Để dạy môn tích hợp, giáo viên phải toàn năng như thế nào?

06:41 - 13/09/2023

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc trung học cơ sở có 2 môn mới đó là Lịch sử và Địa lí và Khoa học tự nhiên. Điều này đồng nghĩa với việc các giáo viên vốn dạy đơn môn sẽ phải chuyển sang dạy tích hợp liên môn.

Để dạy môn tích hợp, giáo viên phải toàn năng như thế nào? - Ảnh 1.

Dạy môn tích hợp là thách thức của giáo viên. Ảnh: Ngọc Ánh

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sẽ chủ động phân công giáo viên dạy môn học tích hợp và có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.

Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lí cho biết giáo viên phải tham gia bồi dưỡng 3 tháng để lấy chứng chỉ dạy tích hợp.

Thế nhưng, việc đào tạo lại (kể cả đào tạo mới) giáo viên để dạy những phân môn tích hợp chắc chắn sẽ bất cập vì những lí do sau đây:

Thứ nhất, nhiều giáo viên bậc trung học cơ sở trước đây tốt nghiệp các chuyên ngành ghép như: Ngữ văn- Lịch sử; Lịch sử – Địa lí; Hóa học – Sinh học, hiện tại đang dạy các môn chính như: Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí; Hóa học bởi vì ở trường cao đẳng không đào tạo kiến thức theo kiểu 50/50 – ví dụ 50% chương trình Ngữ văn và 50% Lịch sử.

Hơn nữa, lúc đăng kí dự thi vào ngành sư phạm, hầu như học sinh chỉ yêu thích một môn nên ai cũng mong muốn được học chuyên ngành nhất định mà thôi. Đến khi trở thành sinh viên, người thầy tương lai mới được học thêm chuyên ngành ghép. Tuy vậy, chuyên ngành ghép chỉ là chuyên ngành phụ, giáo viên dạy chuyên ngành phụ trong trường hợp nhà trường thiếu nhân sự và đây là chuyện bất đắc dĩ.

Ví dụ, giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn - Lịch sử thì hầu như họ được phân công dạy Ngữ văn. Nếu buộc kiêm nhiệm thêm môn Lịch sử thì trong chừng mực nào đó giáo viên vẫn dạy được. Cũng có trường phân công giáo viên Ngữ văn dạy thêm môn Giáo dục công dân nhưng gọi là "chữa cháy".

Thế nhưng, giáo viên ngành Lịch sử - Địa lí (Lịch sử là chính) thì khó dạy tốt Địa lí, bởi môn này liên quan đến nhiều kiến thức tự nhiên như: khí hậu, thời tiết, tài nguyên, thổ nhưỡng, địa lí thực vật, các vấn đề về môi trường, tai biến thiên nhiên… Và đã có nhiều trường hợp học sinh hỏi kiến thức địa lí nhưng giáo viên không giải thích được là do thiếu chuyên sâu chuyên môn.

Thứ hai, việc đào tạo lại giáo viên để dạy phân môn tích hợp, cho dù ngành giáo dục có cố gắng đến đâu chăng nữa thì cũng khó nâng cao kiến thức cho thầy cô giáo, bởi vì việc bồi dưỡng chỉ được thực hiện ở một số thời điểm ngắn ngủi trong năm học.

Chẳng hạn, giáo viên chỉ có thể học vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, thời gian nghỉ hè hoặc học online (trực tuyến). Tuy vậy, công việc chính của người thầy vẫn là giảng dạy, quản lí giáo dục học sinh, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành nhiều lọai hồ sơ sổ sách thì lấy đâu ra thời gian để tập trung học tập.

Cũng có Phòng Giáo dục và Đào tạo có cách làm hay nhằm giúp thầy cô giáo gỡ rối khi dạy môn tích hợp đó là, tổ chức cho giáo viên cốt cán đến các nhà trường để dự giờ, tư vấn, đồng thời có tiết dạy minh hoạ, cùng chia sẻ với giáo viên trên địa bàn.

Cùng với đó, tại mỗi trường đều xây dựng một phòng học kết nối chung để đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn liên môn, liên trường, đặc biệt tập trung vào các vấn đề chung. Tuy vậy, không phải giáo viên nào cũng có khả năng "tiêu hóa" kiến thức trái chuyên môn, nhất là thầy cô giáo lớn tuổi. Phương án này vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề dạy tích hợp một cách căn cơ.

Thứ ba, việc đào tạo mới giáo viên mới để dạy môn tích hợp cũng còn quá nhiều điều phải bàn, bởi vì lấy đâu ra học sinh toàn năng về năng lực, phẩm chất vào học sư phạm? Học sinh giỏi Toán, Vật lí, Hóa học, rất hiếm em chọn ngành sư phạm để ra làm thầy dạy môn Khoa học tự nhiên. Học sinh giỏi nhiều chuyên môn thường chỉ chọn một chuyên ngành chuyên sâu ở bậc đại học để có nhiều cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Nhiều trường trung học phổ thông tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh không phân công một giáo viên dạy môn Toán mà giao cho 2 người dạy đại số và hình học riêng. Thực tiễn dạy học cho thấy, có nhiều giáo viên giỏi toán nhưng họ chỉ dạy giỏi phần đại số còn phần hình học thì bị học sinh chê.

Kể cả môn Ngữ văn chương trình mới, mặc dù tên gọi là Ngữ văn (tiếng Việt và văn) nhưng giáo viên cơ bản vẫn dạy riêng 3 nội dung: văn, tiếng việt và tập làm văn. Thông thường, giáo viên dạy học sinh giỏi môn Ngữ văn cũng chia làm 2 mảng: nghị luận xã hội và nghị luận văn học do 2 người phụ trách khác nhau.

Khách quan mà nói, vẫn có giáo viên giỏi có thể dạy được môn tích hợp nhưng chỉ là số ít. Điều cần bàn, chưa có chương trình tích hợp đúng nghĩa, chưa có giáo viên tích hợp thì rất khó để dạy tích hợp thành công. Giáo viên cả nước rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo dừng môn tích hợp ở khối lớp 8 để tìm thêm phương án khả thi.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-day-mon-tich-hop-giao-vien-phai-toan-nang-nhu-the-nao-179230912214753201.htm