Chuyện về cô giáo 4.0 trên đỉnh Suối Giàng
Với tư duy sáng tạo, sự nhiệt huyết cùng tình yêu nghề, cô giáo Đỗ Thùy Quyên đã và đang giúp trẻ em ở Suối Giàng tiếp cận gần hơn với công nghệ thông tin thông qua những giờ học đậm chất 4.0.
Suối Giàng là xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ở Suối Giàng, bà con đồng bào dân tộc Mông chiếm đến 98%. Chính vì vậy, để gieo được cái chữ cho những đứa trẻ ở miền cao này là cả một sự cố gắng và nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ thầy, cô giáo.
Là một trong những mảnh ghép "thắp sáng" công tác giáo dục nơi đây, cô giáo Đỗ Thùy Quyên (sinh năm 1986, quê huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) với tư duy sáng tạo, sự nhiệt huyết cùng tình yêu nghề, đã và đang giúp trẻ em Suối Giàng tiếp cận gần hơn với công nghệ thông tin qua những giờ học đậm chất 4.0.
Sáng tạo để học trò hứng thú, tự tin hơn trong mỗi giờ học
Vào ngành năm 2004, cô Đỗ Thuỳ Quyên dạy học tại Trường Mầm non xã Sơn Thịnh ở gần nhà. Sau hơn 3 năm công tác, cô chuyển đến tỉnh Lào Cai làm việc và sinh sống. Cuối năm 2012, cô quay trở về huyện Văn Chấn và gắn bó với Trường Mầm non Suối Giàng cho đến nay.
"Suối Giàng là xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135, cuộc sống người dân còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Đối với giáo dục, khó khăn lớn nhất là học sinh khó tiếp cận công nghệ thông tin cũng như mạng internet, máy tính...
Các em phần lớn là người dân tộc Mông và không thông thạo tiếng phổ thông. Sự bất đồng về ngôn ngữ cũng vô tình tạo khoảng cách giữa cô và trò. Do vậy, việc dạy học của tôi cũng trở nên khó khăn hơn. Thời gian đầu đi dạy, tôi quyết tâm phải học bằng được tiếng Mông để giao tiếp, hiểu học sinh. Về sau, tôi chủ động giao tiếp bằng tiếng phổ thông để các em nhanh chóng giao tiếp, đọc và viết Tiếng Việt", cô Quyên chia sẻ.
Theo cô Đỗ Thuỳ Quyên, học sinh vùng cao rất thông minh nhưng đa phần đều khá rụt rè, nhút nhát. Trăn trở với điều đó, cô tìm mọi cách để học trò hứng thú, tự tin hơn trong mỗi giờ học, giúp các em hòa nhập và yêu thích việc đến trường.
Sau một lần tình cờ nhìn thấy tấm thiệp 3D do nước ngoài sản xuất, Đỗ Thuỳ Quyên đã nảy ra ý tưởng làm những cuốn sách 3D cho học sinh của mình. Tuy nhiên, do kỹ năng công nghệ thông tin còn hạn chế nên khi bắt tay vào làm, cuốn sách chưa được như mong muốn.
Năm học 2017-2018, Đỗ Thuỳ Quyên tham gia vào Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, kết nối với đồng nghiệp ở mọi miền đất nước cùng trao đổi, học hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như phương pháp, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.
Nhờ những bài chia sẻ của đồng nghiệp trong cộng đồng, cô Quyên đã học và sử dụng ứng dụng Powerpoint trong gói Office365. Cũng khoảng thời gian đó, cô lên ý tưởng và làm lại dự án sách 3D.
"Tôi mất rất nhiều thời gian làm sách, từ khâu tìm kiếm hình ảnh, xử lý hình ảnh trên máy tính, rồi sắp xếp nhân vật di chuyển. Nguyên liệu tôi phải đặt mua từ Hà Nội chuyển về. Toàn bộ quá trình cắt dán cũng được làm thủ công bằng tay, do ở vùng cao chưa có công nghệ cắt giấy bằng laser", cô Quyên nhớ lại.
Những cuốn sách 3D mà cô Quyên làm ra không chỉ có hình ảnh nổi mà còn có các chi tiết có khả năng chuyển động, giúp trẻ dễ nhận biết và nâng cao khả năng tư duy. Mỗi cuốn sách là những câu chuyện được cô chọn từ chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Đây cũng là sản phẩm cấp học mầm non đầu tiên tham dự Diễn đàn giáo dục Việt Nam - Đổi mới sáng tạo trên nền tảng Công nghệ thông tin năm 2019 và đã đoạt giải Khuyến khích của cuộc thi", cô Quyên nói.
Vận dụng giáo dục STEM vào dạy học
Không ngừng sáng tạo, Đỗ Thùy Quyên tiếp tục nghiên cứu và thực hiện dạy học theo phương thức giáo dục STEM cho học sinh Trường Mầm non Suối Giàng.
Gần đây nhất, cô Quyên và học trò đã thực hiện thành công dự án tái chế giấy. Cô cho biết, dự án được triển khai với thông điệp về việc cần thiết phải sử dụng đồ tái chế một cách hợp lý, hiệu quả, góp phần bảo về thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống.
Trẻ mầm non Suối Giàng thích thú với dự án tái chế từ giấy. Ảnh: NVCC
"Trong dự án lần này, tôi hướng dẫn học sinh làm tranh tái chế từ giấy, các công đoạn cũng khá đơn giản. Đầu tiên là xé giấy cần tái chế thành những mẩu nhỏ, sau đó ngâm trong nước. Khi giấy thật mềm mới tiếp tục tạo thành bột giấy bằng máy xay hoặc dùng cối, chày.
Sau khi tạo được bột giấy, có thể pha với nhiều màu sắc khác nhau và dùng tay để tạo hình thành những bức tranh với hình dáng khác nhau. Tiếp đến, chỉnh bột giấy lại như ý rồi mang ra ánh nắng phơi khô", cô Quyên chia sẻ.
Trước đó, cô Quyên cũng xây dựng nhiều hoạt động dạy học STEM và được học sinh hưởng ứng như làm giá đỗ sạch hay dự án STEM bảo tồn và phát triển chè cổ thụ Suối Giàng...
Cô giáo Đỗ Thùy Quyên cùng học trò trong tiết học về bảo tồn và phát triển chè cổ thụ Suối Giàng.
Ảnh: NVCC
Hiện, cô Quyên bắt đầu triển khai dự án STEM không biên giới. Mục đích của dự án này là xóa bỏ biên giới giữa những bức tường của các lớp học, cấp học, giữa trường với trường, địa phương với địa phương…
"Tôi đang kết hợp với cô Nguyễn Thị Quyến - giáo viên Trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) để tổ chức những buổi học không biên giới cho các em học sinh.
Học sinh lớp tôi và lớp cô Quyến sẽ cùng học trong những hoạt động STEM mà chúng tôi xây dựng. Qua đó, các bạn học sinh miền núi sẽ có cơ hội giao tiếp, tự tin hơn. Còn các bạn học sinh thủ đô sẽ được trải nghiệm môi trường học tập mới lạ, biết chia sẻ với những người bạn ở vùng khó khăn.
Khi chạy thử nghiệm ổn định, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô dự án để các đơn vị, trường học cùng tham gia", cô Quyên thông tin.
Chia sẻ về động lực đổi mới sáng tạo, cô Quyên cho biết: "Nói đến giáo dục và giáo dục STEM nói riêng, tôi giống một người học sinh, say mê, tò mò và muốn chinh phục tri thức mới. Nếu vốn kiến thức rộng và sâu, tôi có thể mang đến cho học trò những bài học chất lượng.
Thực tế, khi có những sáng tạo, thay đổi phương pháp, phương thức học tập, đưa học sinh đến với những trải nghiệm bất ngờ, thú vị thì chính tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, tràn đầy hứng khởi, niềm vui và càng khát khao làm nhiều hơn nữa.
Nhưng điều khiến tôi nỗ lực hơn cả là mong muốn thay đổi khoảng cách giữa giáo viên và học sinh vùng cao, từ đó góp phần giảm thiểu chênh lệch giáo dục giữa các vùng miền".
Nói thêm về Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, cô Quyên cảm thấy may mắn khi được tìm hiểu nhiều mô hình giáo dục ở những khu vực có đặc điểm địa lý khác nhau. Cũng nhờ cộng đồng này, cô được làm quen, kết bạn và được hỗ trợ bởi các đồng nghiệp, các tổ chức khắp mọi miền.
Với những kinh nghiệm trong lĩnh vực STEM, Đỗ Thuỳ Quyên đã và đang tập huấn, chia sẻ về triển khai giáo dục STEM trong chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông cho một số đơn vị trường tại địa phương mình cũng như một số địa phương khác.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chuyen-ve-co-giao-40-tren-dinh-suoi-giang-179221118065816828.htm