Đề khảo sát Ngữ văn: Cần phải làm gì khi đối diện với những vết thương lòng?
Câu nghị luận xã hội đề khảo sát (lần 2) Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Hồng Bàng yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ về việc cần phải làm gì khi đối diện với những vết thương lòng.
Gợi ý đáp án
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phong cách ngôn ngữ: nghệ thuật.
Câu 2. "Hạt cát" còn được Nguyễn Tuân gọi là: hạt bụi biển, hạt buốt sắc, hạt đau, hạt xót.
Câu 3. Tác giả kể ra câu chuyện trai làm ngọc có tác dụng: Câu chuyện trai làm ngọc kể về hiện tượng trong đời sống tự nhiên, một loài sinh vật sống đã chiến thắng sự xâm hại của ngoại cảnh, để tạo ra một sản vật quý hiếm cho đời.
Tác dụng: Làm cho câu chuyện kể về nghề viết của tác giả trở nên sinh động, cụ thể, dễ hiểu, lôi cuốn bạn đọc. Từ hiện tượng của đời sống tự nhiên, dẫn dắt người đọc đi đến nhận thức về bài học cuộc sống một cách đầy thuyết phục: phải trải qua khó khăn, đau đớn mới có thể đạt được thành công, hạnh phúc.
Câu 4. Khó khăn, thử thách là một phần tất yếu của cuộc sống, phải biết chấp nhận và vượt qua. Chỉ có những ai kiên cường, nỗ lực, mạnh mẽ chiến thắng… mới có được niềm vui.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Suy nghĩ về việc cần phải làm gì khi đối diện với những vết thương lòng.
- Giải thích: Vết thương lòng hay còn gọi là vết thương tâm lý là những tổn thương trong tận cõi lòng (tâm hồn), ví dụ: bị ngược đãi, bị phản bội trong các mối quan hệ, chứng kiến cảnh tượng hãi hùng, bị sốc tâm lí.
- Ý nghĩa: vết thương lòng nếu không được nhận diện, chữa trị kịp thời nó sẽ để lại hậu quả nặng nề đến sức khoẻ tinh thần và thể chất, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, tính cách con người. Nhưng nếu vượt qua được, vết thương lòng sẽ là cơ hội để tôi luyện, hoàn thiện con người.
- Khi đối diện với những vết thương lòng: Nhận diện rõ vết thương lòng của mình để tìm cách chữa trị phù hợp. Tìm đến người trong cuộc để tháo gỡ nếu có thể. Bản thân luôn nỗ lực, hướng đến những điều tích cực để vượt qua: tăng cường sự kết nối với thiên nhiên. Mở lòng hơn với mọi người xung quanh để chia sẻ, đón nhận sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân. Sống bao dung độ lượng…
Câu 2. Cảm nhận về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên, từ đó nhận xét về cái nhìn mang tính khám phá, phát hiện về dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm giới thiệu đoạn trích
* Cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương trong đoạn trích
- Sông Hương trong cuộc "tìm kiếm có ý thức" để gặp thành phố tương lai của nó:
+ Tác giả ví von sông Hương như một "người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại": gợi liên tưởng thú vị tới truyện cổ tích "Nàng công chúa ngủ trong rừng". Đó là vẻ đẹp mơ màng, trong sáng, đầy quyến rũ của dòng sông.
+ Dòng sông "chuyển dòng liên tục", "vòng đột ngột", "uốn mình theo những đường cong thật mềm", "vẽ một hình cong thật tròn… ôm lấy đồi Thiên Mụ, vượt qua vực sâu… đi giữa âm vang… trôi đi giữa hai dãy đồi…"
+ Trong cái nhìn đầy tình tứ và lãng mạn của nhà văn đoạn chảy này như một "cuộc tìm kiếm có ý thức" của một người tình đích thực về với thành phố tương lai của nó, giống như trong một câu chuyện cổ tích về tình yêu, phô khoe tất cả vẻ đẹp gợi cảm của người thiếu nữ với những đường cong quyến rũ với người tình mong đợi của người gái đẹp.
- Sông Hương mềm mại, duyên dáng và huyền ảo trong sắc nước biến đổi diệu kì: Đi trong dư vang của Trường Sơn, sắc nước trở nên xanh thẳm, mềm như tấm lụa. Mảng phản quang nhiều màu sắc "sáng xanh trưa vàng, chiều tím".
- Sông Hương trầm mặc, u tịch như triết lí như cổ thi:
+ Sông Hương thấm vào lòng mình vẻ đẹp "u tịch" của rừng thông, vẻ đẹp "trầm mặc… như triết lý, như cổ thi".
+ Khi thoát ra khỏi những vực sâu, những núi đồi, những lăng tẩm u buồn… dòng sông như bừng sáng tươi tắn khi gặp mênh mang "tiếng chuông chùa Thiên Mụ". Dòng sông mang trong nó những trầm tích văn hoá, lịch sử lâu đời.
* Đánh giá
- Đoạn trích sử dụng bút pháp miêu tả, nhân cách hoá, so sánh, liên tưởng độc đáo. Ngôn ngữ vừa trí tuệ vừa giàu chất thơ, chất hoạ.
- Giọng văn mượt mà, truyền cảm. Bài ký rất tiêu biểu cho phong cách của Hoàng Phủ Ngọc Tường: kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén và suy tư đa chiều, lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.
* Nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện của nhà văn về dòng sông
- Nhà văn phát hiện dòng sông giống như một người con gái mang vẻ đẹp dịu dàng, tình tứ, quyến rũ "người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại".
- Trong cái nhìn đầy tình tứ và lãng mạn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: khám phá ra sông Hương trong đoạn chảy này dòng chảy của nó như một "cuộc tìm kiếm có ý thức" của một người tình đích thực khôn ngoan, luôn biết tự làm mới mình, trang điểm cho mình trước khi đến gặp người tình mà nó mong đợi.
- Cái nhìn thể hiện khả năng quan sát tinh tế, trí liên tưởng, tưởng tượng phong phú, tài hoa.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-khao-sat-ngu-van-can-phai-lam-gi-khi-doi-dien-voi-nhung-vet-thuong-long-179240617221049689.htm