Chứng khoán "đá bay" nhiều tỉ USD của các siêu đại gia
Thị trường chứng khoán trồi sụt thất thường, giảm điểm kỷ lục đã tác động lớn đến tài sản của các tỉ phú thế giới và 7 tỉ phú USD Việt Nam cũng chịu chung cảnh ngộ.
Nửa tháng, tỉ phú giàu nhất hành tinh mất hơn 40 tỉ USD
Theo Forbes, giữa tháng 9, tỉ phú Elon Musk là người giàu nhất hành tinh với khối tài sản ròng lên tới 272,7 tỉ USD. Nhưng chỉ sau nửa tháng ngắn ngủi, ngày 4/10, mức tài sản của tỉ phú giàu nhất hành tinh đã "bay" 40,3 tỉ USD về ngưỡng 232,4 tỉ USD.
Tuy nhiên, Elon Musk không phải chịu cảnh tài sản "không cánh mà bay" này một mình. Cùng chung cảnh ngộ, khối tài sản của tỉ phú Bernard Arnault và gia đình cũng ghi nhận mức giảm tới 14,3 tỉ USD, từ 158,6 tỉ USD xuống còn 144,3 tỉ USD sau hơn nửa tháng.
Mới tháng trước, đứng thứ 3 trong danh sách tỉ phú giàu nhất hành tinh, khối tài sản của tỉ phú Jeff Bezos ghi nhận vào ngày 16/9 là 151,9 tỉ USD. Thì nay con số này đã giảm xuống chỉ còn 139,3 tỉ USD.
Tỉ phú Larry Ellison, Chủ tịch, giám đốc Công nghệ và đồng sáng lập tập đoàn phần mềm khổng lồ Oracle khiến nhiều người sốc nặng khi khối tài sản của ông bỗng "bay màu" hơn 12 tỉ USD, giảm từ 100,3 tỉ USD xuống còn 87,8 tỉ USD.
Danh sách tỉ phú giảm tài sản còn kéo dài với những cái tên như Mukesh Ambani giảm 8,1 tỉ USD, tỉ phú Larry Page giảm 5,1 tỉ USD, tỉ phú Sergey Brin giảm 4,8 tỉ USD.
Có lẽ tỉ phú Bill Gates và Warren Buffett là những người chịu ảnh hưởng nhẹ nhất khi tài sản của họ chỉ giảm lần lượt 3,3 và 1,7 tỉ USD sau nửa tháng.
Tỉ phú USD Việt Nam cũng đón "sóng"
Trong danh sách tỉ phú thế giới trong năm 2022 được tạp chí Forbes (Mỹ) công bố hồi đầu tháng 4, lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện 7 đại diện bao gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Theo đó, tính đến ngày 11/3, tức thời điểm Forbes chốt số liệu tài sản dựa trên giá cổ phiếu và tỉ giá hối đoái, 7 tỉ phú Việt Nam nắm giữ khoảng 21,2 tỉ USD. Ngoài ông Phạm Nhật Vượng, tài sản của 6 tỉ phú còn lại đều gia tăng so với năm ngoái.
Tuy nhiên, tính đến ngày 3/10, quy mô tài sản của 7 tỉ phú chỉ còn 15,8 tỉ USD.
Trong đó, giá trị tài sản ròng của tỉ phú Phạm Nhật Vượng sụt giảm nhiều nhất ở mức khoảng 2 tỉ USD. So với mức đỉnh 7,3 tỉ USD vào năm 2021, tài sản của ông Vượng đã giảm tới 42,5%. Thứ hạng của ông Vượng cũng lùi từ 411 xuống 631, tức giảm 220 bậc.
Trong vòng gần 7 tháng, tài sản của tỉ phú Trần Đình Long đã giảm từ 3,2 tỉ USD xuống còn 1,6 tỉ USD, tương đương thiệt hại lên tới khoảng 50%. Điều này khiến thứ hạng của Chủ tịch Hòa Phát rơi 709 bậc.
Tiếp sau, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang cũng chứng kiến sự sụt giảm 0,5 tỉ USD (tương đương giảm 26,3%) về mức 1,4 tỉ USD; tài sản của ông Hồ Hùng Anh giảm 0,6 tỉ USD (tương đương giảm 26%) còn 1,7 tỉ USD; tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo giảm 0,7 tỉ USD (tương đương giảm 22,5%) xuống còn 2,4 tỉ USD; tài sản của ông Trần Bá Dương và gia đình giảm 0,1 tỉ USD (tương đương giảm 6,25%).
Riêng Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn chứng kiến tài sản gia tăng 0,1 tỉ USD lên 3 tỉ USD.
Tất cả là vì... chứng khoán
Có thể tóm gọn nguyên nhân khiến khối tài sản của các tỉ phú sụt giảm mạnh trong thời gian qua chính là do diễn biến tiêu cực trên sàn chứng khoán.
Một tháng vừa qua có lẽ là tháng tồi tệ nhất trong năm qua với chứng khoán Mỹ khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2020. Cụ thể, chỉ số Dow Jones cuối tuần trước đã đóng cửa dưới mức 29.000 điểm, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020. Tính chung trong tháng 9, Dow Jones giảm 8,8%, trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt mất 9,3% và 10,5%.
Tính theo quý, Dow Jones đã giảm 6,6%, đạt kỷ lục 3 quý giảm liên tiếp, lần đầu tiên kể từ quý III/2015. Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều giảm lần lượt 5,28% và 4,11%, kết thúc quý giảm thứ ba liên tiếp, lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Chính nỗi lo suy thoái, cùng việc các ngân hàng trung ương đồng loạt nâng lãi suất quyết liệt chống lạm phát đã ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Thêm vào đó, thị trường tiền tệ bất ổn khi đồng USD liên tục tăng cao, "dìm" nhiều ngoại tệ khác như Bảng Anh, Euro, đồng Yên...
Theo thống kê của IndexQ, chỉ số chứng khoán chuẩn của Phillippines lao dốc mạnh nhất trong tuần qua với mức giảm 8,28%. Kế đó là chỉ số của Nga, Việt Nam và Hàn Quốc suy giảm tương ứng 7,,54%, 5,91% và 5,87%.
Ngay cả top 10 thị trường có thành tích tốt nhất theo IndexQ cũng có một số chỉ số mang sắc đỏ, như chỉ số chứng khoán của Đan Mạch, Na Uy và Canada.
Tương tự, sự sụt giảm tài sản đáng kể của các tỉ phú USD Việt Nam cũng bắt nguồn từ tình trạng trồi sụt của thị trường chứng khoán trong nước.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/10, một trong những cổ phiếu “họ Vin” tiêu biểu là Vingroup (mã: VIC) dừng ở mức 55.500 đồng/đơn vị. So với thị giá ngày 11/3 là 79.000 đồng/cổ phiếu, giá trị của VIC đã giảm khoảng 29,8%.
Từng là mã cổ phiếu thường xuyên dẫn đầu giá trị lẫn khối lượng giao dịch trong ngày suốt từ ngày 11/3 đến nay, tuy nhiên, hiện cổ phiếu của Hòa Phát (mã: HPG) lại giảm sâu tới gần 42%, rơi từ mốc 47.600 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 19.750 đồng/cổ phiếu. Đã xuất hiện tình trạng nhà đầu tư bán tháo HPG và cổ phiếu này giảm kịch sàn lần đầu tiên kể từ phiên 20/6.
Ngoài ra, cổ phiếu doanh nghiệp đại diện 3 tỉ phú USD Việt Nam khác cũng có diễn biến tương tự. Như cổ phiếu Masan (mã: MSN) giảm từ 142.500 đồng/cổ phiếu xuống 94.000 đồng/cổ phiếu (tương đương giảm 34%); cổ phiếu Techcombank (mã: TCB) giảm 48.900 đồng/cổ phiếu xuống 30.250 đồng/cổ phiếu (tương đương giảm 38,2%); cổ phiếu VietJet Air (mã: VJC) giảm 142.500 đồng/cổ phiếu xuống 110.000 đồng/cổ phiếu (tương đương giảm 22,9%).
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chung-khoan-da-bay-nhieu-ti-usd-cua-cac-sieu-dai-gia-179221004144616772.htm