Đà Nẵng 3 lần được vinh danh Thành phố thông minh xuất sắc Việt Nam
Tại Lễ Vinh danh và Trao Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022 của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Đà Nẵng được gọi tên trong 5 hạng mục.
Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022 được phát động từ ngày 8/8/2022. Sau gần 3 tháng triển khai, Giải thưởng đã nhận được 148 đề cử, sơ loại và chọn vào vòng thuyết trình 68 đề cử từ 44 đơn vị.
Qua 3 vòng đánh giá, Hội đồng với 20 chuyên gia trong các lĩnh vực: quy hoạch, kiến trúc, công nghệ, quản lý nhà nước... do Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ làm Chủ tịch được thành lập, đánh giá và đã lựa chọn trao 43 Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022 bao gồm:
Thành phố thông minh xuất sắc Việt Nam: thành phố Đà Nẵng. Đây là lần thứ 3 Đà Nẵng được vinh danh tại hạng mục này.
Thành phố điều hành và quản lý thông minh: thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên), thành phố Đồng Xoài (Bình Phước);
Thành phố giao thông và logistics thông minh: thành phố Đà Nẵng;
Thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng;
Thành phố ứng dụng thông minh phục vụ công dân và doanh nghiệp: thành phố Đà Nẵng, tỉnh Thái Nguyên;
Ngoài ra còn có 34 giải thưởng dành cho các giải pháp số cho đô thị, bất động sản và bất động sản công nghiệp thông minh. 9 giải pháp xuất sắc nhất trong số này được xếp hạng 5 sao.
Về phía các doanh nghiệp, Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2022 cũng ghi nhận sự đa dạng các dịch vụ, giải pháp công nghệ phát triển giải quyết các vấn đề của các đô thị hiện đại ở hầu hết các lĩnh vực.
Các giải pháp công nghệ số ghi nhận sự xu hướng tự động hóa, thông minh hóa với những công nghệ mới như Big Data, AI, 3D, VR/XR… không chỉ tạo thuận lợi cho các thành phố trong điều hành quản lý mà còn đem đến trải nghiệm đơn giản, hữu ích cho người dân và doanh nghiệp. Theo thống kê, riêng 34 giải pháp số cho thành phố thông minh từ được trao Giải thưởng hôm nay đã có tổng doanh thu trên 350 tỉ đồng.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia trong hội đồng giải thưởng, mức độ triển khai xây dựng và phát triển thành phố thông minh của các tỉnh thành tại Việt Nam ngày càng tốt hơn. Nhiều tỉnh thành có sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của các lãnh đạo sẽ có mức độ triển khai xây dựng thành phố thông minh nhanh và hiệu quả hơn.
Phát biểu tại Lễ vinh danh và trao giải, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng cho biết: “Các thành phố tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình quan trọng, cùng với công cuộc chuyển đổi số quốc gia, chúng ta đang bắt đầu kiến tạo các thành “thành phố thông minh” - những thành phố mà trong tương lai gần có khả năng thu thập và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ để tự động hóa quy trình, cải thiện chất lượng dịch vụ, tương tác tốt hơn với người dân".
Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam được VINASA tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm ghi nhận, tôn vinh, cổ vũ các đô thị, tổ chức đẩy mạnh ứng dụng công nghệ làm thông minh hoá công tác công tác quản lý, điều hành đô thị, dịch vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp giúp các thành phố trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Giải thưởng cũng khuyến khích các doanh nghiệp sáng tạo các sản phẩm giải pháp công nghệ tiên tiến, là kênh kết nối cung cầu, hợp tác trong xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam. Đến nay, đã có 99 giải thưởng đã được trao, trong đó có 12 giải dành cho các Đô thị, 2 giải dành cho các dự án Bất động sản, và 84 giải dành cho các giải pháp công nghệ.
Phát triển thành phố thông minh là xu thế tất yếu
Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, thành phố thông minh đã trở thành xu thế tất yếu, là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và các vùng miền, giúp các thành phố giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa.
Về bản chất, phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm. Đây là một quá trình liên tục, lâu dài, là vấn đề lớn cần tổ chức nguồn lực để triển khai.
Tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, hiện nay cả nước có:
54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh;
30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Chương trình/Kế hoạch phát triển đô thị thông minh;
15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kiến trúc công nghệ phát triển đô thị thông minh (ICT);
38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh;
21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh;
17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh;
Khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị.
Theo bảng xếp hạng Thành phố Thông minh 2021 (Smart City Index 2021), trong top 10 thành phố toàn thế giới, đứng đầu là Singapore, ngoài ra trong đó có 3 thành phố tới từ Thụy Sĩ: Zurich, Lausanne và Gevena. Tốc độ tăng trưởng của thị trường thành phố thông minh toàn cầu là 22,4%, ước tính đạt tổng giá trị 2.800 tỉ USD vào năm 2027.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/da-nang-3-lan-duoc-vinh-danh-thanh-pho-thong-minh-xuat-sac-viet-nam-179221202112351326.htm