Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nói gì về bản quyền bức ảnh "Em bé Napalm"

Bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh cho rằng, dù tác giả bức ảnh này là của ai, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam luôn trân trọng giá trị của bức ảnh và tác động của bức ảnh này trong cuộc chiến tranh tàn ác của Mỹ tại Việt Nam.

Nhiếp ảnh gia Nick Út cầm bức ảnh "Em bé Napalm" đứng cạnh bà Kim Phúc (người được chụp trong ảnh) năm 2022. Ảnh: Getty
Một sự kiện gây xôn xao giới nhiếp ảnh, báo chí thế giới là tổ chức World Press Photo vừa ra thông báo tạm ngừng công nhận Nick Út là tác giả bức ảnh có tên "Em bé Napalm", một trong những bức ảnh báo chí nổi tiếng thế kỷ 20.
Quyết định tạm ngừng công nhận Huỳnh Công Út (Nick Út) là tác giả bức ảnh có tên "Em bé Napalm" của World Press Photo được đưa ra, sau khi bộ phim tài liệu "The dtringer" công chiếu hồi đầu năm 2025, nêu nghi vấn rằng bức ảnh có thể do một người khác tên là Nguyễn Thành Nghệ chụp.
Bộ phim cho biết, Nguyễn Thành Nghệ, một tài xế của hãng tin NBC đã bán ảnh cho AP với tư cách là một cộng tác viên tự do. Nhiếp ảnh gia Nghệ bị hãng tin AP bác quyền ghi nhận là tác giả ảnh vì ông Nghệ không phải nhân viên chính thức.
Có mặt tại buổi ra mắt phim, trước đông đảo giới báo chí, truyền thông, Ông Nguyễn Thành Nghệ nói ngắn gọn: Bức ảnh "Em bé Napalm" do tôi chụp.
Bộ phim đã thúc đẩy World Press Photo vào cuộc điều tra riêng. Phân tích nội bộ được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 5/2025 đã kết luận nội dung trên "dựa trên phân tích về vị trí, khoảng cách và máy ảnh được sử dụng để chụp bức ảnh vào ngày hôm đó".

"Em bé Napalm"- bức ảnh báo chí nổi tiếng thế kỷ 20 được chụp năm 1973 tại Tây Ninh, Việt Nam.
Theo kết luận, các nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ có thể đã ở vị trí tốt hơn để chụp bức ảnh này so với Nick Út.
"Theo phân tích vị trí, khoảng cách và loại máy ảnh được sử dụng hôm đó, chúng tôi xác định nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ có khả năng cao là người chụp bức ảnh", Joumana El Zein Khoury, giám đốc World Press Photo cho biết.
Tuy nhiên, dù có nhiều quan điểm trái chiều và suy đoán từ các bên liên quan, bản quyền bức ảnh dừng ở chỗ, không thể xác định chính xác ai là người đã chụp bức ảnh. Hơn 50 năm qua, bức ảnh được công nhận tác giả là Huỳnh Công Út (Nick Út) cùng với tiếng vang về bức ảnh, ảnh hưởng của bức ảnh tới tư tưởng phản chiến, và tố cáo tội ác chiến tranh.

Nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Út (Nick Út) và Kim Phúc (em bé bị bỏng bom napalm trong ảnh) gặp lại sau 5 năm bức ảnh ra đời.
Bức ảnh “Em bé Napalm”- bé gái Việt Nam bị bom napalm và những em bé khác gào khóc chạy ra đường dưới trận bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng - Tây Ninh được đăng tải trên trang nhất trên các báo Mỹ, đã gây chấn động thế giới.
“Em bé Napalm” lúc đó được đề tên tác giả là Nick Út đã cho cả thế giới thấy sự thật về cuộc chiến phi nghĩa mà Mỹ đang gây ra tại Việt Nam. Năm 2010, bức ảnh được tờ New Statesman bình chọn là bức ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại.
Năm 2019, "Em bé Napalm" tiếp tục được bình chọn là bức ảnh có sức lay động nhất thế giới. Cuộc bình chọn được thực hiện bởi kênh truyền hình Anh quốc History để ra mắt loạt phim "Những bức ảnh thay đổi thế giới".
Bức ảnh có giá trị trường tồn, chứng minh tội ác của chiến tranh, một cuộc chiến tranh vô nghĩa đã đẩy những người vô tội, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ vào cuộc sống bi thương chết chóc.
Bức ảnh còn là một bằng chứng lịch sử không thể chối cãi về những tội ác chiến tranh và những nỗi đau mà người dân Việt Nam phải gánh chịu. Nó nhắc nhở chúng ta về quá khứ đau thương để trân trọng hơn giá trị của hòa bình hiện tại và tôn trọng lịch sử, biết ơn và tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Đồng thời một lời nhắc nhở sâu sắc về sự tàn khốc của chiến tranh, sức mạnh của lòng nhân ái và khát vọng hòa bình mãnh liệt của nhân loại. Nó vẫn giữ nguyên giá trị và tính thời sự cho đến ngày nay.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, bà Trần Thị Thu Đông đã có những chia sẻ với báo chí, truyền thông xung quanh vụ việc này.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, World Press Photo là giải thưởng ảnh báo chí rất có uy tín trên thế giới. Quyết định của tổ chức này về việc tạm dừng ghi nhận Nick Út là tác giả của ảnh “Em bé Napalm” cần được hiểu đây chưa phải là nhận định chính thức và cuối cùng về tác giả tấm ảnh này. Chúng ta cần chờ những quyết định của các tổ chức có thẩm quyền liên quan.
"Việc phân định bản quyền ảnh, đặc biệt là các bức ảnh có thời gian tới 50 năm như "Em bé Napalm" thực sự rất khó khăn vì thời kỳ này các tác giả chụp bằng phim in tráng. Với một bức ảnh đã được công bố hơn 50 năm và lại rất nổi tiếng mà đến nay lại nảy sinh vấn đề cần xác minh, giải quyết tranh chấp thì cần phải thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng. Vì rất khó xác minh nên chưa vội kết luận khi thiếu các căn cứ bằng chứng dữ liệu chứng minh.
Nhưng chúng tôi cũng rất đồng tình với việc làm rõ tác giả đích thực của tác phẩm, đảm bảo sự công bằng và xứng đáng, để không có ai bị oan và thiệt thòi hoặc bị mang tiếng không tốt", Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông khẳng định.
Bức ảnh đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của công chúng quốc tế về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, thúc đẩy các phong trào phản chiến. Di sản của nó không chỉ dừng lại ở giá trị thông tin hay nghệ thuật mà còn ở khả năng lay động và thay đổi thế giới. Tác phẩm này đã trở thành một phần quan trọng của lịch sử nhiếp ảnh thế giới.
"Em bé Napalm" không chỉ là một tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc đã vượt qua ranh giới của một bức ảnh báo chí thông thường để trở thành một biểu tượng phản chiến mạnh mẽ. Bức ảnh là một minh chứng cho sức mạnh của nhiếp ảnh trong việc phản ánh hiện thực, khơi gợi cảm xúc và đóng góp vào những thay đổi xã hội tích cực.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, bà Trần Thị Thu Đông một lần nữa cho rằng, dù tác giả bức ảnh này là của ai, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam luôn trân trọng giá trị của bức ảnh và tác động của bức ảnh này trong cuộc chiến tranh tàn ác của Mỹ tại Việt Nam.
Và vấn đề này một lần nữa đặt ra tầm quan trọng của vấn đề bản quyền trong lĩnh vực nhiếp ảnh, bài học không thừa đối với việc phân định sự công bằng trong lao động nghệ thuật, và nhiều vấn đề khác trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.
Tranh cãi về quyền tác giả bức ảnh Em bé Napalm
Ngày 16/5/2025, Tổ chức Giải ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) thông báo ngừng ghi nhận Nick Út là tác giả của ảnh "Em bé Napalm". Tổ chức này cũng đăng tải tóm tắt quá trình điều tra đi đến quyết định trên. Trong cuộc điều tra này, tính xác thực, cùng tác động và tầm quan trọng của bức ảnh trong việc thúc đẩy làn sóng ủng hộ hoà bình cho Việt Nam hoàn toàn được bảo đảm. Chỉ có quyền tác giả của bức ảnh hiện được đưa vào diện chưa chắc chắn.
Tổ chức đã ủy quyền tiến hành một cuộc phân tích điều tra kỹ lưỡng. Trong quá trình này, họ ưu tiên tài liệu ảnh và phim hơn là lời kể của nhân chứng hồi tưởng, mặc dù họ cũng tính đến chúng. Nguyên nhân là nhiều nhân chứng và nguồn thông tin có thể hiện không còn nữa. Có 16 cá nhân đã được xác định bằng hình ảnh là có mặt tại hiện trường, bao gồm các nhiếp ảnh gia, ít nhất ba đoàn làm phim truyền hình, các phóng viên báo in đã đưa tin về cuộc giao tranh ở Trảng Bàng và khu vực xung quanh ngày hôm đó.
Các vấn đề còn nghi vấn:
Vị trí của Nick Út: Tổ chức Giải ảnh báo chí thế giới cho rằng hình ảnh tại thời điểm sát với bức ảnh nhất được xác minh cho thấy Nick Út ở xa hơn so với hiện trường trong tấm phim ghi lại thời điểm sau khi bức ảnh được chụp, cho thấy rất khó có khả năng Nick Út có thể chụp được bức ảnh, chạy đi khoảng 60 m và đứng lại một cách bình tĩnh. Nếu diễn ra, tất cả hành động đó phải được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, do không có hình ảnh hay bản ghi đầy đủ về mọi thời điểm nên câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Về mặt kỹ thuật: Việc bức ảnh có thể được chụp từ một chiếc máy ảnh Pentax. Ông Út đã mô tả công khai và rộng rãi việc ông sử dụng hai máy ảnh Leica và thêm hai máy ảnh Nikon. Tuy nhiên, Nick Út gần đây nói với AP rằng ông có thể đã mang theo chiếc Pentax vào ngày hôm đó. Do vậy, việc xác định tác quyền bằng máy ảnh Pentax là "có khả năng" nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng xác đáng nào được đưa ra.
Khi không có kết luận nào là chắc chắn, và cho đến khi có bằng chứng xác thực về quyền tác giả, World Press Photo đã tạm dừng ghi nhận quyền tác giả đối với Em bé Napalm.
Nguồn: wikipedia
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chu-tich-hoi-nghe-si-nhiep-anh-viet-nam-noi-gi-ve-ban-quyen-buc-anh-em-be-napalm-179250520142729125.htm