Đăng tải nội dung sai sự thật lên mạng xã hội bị phạt bao tiền?
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc phát tán tin giả, tin sai sự thật lên mạng xã hội liên tiếp xảy ra và có chiều hướng gia tăng, tạo ra dư luận không tốt. Vậy theo quy định pháp luật, đăng tải nội dung sai sự thật lên mạng xã hội bị xử phạt thế nào?
Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng phát tán tin giả, đăng tải nội dung sai sự thật lên mạng xã hội liên tiếp xảy ra và có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, có thể kể đến như: người dùng mạng xã hội muốn tạo sự chú ý để nổi tiếng nhanh chóng hay giữ chân công chúng trong bối cảnh bội thực thông tin; tạo dựng thông tin sai sự thật, phát tán trên không gian mạng, nhất là trên các nền tảng TikTok, Facebook nhằm thu hút người dùng tương tác để thu lợi nhuận từ việc kinh doanh...
Ngày 12/1, cộng đồng mạng đã dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về câu chuyện TikToker Vũ Minh Lâm "tố" bị đuổi khỏi quán ở Hà Nội vì ngồi xe lăn, kỳ thị người khuyết tật.
Nhiều người nghi ngờ về tính xác thực về bài viết mà Lâm đã đăng tải lên Facebook và yêu cầu cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra làm rõ để cảnh cáo hành vi tung tin giả, làm mất hình ảnh Hà Nội trong lòng du khách cũng như gây nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội.
Hay trước đó vào ngày 3/1, ông Hứa Quốc Anh (người sử dụng tài khoản TikTok "Hứa Quốc Anh") đã bị cơ quan chức năng phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải video có nội dung không đúng sự thật liên quan đến đền Angkor Wat (Campuchia).
Cụ thể, tháng 11/2023, ông Hứa Quốc Anh đã đăng tải video có thời lượng hơn 1 phút với nội dung mô tả buổi chụp ảnh tại đền Angkor Wat (Campuchia). Đáng chú ý, trong video này, ông Hứa Quốc Anh đã lồng âm thanh "Hello Thái Lan" kèm theo hình ảnh Quốc kỳ và Quốc vương Thái Lan.
Hành động này của ông Hứa Quốc Anh được xem là không tôn trọng văn hóa và chủ quyền quốc gia của các nước láng giềng, gây chia rẽ giữa các quốc gia Việt Nam - Campuchia - Thái Lan.
Đăng nội dung sai sự thật lên mạng sẽ bị xử lý như thế nào?
- Xử phạt hành chính: Căn cứ vào Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Mức phạt này áp dụng với tổ chức vi phạm, còn cá nhân vi phạm thì mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt trên (từ 5-10 triệu đồng).
Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện các hành vi vi phạm trên.
- Xử lý hình sự: Trường hợp cơ quan điều tra xác định các thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác (theo Điều 155), Tội vu khống (theo Điều 156), Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Người cung cấp thông tin sai sự thật có thể phải bồi thường thiệt hại nếu xâm phạm và gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo đó, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút hoặc thiệt hại khác do luật quy định.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận.
Trường hợp không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trước những vụ việc gây dư luận xấu và ồn ào không đáng có, người dùng mạng xã hội được khuyến cáo nên thận trọng với thông tin cá nhân đăng tải trên Internet; cần đảm bảo thông tin công khai không vi phạm Luật An ninh mạng; không cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, với tốc độ thông tin lan truyền nhanh chóng của mạng Internet, người dùng mạng xã hội cần cập nhật kiến thức, không ngừng học hỏi, đảm bảo bản thân được tiếp cận nguồn thông tin đúng, chính xác, tin cậy. Tránh nhân lên các thông tin xấu độc, tạo ra môi trường thông tin xã hội độc hại với cộng đồng người dùng, vi phạm các chính sách cơ bản của các nền tảng mạng xã hội.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dang-tai-noi-dung-sai-su-that-len-mang-xa-hoi-bi-phat-bao-tien-17924011618512728.htm