Cuối năm 2023, cả nước sẽ có 1.852km cao tốc
Theo Bộ Giao thông vận tải, tổng số đường cao tốc khởi công từ đầu năm đến nay là 1.332km; cả nước đang triển khai thi công 1.693km đường bộ cao tốc và dự kiến đến cuối năm nay, cả nước sẽ có 1.852km cao tốc.
Sáng 13/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải chủ trì phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 5 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.
Thay đổi lớn trong tư duy của địa phương
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, sau cuộc họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo vào ngày 4/4/2023, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có nhiều chỉ đạo, điều hành tại các cuộc họp chuyên đề; trực tiếp kiểm tra hiện trường các dự án, kịp thời ban hành các văn bản, chỉ thị, công điện tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt về giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu xây dựng cho dự án.
Nhờ đó, các cấp chính quyền địa phương đã thay đổi rất lớn trong tư duy, đổi mới cách làm, xác định việc hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án là nhiệm vụ chính trị quan trọng; đã thành lập Ban Chỉ đạo, một số địa phương đã thành lập tổ công tác đặc biệt để trực tiếp chỉ đạo; cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc, quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng tiến độ; đã phối hợp với các chủ đầu tư trong triển khai các thủ tục liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng; tăng cường kiểm tra hiện trường để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án (cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng, Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Hòa Bình-Mộc Châu).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan chủ quản hoàn thành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư/điều chỉnh thời gian thực hiện các dự án trọng điểm (dự án Tuyên Quang-Phú Thọ, Bến Lức-Long Thành, Đồng Đăng-Trà Lĩnh, đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội).
Bộ Tài chính đã phối hợp với các chủ đầu tư giải quyết các thủ tục về nguồn vốn, đặc biệt cho dự án sử dụng vốn vay ODA (Cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xử lý các vướng mắc liên quan đến nguồn vật liệu đắp cho các dự án; báo cáo Chính phủ về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Bộ Công Thương đã đề nghị các đơn vị phân phối chú trọng, quan tâm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho các công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải; đã yêu cầu EVN phối hợp với các địa phương để di dời các công trình thuộc phạm vi quản lý đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng.
Bộ Xây dựng đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng; đã giao cho cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác khảo sát, công bố giá vật liệu xây dựng, xác định và công bố chỉ số giá xây dựng, đảm bảo kịp thời, phù hợp với diễn biến giá thị trường; chỉ đạo Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải trong kiểm tra, nghiệm thu các dự án hoàn thành.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát, tổng hợp diện tích rừng cần chuyển đổi của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các Chủ đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng các khu đất quốc phòng bị ảnh hưởng bởi dự án; đặc biệt đã phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh để hoàn thành bàn giao mặt bằng cho dự án nhà ga T3 Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Bàn giao 87% mặt bằng cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2
Về kết quả triển khai, 12 địa phương có dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua đã bàn giao mặt bằng 624,34/721,2km (87%); đã hoàn thành 38 khu tái định cư, đang xây dựng 106 khu. Các địa phương đã tổng hợp để trình Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua trong tháng 7/2023 chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất các khu vực liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng, để các nhà thầu triển khai khai thác vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023.
14 địa phương có 3 dự án cao tốc Đông-Tây và 2 đường vành đai đã triển khai giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ khởi công, trong đó một số địa phương triển khai tốt như Hà Nội, Đồng Nai, Hậu Giang và Thành phố Hồ Chí Minh đạt trên 85%; đang tích cực triển khai giải phóng mặt bằng phần còn lại để hoàn thành trước 31/12/2023.
Tỉnh Đồng Nai đã bàn giao 4.860/4.946ha (98%) diện tích của dự án Cảng hàng không Long Thành. Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
12/14 địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ và các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu) là cơ quan chủ quản 3 cao tốc trục Đông-Tây (cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng) và 2 đường vành đai (Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh) đã nỗ lực triển khai để khởi công các dự án trước ngày 30/6/2023 theo đúng yêu cầu của Chính phủ, nâng tổng số đường cao tốc khởi công từ đầu năm đến nay lên 1.332km. Hiện cả nước đang triển khai thi công 1.693km đường bộ cao tốc.
Các địa phương đã chủ động, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng. Đến nay đã khai thác 9 mỏ, xác nhận bản đăng ký kế hoạch khai thác được 26 mỏ (đang triển khai các thủ tục về đất đai). Trong đó, một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi đã thực hiện tốt việc xác nhận các thủ tục khai thác vật liệu xây dựng, tạo điều kiện để nhà thầu sớm khai thác.
Các tỉnh Bình Phước, Thái Bình và Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương tổ chức lập chủ trương đầu tư các dự án đường bộ cao tốc theo phương thức đối tác công-tư (PPP) được giao làm cơ quan có thẩm quyền (với các dự án Cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành, Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài).
Các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình đã tích cực triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án đường bộ cao tốc được giao làm cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền, phấn đấu phê duyệt trong quý III/2023 (cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng, Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Hòa Bình-Mộc Châu).
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đường sắt đô thị; đang triển khai thi công, phấn đấu khai thác 2 tuyến vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 (đoạn trên cao tuyến Nhổn-ga Hà Nội; tuyến Bến Thành-Suối Tiên).
Bộ Giao thông vận tải đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức thi công "3 ca 4 kíp", khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác 4 dự án thành phần (cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, Nha Trang-Cam Lâm, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với chiều dài 312km trong quý II/2023, nâng tổng số đường cao tốc lên 1.729km, tạo được hiệu ứng lớn, sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phấn khởi của nhân dân; đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành 4 dự án cao tốc với tổng chiều dài 123km, tăng tổng số đường cao tốc lên 1.852km.
Với dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị huy động 219 mũi thi công cầu, hầm, 315 mũi thi công đường, 10.538 công nhân, kỹ sư, 4.724 máy móc, 310 tư vấn giám sát; tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để tổ chức thi công đồng loạt, cơ bản bảo đảm kế hoạch đặt ra; thường xuyên kiểm tra hiện trường, phối hợp với địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, triển khai các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã tổ chức 2 tổ công tác với thành phần tham dự là các bộ liên quan tổ chức làm việc và kiểm tra tại các địa phương từ ngày 4-10/7/2023, qua đó đã nhận diện được nhiều vướng mắc trong triển khai để đề xuất tháo gỡ.
Bộ cũng thẩm định, cho ý kiến tham gia với hồ sơ thiết kế, dự toán; cùng với các địa phương nỗ lực triển khai các công việc để khởi công dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng vào ngày 17 và 18/6/2023, đáp ứng tiến độ yêu cầu của Chính phủ.
Bộ đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn các địa phương về thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng, phân bổ vật liệu cát đắp cho các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long, từng bước tháo gỡ nút thắt lớn nhất đối với tiến độ triển khai các dự án.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hoàn thành điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bến Lức-Long Thành, bố trí nguồn vốn để thi công trở lại các gói thầu; chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai dự án Cảng hàng không Long Thành và nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất bám sát tiến độ yêu cầu, trong đó dự kiến khởi công 2 tuyến giao thông kết nối vào ngày 14/7/2023 và hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ trong tháng 8/2023; đã nỗ lực trong việc lựa chọn nhà thầu gói thầu nhà ga hành khách cảng hàng không Long Thành và dự kiến sẽ có kết quả trong tháng 7/2023.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cuoi-nam-2023-ca-nuoc-se-co-1852km-cao-toc-179230713112146913.htm