Cuộc sống là đường chạy ma-ra-tông hay vượt rào?

16:34 - 06/01/2023

Đề Ngữ văn khơi gợi sự sáng tạo, phản biện: Yêu cầu thí sinh trả lời câu hỏi cuộc sống của bạn là đường chạy nào? Đường chạy ma-ra-tông hay đường chạy vượt rào?

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình vừa tổ chức kì thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó đề thi Ngữ văn được nhiều giáo viên đánh giá rất mở, khơi gợi năng lực phản biện cho học sinh.

Đề thi học sinh giỏi Văn tỉnh Quảng Bình: Cuộc sống là đường chạy ma-ra-tông hay vượt rào? - Ảnh 1.

Đề thi học sinh giỏi Văn tỉnh Quảng Bình: Cuộc sống là đường chạy ma-ra-tông hay vượt rào? Đồ hoạ: TTH

Câu nghị luận xã hội: "Cuộc sống là một đường chạy Ma-ra-tông dài vô tận, nếu ta không cố gắng thì sẽ mãi bị bỏ lại ở phía sau và không bao giờ tới đích.

Cuộc sống là một đường chạy vượt rào, nếu ta không cố gắng ta sẽ không thể vượt qua bất kì rào cản nào.(…) Vậy cuộc sống của bạn là đường chạy nào?". Hãy viết bài văn nghị luận trả lời câu hỏi trên.

Câu nghị luận văn học: Có ý kiến cho rằng: "Tác phẩm chỉ là que diêm, người đọc sẽ biến nó thành ngọn lửa". Bằng hiểu biết và trải nghiệm của mình, hãy bình luận ý kiến trên.

Chạy Ma-ra-tông, chạy vượt rào là gì?

Giải thích: "Đường chạy Ma-ra-tông dài vô tận" là đường chạy dài, đòi hỏi con người phải giữ sức, bền bỉ, không bỏ cuộc, cố gắng về tới đích.

"Đường chạy vượt rào": Trên đường chạy có những rào chắn, đòi hỏi sức bật để vượt qua. Có vượt qua được những rào cản mới về được đến đích.

"Đường chạy nước rút": Đoạn chạy cuối trên một đường đua, phải tốc lực để về đích sớm nhất có thể, nếu không cải thiện về tốc độ thì sẽ bị tụt lại sau và trở thành người về đích cuối cùng.

"Đường chạy tiếp sức": có những con đường dài, một mình không đủ sức vượt qua nổi, nên sẽ có những người đảm nhận vị trí của từng đoạn, tiếp nối, tiếp sức cho nhau để nhanh chóng về đích, giành được chiến thắng.

Đường chạy là cách nói hình ảnh, có ý nghĩa biểu tượng nói về con đường đời với những tính chất và yêu cầu, đòi hỏi khác nhau, song có một điểm chung là con người luôn phải cố gắng nỗ lực hết sức, bằng khả năng của bản thân và kết nối với mọi người, để chúng ta đến được một cái đích, đạt được một mục tiêu nào đó đã đặt ra.

Bàn luận: Có thể khẳng định, đường đời của chúng ta không thể chỉ là một trong những con đường trên mà phải là sự tổng hợp linh hoạt của cả bốn con đường, tùy từng chặng, từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Dù ở chặng nào, điều quan trọng và cần thiết để chúng ta vượt qua và chiến thắng là: sự cố gắng nỗ lực của bản thân, sự đoàn kết, chung sức, hợp lực với những người khác.

Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng là những đường chạy, những cuộc đua, những cái đích hữu hạn, hữu hình. Nhưng cuộc sống luôn đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng bền bỉ để có những cuộc "về đích" thật ngoạn mục. Phê phán những người không nỗ lực, không cố gắng trên hành trình sống, đó là những người dựa dẫm, ỷ lại vào người khác.

Bài học: Từ nhận thức đúng đắn về đường đời và điều kiện, sức mạnh để đến đích, mỗi người xác định được ý thức và hành động để mỗi chặng đường đời của mình đều có thể gặt hái nhiều thành công, sự sống nhiều giá trị và ý nghĩa.

Hình ảnh "que diêm" và "ngọn lửa"

Giải thích: "Tác phẩm chỉ là que diêm, người đọc sẽ biến nó thành ngọn lửa": Tác phẩm văn học chỉ chứa đựng những giá trị tiềm ẩn, tiếp nhận của người đọc sẽ khiến những giá trị ấy được hiện hữu, tỏa sáng. Ý kiến nhằm đề cao vai trò của tiếp nhận trong đời sống văn học, trong mối quan hệ với nhà văn - tác phẩm - người đọc.

Bàn luận: Ý kiến "tác phẩm chỉ là que diêm, người đọc sẽ biến nó thành ngọn lửa" hoàn toàn chính xác. Tác phẩm được nhà văn sáng tạo là nghệ thuật ngôn từ với những kí tự, tín hiệu nghệ thuật được mã hóa nằm im trên trang sách không có tính vật chất vật thể để tồn tại khách quan như hội họa, điêu khắc… Tác phẩm ngôn từ là cấu trúc mời gọi, chờ đợi được giải mã, chỉ thực sự sống nếu được tiếp nhận và thường thức (dẫn chứng).

Khi tiếp nhận văn học, người đọc thâm nhập, giải mã hệ thống hình tượng, hòa mình vào tác phẩm để thể nghiệm và đồng sáng tạo. Nhờ đó, những giá trị tiềm ẩn của tác phẩm được đánh thức. Tiếp nhận của người đọc truyền sự sống, thổi linh hồn vào tác phẩm, biến những tín hiệu mã hóa thành những hình tượng nghệ thuật sống động và chân thực trong tâm hồn mình như que diêm được cháy lên thành ngọn lửa (dẫn chứng).

Mở rộng: Người đọc không thể lười biếng, dửng dưng mà phải nhập cuộc bằng tất cả cảm xúc và vốn sống mới khiến thế giới hình tượng trong tác phẩm sống dậy. Mỗi người đọc có cảm xúc và vốn sống riêng nên ngọn lửa cháy lên sẽ có ánh sáng riêng. 

Tiếp nhận của người đọc chủ động và sáng tạo nhưng không thể tùy tiện mà phải bắt nguồn từ những tín hiệu nghệ thuật đã được mã hóa; nhà văn phải dùng cách viết khơi gợi, ẩn ý dành cho người đọc những khoảng trống đồng sáng tạo.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-hoc-sinh-gioi-van-tinh-quang-binh-cuoc-song-la-duong-chay-ma-ra-tong-hay-vuot-rao-179230106093721257.htm