Cách nào để gỡ rối trong việc dạy và học tích hợp?
Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền tự chủ cho nhà trường trong việc tổ chức giảng dạy Chương trình phổ thông mới mà hầu hết các nhà trường và giáo viên còn đang lúng túng trong triển khai thực hiện?
Năm học 2021-2022 vừa qua là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 và các môn học tích hợp đã được giảng dạy.
Môn học tích hợp, giáo viên thì chưa... gộp
Khác với chương trình giáo dục phổ thông 2006, các môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý là những môn học độc lập, đứng riêng lẻ thì hiện nay chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chủ trương xây dựng thành một số môn học tích hợp.
Các môn học: Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp thành môn học Khoa học tự nhiên; các môn Lịch sử, Địa lý được tích hợp thành môn Lịch sử và Địa lý nên các môn học độc lập trước đây trở thành những phân môn trong các môn học tích hợp.
Ngay từ khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn trong quá trình dự thảo thì nhiều ý kiến của đội ngũ nhà giáo trên cả nước đã rất băn khoăn với việc gộp một số môn học đang đứng độc lập thành những môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở. Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới đã được thẩm định bởi các chuyên gia, từ khâu xây dựng chương trình tổng thể, chương trình môn học và khẳng định xu hướng này phù hợp với đổi mới giáo dục.
Khi chương trình tổng thể, chương trình môn học được ban hành chính thức thì Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho đơn vị thực nghiệm và sau đó tiến hành áp dụng đại trà luôn.
Chính vì có một số môn học hoàn toàn mới mà giáo viên thì chưa được đào tạo để dạy tích hợp nhiều môn học nên đa số các trường phải phân công nhiều giáo viên dạy 1 môn học dẫn đến khó khăn trong việc triển khai kế hoạch. Sách giáo khoa thiết kế 1 sách - 1 môn học nhưng có đến 3 thầy cô cùng giảng dạy khiến cho học sinh đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Trong năm học vừa qua, giáo viên ở nhiều trường học túng túng chưa biết thực hiện như thế nào cho phù hợp vì hướng dẫn chuyên môn theo "Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH chương trình giáo dục trung học 2021-2022" về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang "giao quyền tự chủ cho nhà trường".
Dù chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa ở lớp 6 trong năm học vừa qua đã triển khai một số môn học mới như: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên đang chung 1 cuốn sách giáo khoa. Thế nhưng, điều tréo ngoe ở chỗ là các tác giả sách giáo khoa thì vẫn đứng riêng lẻ, phân môn của ai thì người đó viết. Nội dung kiến thức các phân môn vẫn đang được bố trí đứng riêng, độc lập với nhau theo các phân môn.
Giáo viên chưa được tập huấn giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới
Khi cận kề thời điểm giảng dạy chương trình mới ở lớp 6 trong năm học vừa qua thì ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành một số quyết định về việc bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở. Đó là: Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT Ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT Ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý.
Vì thế, về cơ bản thì phần lớn giáo viên dạy 2 môn học tích hợp ở lớp 6 trong năm học vừa qua và kể cả lớp 7 trong năm học tới đây chưa được đào tạo theo hướng dẫn của 2 quyết định trên để dạy cả môn học tích hợp.
Một điều mà đội ngũ giáo viên cảm thấy băn khoăn nữa là trong nội dung của Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT cũng đang được thiết kế từng phần kiến thức riêng lẻ nên có thể những giảng viên dạy các chuyên đề này cũng chỉ dạy những phân môn của mình mà thôi.
Vậy nhưng, với chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì Bộ lại đang hướng tới việc 1 giáo viên cấp Trung học cơ sở có thể dạy được 3 phân môn (Khoa học từ nhiên) và 2 phân môn (Lịch sử và Địa lý). Liệu đây có phải là sự sắp xếp khiên cưỡng hay không?
Bởi lẽ, các chuyên gia viết chương trình, viết sách giáo khoa, các giảng viên đã, đang và sẽ đào tạo giáo viên các môn học tích hợp đều là những người nghiên cứu chuyên sâu, giảng dạy "đơn môn" mà lại hướng giáo viên dạy "đa môn". Trong khi, trình độ giáo viên trung học cơ sở trước đây là cao đẳng, hiện nay là đại học, còn các chuyên gia, các giảng viên đại học đều có học vị, học hàm cao hơn rất nhiều. Vậy mà 1 cuốn sách giáo khoa thì có nhiều chuyên gia cùng đảm nhận viết, biên soạn mà còn chưa ra tích hợp thì 1 giáo viên phổ thông liệu có hoàn thành yêu cầu, mục tiêu mà Bộ đề ra hay không?
Nhiều thầy cô giáo ở cấp trung học cơ sở đang ở độ tuổi trên dưới 50 cũng đồng nghĩa với việc họ đã học xong phổ thông trên dưới 30 năm. Chính họ lo ngại bản thân không "đóng tròn vai" khi đứng trên lớp giảng dạy những nội dung kiến thức mà không phải chuyên môn của mình.
Kiến thức cấp trung học cơ sở với 4 khối lớp và có hàng trăm bài học khác nhau. Hơn nữa, trong việc phân công giảng dạy ở cấp trung học cơ sở, năm nay có thể phân công giáo viên này dạy khối này, sang năm lại được phân công dạy khối khác. Làm thầy mà chưa tường tận sâu, nắm kỹ được kiến thức mình đang dạy thì học trò không phục thầy. Làm sao giáo viên có thể tự tin để đứng trên lớp giảng dạy cả 2-3 phân môn khác nhau, nhất là môn Khoa học tự nhiên?
Rõ ràng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương đưa một số môn học tích hợp vào cấp Trung học cơ sở đang gây ra rất nhiều xáo trộn trong việc sắp xếp nhân sự, phân công thời khóa biểu hàng tuần và ngay cả việc giáo viên phân chia tỉ lệ các đơn vị kiến thức trong các bài kiểm tra định kỳ.
Trong thời gian tới đây, đặc biệt là trước khi bước vào năm học mới, Bộ cần có những hướng dẫn, đốc thúc các địa phương đưa giáo viên đi bồi dưỡng kiến thức tích hợp theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT đã ban hành.
Nếu không, mọi vướng mắc vẫn không thỏa đáng và tiếp tục khiến giáo viên mất tự tin trong giảng dạy khi các trường trung học cơ sở thực hiện cuốn chiếu các môn học tích hợp trong những năm tiếp theo.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cach-nao-de-go-roi-trong-viec-day-va-hoc-tich-hop-179220712150737171.htm