Cần làm gì để bảo vệ trẻ em khi tham gia "vũ trụ ảo"?
Trong khi thế giới đang rất "hào hứng" tìm hiểu về "vũ trụ ảo" (Metaverse), nhiều chuyên gia công nghệ lại bày tỏ lo ngại khi sự phát triển quá nhanh chóng của công nghệ mới này có thể gây ảnh hưởng lớn tới sự an toàn và trong sáng của trẻ em.
Metavers có thể được hiểu là một vũ trụ kỹ thuật số kết hợp các khía cạnh của truyền thông xã hội, trò chơi trực tuyến, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), Internet và tiền điện tử để cho phép người dùng sử dụng công nghệ thực tế ảo để tương tác.
Khi metaverse phát triển, nó sẽ mở ra không gian trực tuyến tương tác của người dùng đa chiều hơn so với các công nghệ hiện tại. Với metaverse, người dùng sẽ có thể hiện thực hóa mọi thứ mà mình tưởng tượng ra từ gặp gỡ bạn bè và gia đình, làm việc, học hỏi, vui chơi, mua sắm, sáng tạo, cũng như những trải nghiệm hoàn toàn mới.
Theo Công ty nghiên cứu McKinsey, trong năm ngoái, các khoản đầu tư liên quan đến công nghệ vũ trụ ảo đã vượt mức 50 tỉ USD, và dự báo con số này có thể sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm nay.
Các chuyên gia cho rằng, dù vũ trụ ảo chưa thực sự phổ biến và các công nghệ bổ trợ vẫn đang được phát triển, nhưng cũng bắt đầu bộc lộ một số vấn đề rất cần được lưu tâm khi các cơ hội kinh tế từ vũ trụ ảo ngày càng trở nên rõ rệt. Trong đó, đặc biệt là những mối lo ngại đối với trẻ nhỏ. Trong vũ trụ ảo, trẻ có thể tiếp xúc với những nội dung tình dục và bạo lực, nguy cơ bị lợi dụng trở thành những người sáng tạo nội dung hoặc có những tiếp xúc không phù hợp với người lớn.
Sở Cảnh sát bang Utah (Mỹ) cho biết, họ ghi nhận ngày càng nhiều trường hợp tiếp cận trẻ nhỏ vì mục tiêu không lành mạnh trong môi trường vũ trụ ảo. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh lại đang khá lơ là, không kiểm soát chặt chẽ khi để con tiếp xúc với thế giới ảo.
Ông Justin Patchin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hành vi đe dọa trên thế giới ảo tại Mỹ, cho biết: Chắc chắn là với mỗi loại công nghệ mới, những mối lo ngại mới cũng sẽ xuất hiện, và với vũ trụ ảo cũng vậy. Hiện các nhà lập pháp chưa thực sự lường trước được những mối nguy do vũ trụ ảo gây ra để có thể đưa ra các quy định, chính sách phù hợp, kịp thời, trong khi đa phần các bậc phụ huynh lại chưa thực sự hiểu rõ về thế giới này. Thật ra, các vấn đề và nguy cơ không hề mới, chúng chỉ xảy ra trên một nền tảng mới mà chúng ta chưa hiểu rõ. Đây mới là điều khiến chúng tôi lo ngại.
Ngoài ra, thế giới vẫn còn hiểu biết rất ít về những tác động tiềm ẩn của vũ trụ ảo đối với sự phát triển của trẻ. Nhiều doanh nghiệp dù chưa đánh giá những trải nghiệm này từ góc độ khoa học nhưng vẫn cho trẻ sử dụng những công nghệ mới. Hiện chỉ có một số doanh nghiệp lớn có đủ tiềm năng đề đầu tư nghiên cứu một cách nghiêm túc về việc đảm bảo an toàn cho người dùng nhỏ tuổi. Tuy nhiên, ngay cả những "ông lớn" về công nghệ như Meta - công ty mẹ của các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram, Facebook và WhatsApp, cũng mới chỉ đang đưa ra những biện pháp tạm thời như giới hạn độ tuổi người dùng từ 13 tuổi trở lên, hay cung cấp quyền kiểm soát những nội dung mà trẻ nhỏ có thể tiếp cận cho cha mẹ.
Bà Michelle Busch-Upwall, chuyên gia giáo dục thuộc Lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm mang đối với trẻ nhỏ bang Utah (Mỹ), cho rằng, thách thức lớn nhất là làm sao để trẻ không tiếp xúc với những nội dung không dành cho lứa tuổi của trẻ, và hiện nay, bức tường bảo vệ đầu tiên chính là các bậc phụ huynh.
Khi vũ trụ ảo dần trở nên phổ biến, thì nhiều đối tượng phạm tội cũng sẽ lợi dụng nền tảng này để tiếp cận với trẻ nhỏ. Cứ mỗi ngày lại có một loại công nghệ mới xuất hiện để thích ứng với vũ trụ ảo đang ngày càng được mở rộng. Do đó, việc phụ huynh cần phải hiểu rõ về những loại công nghệ, thiết bị ảo này trước khi cho phép con em mình sử dụng là hết sức quan trọng và cần thiết.
Các chuyên gia tại Mỹ hiện đang kêu gọi các doanh nghiệp phải đưa ra chính sách bảo vệ người dùng nhỏ tuổi, đồng thời cảnh báo các bậc phụ huynh cần kiểm soát chặt chẽ những nội dung mà con em mình tiếp xúc khi tham gia vào vũ trụ ảo.
Theo đó, phụ huynh cần trò chuyện với trẻ nhỏ, tìm hiểu xem các con đang sử dụng nền tảng nào, nói chuyện với ai, theo dõi nội dung của những người dùng nào... Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tham gia vào môi trường ảo cùng con, vừa có thời gian kết nối với con, nhưng cũng là để kiểm soát những nội dung mà con đang tương tác.
Về phía các doanh nghiệp, giải pháp cần thiết là đảm bảo những người đang xây dựng vũ trụ ảo phải chú trọng các biện pháp bảo vệ trẻ em ngay từ đầu. Nói cách khác là mỗi một phần mềm hay phần cứng được sáng tạo ra đều phải tôn trọng nguyên tắc hàng đầu là trẻ em sẽ sử dụng sản phẩm đó và cần có sự bảo vệ phù hợp đối với trẻ. Theo chuyên gia Megale, mọi sản phẩm đều có tác động đáng kể tới hành vi, cảm xúc và thần kinh của trẻ nhỏ trong giai đoạn "vàng" trẻ hình thành tính cách cho nên trẻ cần phải được bảo vệ dựa trên nguyên tắc đạo đức và an toàn từ khâu thiết kế.
Ông Justin Patchin nói: Tôi nghĩ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần có trách nhiệm rất lớn trong việc bảo vệ trẻ nhỏ khi tham gia vào vũ trụ ảo. Những công ty lớn cần nhanh chóng đưa ra các quy trình bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ.
Các chuyên gia cho rằng ngành này cần được giám sát nhiều hơn trước khi các vấn đề trở nên nghiêm trọng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/can-lam-gi-de-bao-ve-tre-em-khi-tham-gia-vu-tru-ao-179220711004425631.htm