Đại tướng Võ Nguyên Giáp - từ thầy giáo dạy sử đến viết lên lịch sử dân tộc
"Xin nhớ, tôi là vị tướng chiến đấu vì hòa bình. Nếu không trở thành người lính, có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo, có thể dạy triết học hoặc lịch sử” - câu nói bất hủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện quan điểm yêu chuộng hoà bình của cả dân tộc Việt Nam, đại diện cho truyền thống hiếu học của người Việt.
Thầy giáo Võ Nguyên Giáp: "Tôi sống ngày nào vì đất nước ngày đó"
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn.
Ông sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Năm 1925, khi còn là học sinh trường Quốc học (Huế), Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh, bãi khóa ở trường Quốc học; tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (năm 1927); tham gia phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh.
Năm 1930, Võ Nguyên Giáp bị thực dân Pháp bắt giữ và bị giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế). Cuối năm 1931, Võ Nguyên Giáp được trả tự do. Khi ra tù, mất liên lạc với tổ chức, Võ Nguyên Giáp ra Hà Nội dạy học ở Trường Tư thục Thăng Long.
Trường Tư thục Thăng Long được thành lập năm 1920 là một trong những trường tư thục lâu đời nhất ở Bắc Kỳ. Trường được thành lập theo sáng kiến của ông Phạm Hữu Ninh - thành viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ.
Năm 1934, sau khi đỗ Tú tài triết học, Võ Nguyên Giáp ghi tên vào học trường Luật. Vừa đi học đại học, sinh viên Võ Nguyên Giáp vừa xin làm giáo viên Trường Tư thục Thăng Long để kiếm sống.
Năm 1935, khóa học đầu tiên của trường được khai giảng, trở thành một sự kiện vang dội ở Hà Nội lúc bấy giờ.
Trong 5 năm giảng dạy môn Lịch sử tại trường Tư thục Thăng Long (1935-1940), thầy Võ Nguyên Giáp dạy cả lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Nhiều tướng lĩnh cao cấp của quân đội Việt Nam vốn là cựu học sinh trường Tư thục Thăng Long thuở ấy như Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Lê Quang Đạo, Trung tướng Phạm Hồng Cư… thường nhắc đến những bài dạy lịch sử và đầy nhiệt huyết của thầy Võ Nguyên Giáp.
"Bài học mà như là chuyện kể, rất lôi cuốn: Đánh chiếm ngục Baxti, Ý nghĩa của ba chữ Tự do - Bình đẳng - Bác ái… Bài học ấy khơi dậy trong người học, lòng yêu dân, yêu nước, chống áp bức, cường quyền, chống bất bình đẳng, mất tự do.
Với giọng nói say sưa, gần gũi và thân thiện với học trò, hình ảnh thầy giáo Võ Nguyên Giáp đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ học trò với tất cả hình ảnh đẹp về một người thầy đáng kính thông qua những bài giảng lịch sử hấp dẫn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - từ thầy giáo dạy sử, viết lên lịch sử dân tộc
Năm 1990, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn nhà báo kiêm sứ giả người Mỹ Stanley Karnow, tác giả của cuốn sách " Vietnam - a History", ông đã nói: "Xin nhớ, tôi là vị tướng chiến đấu vì hòa bình. Nếu không trở thành người lính, có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo, có thể dạy Triết học hoặc Lịch sử".
Chính bởi xuất phát điểm của Đại tướng là một giáo viên Lịch sử nên ông đọc nhiều về lịch sử và tìm được ở đó rất nhiều bài học quý giá. Những kiến thức của thầy giáo Võ Nguyên Giáp không chỉ tập trung vào những sự kiện lịch sử tiêu biểu mà còn nêu bật những tấm gương khí phách anh hùng của dân tộc như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu…
Phân tích rõ sự tài ba xuất sắc về chiến thuật, về quy mô, tầm vóc và tư tưởng quân sự của các vị anh hùng dân tộc như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt coi trọng nền văn hóa truyền thống của các thế hệ cha ông đi trước. Đó là nền văn hóa truyền thống thể hiện triết lý sống, triết lý hành động gắn với thực tiễn được nhân dân ta ghi vào lịch sử thành thơ văn, ca dao, tục ngữ.
Tất cả truyền thống ấy mở đường lòng yêu nước thương nòi và dần dần hình thành nên chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc mang đậm chất Việt Nam. Những kiến thức lịch sử ấy đều được Đại tướng vận dụng xuất sắc vào thực tiễn chiến trường.
Trên cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội của một quốc gia nhưng không trải qua một lớp quân sự bài bản nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đọc và tìm hiểu nhiều về lịch sử. Đại tướng biết và hiểu rõ về những chiến thắng và rút ra nhiều bài học quý giá từ quá khứ hào hùng của dân tộc như trận Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền, trận Như Nguyệt năm 1077 của Lý Thường Kiệt…
Đại tướng nhận định: Chiến trường là trường học khắc nghiệt nhất, "trong chiến tranh thắng được một trận mà học được nhiều còn hơn thắng nhiều trận mà chẳng rút ra được bài học gì. Đúc kết những bài học từ quá khứ, Đại tướng Đại tướng luôn lựa chọn phương án tối ưu nhất, thuận lợi nhất và phải đảm bảo thắng lợi chắc chắn cho Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chiến dịch Điện Biên Phủ chính là trận đánh có tầm quan trọng và ý nghĩa sống còn của cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vĩ đại của dân tộc. Chiến dịch này cũng là minh họa rõ nét nhất sự sáng suốt và nhạy bén của vị tướng tài ba, dày dặn kinh nghiệm Võ Nguyên Giáp.
Với tầm nhìn chiến lược xuất sắc và tài năng của vị Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận thấy "phương án đánh nhanh, thắng nhanh là quá mạo hiểm chưa đảm bảo chiến thắng hoàn toàn. Sau 11 ngày đêm trăn trở, sáng 26/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra "quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời một vị tướng chỉ huy", chuyển phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" và ra lệnh hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra.
Trận quyết chiến Điện Biên Phủ được dời lại để chuẩn bị theo phương châm mới. Đúng 17 giờ 30 phút, ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức bắt đầu. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tấn công, tiêu diệt 21 tiểu đoàn phòng ngự và toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp vào ngày 7/5/1954.
Tư duy lịch sử và sự kế thừa nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam cùng phẩm chất đạo đức cao cả của một giáo viên Lịch sử đã hội tụ đầy đủ trong con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bậc thầy trong việc vận dụng nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân một cách linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn chiến trường.
Trong gần 30 năm trên cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam (1946-1975), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng góp nhiều công lao to lớn cho nền độc lập, thống nhất Tổ quốc; được rất nhiều học giả, chuyên gia nghiên cứu lịch sử trong và quốc tế công nhận và đánh giá cao: "Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp với Võ Nguyên Giáp" .
Đến khi đất nước hòa bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại cầm trên tay cây bút, viết ra những bài giảng, bài nói chuyện đầy tâm huyết cho các thế hệ trẻ. Xuất thân là một thầy giáo nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất hiểu và coi trọng giáo dục, văn hóa truyền thống. Hàng trăm bài nói chuyện, bài viết của Đại tướng về giáo dục đều toát lên một tầm nhìn chiến lược, một sự quan tâm tỉ mỉ chu đáo mọi vấn đề, nhiều phương diện.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự gắn bó đặc biệt với Hội Khuyến học Việt Nam
Từ khi thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10/1996), đã trải qua 4 kỳ Đại hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - luôn được suy tôn là Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam.
Trong lòng nhiều thế hệ làm khuyến học Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nguyên là một nhà giáo nên ông hết sức ưu ái các trí thức trong ngành giáo dục và luôn có những sự động viên, khích lệ rất đáng trân trọng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn để tâm các thông tin về công tác khuyến học - khuyến tài của nước ta. Biết được sự phát triển rộng khắp của phong trào khuyến học khuyến tài trong cả nước có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng xã hội học tập ở nước ta mà Hội Khuyến học đã gây dựng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rất vui.
Những năm cuối đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thể đến dự nhiều sự kiện của Hội Khuyến học Việt Nam như Đại hội đại biểu khuyến học, Đại hội Gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, Cuộc thi Nhân tài Đất Việt… nhưng ông luôn gửi thư và lẵng hoa tới chúc mừng và căn dặn: "Bác Hồ là người tiêu biểu nhất cho truyền thống hiếu học của dân tộc. Người luôn quan tâm đến giáo dục, đến khuyến học, khuyến tài, đến việc tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người dân đều được học, học thường xuyên, học suốt đời. Người mong muốn "dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái". Tư tưởng của Bác về học tập, học tập suốt đời phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở nước ta".
Tâm huyết với vấn đề Học tập suốt đời, Xây dựng Xã hội học tập ở nước ta, Đại tướng đã nhấn mạnh trong thư gửi tới Đại hội đại biểu khuyến học toàn quốc lần thứ III: "Nhân dân ta đang ra sức đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nhiều lĩnh vực sản xuất sử dụng công nghệ cao theo hướng phát triển kinh tế tri thức. Nước ta hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu. Tình hình đó đòi hỏi từng người dân, từng cán bộ, từng Đảng viên không những phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời, mà còn phải gắn học với hành, và hành phải đảm bảo chất lượng tốt, năng suất cao. Làm được như vậy là chúng ta nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng của Bác, làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui mừng về việc, nhân dân ta hưởng ứng chủ trương khuyến học, khuyến tài, nhà nước ta đã có quyết định lấy ngày 2/10 là Ngày Khuyến học Việt
Với cuộc thi "Nhân tài Đất Việt" do Hội Khuyến học Việt
Đại tướng luôn chúc Hội Khuyến học Việt Nam, chúc các thầy giáo và cô giáo, với tâm huyết và trí tuệ của mình, sẽ đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, để cho nền giáo dục Việt Nam thực sự là cội nguồn của nguyên khí quốc gia, đảm bảo cho mọi nhân cách và tài năng đất Việt được vun đắp và phát huy vì sự trường tồn, sự phát triển tiến bộ và bền vững của đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-tu-thay-giao-day-su-den-viet-len-lich-su-dan-toc-179240505213641129.htm