Cha mẹ cần bảo vệ con trước nội dung xấu độc trên mạng xã hội vào mùa hè
Tôi vô tình lướt facebook thấy được sự phàn nàn của một vị phụ huynh về một bài hát. Tôi nghe thử và sốc thực sự. Tôi tự hỏi nếu trẻ em thường tiếp xúc với những nội dung xấu độc này, thì hậu quả sẽ đến đâu?
Chuyện gì xảy ra khi thanh thiếu niên tiếp xúc với những bài hát có nội dung xấu độc, mà "Bảo tàng" chỉ là một ví dụ?
"Bảo tàng" là một sáng tác của một người trẻ sinh năm 1997 được coi là nổi tiếng trong giới trẻ Việt. Lời bài hát thô thiển, dung tục, thậm chí, có thể được coi như "đồi truỵ" nhưng lại thu hút hơn 4 triệu lượt xem trên Youtube. Con số này chưa tính đến các nền tảng nghe nhạc trực tuyến khác.
Thực tế hiện nay cho thấy, rất nhiều cha mẹ thả cho con có thiết bị riêng như máy tính kết nối internet, máy tính bảng, điện thoại thông minh để con mình tiếp xúc với Youtube, Tiktok và cả phim khiêu dâm từ rất sớm.
Còn chưa nói đến việc rất nhiều cha mẹ để con tự do nghe nhạc có chèn ca từ tiếng Anh hoặc "tiếng lóng", ngôn ngữ genZ mà không hề hay biết và quan tâm tới ý nghĩa của các câu từ, khái niệm trong đó.
Đáng báo động hơn, là những hưởng ứng nhiệt tình từ người nghe nhạc, những bình luận khích lệ dưới video bài Rap "Bảo tàng".
Đây thực sự là một thực trạng báo động phụ huynh cần để ý, thắt chặt nội quy gia đình với con mình. Đừng để đi quá xa rồi mới giật mình. Ranh giới giữa tự do và dung tục vô cùng mong manh.
Mặt khác, những cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý văn hoá và quyền trẻ em cần lên tiếng về thực trạng này. Thực tế, những nội dung rác rất khéo léo "né" kiểm duyệt của các mạng xã hội, để lan toả đến rộng rãi người dùng.
Và sau cùng, các bậc phụ huynh đừng chờ đợi ai bảo vệ, chúng ta cần bảo vệ thanh thiếu niên, trẻ em trước những nội dung rác trên mạng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cha-me-can-bao-ve-con-truoc-noi-dung-xau-doc-tren-mang-xa-hoi-vao-mua-he-179240702175353645.htm