Các nhà tuyển dụng sẵn sàng trả lương cao hơn 36% cho người lao động có kỹ năng AI
Theo nghiên cứu mới của Amazon Web Services (AWS), thuê nhân tài có kỹ năng trí tuệ nhân tạo (AI) là ưu tiên hàng đầu của 9/10 nhà tuyển dụng ở Đông Nam Á. Làn sóng AI đang lan rộng khắp các nước ASEAN, thay đổi cách thức hoạt động của các doanh nghiệp và cách người lao động làm việc.
97% người lao động ASEAN kỳ vọng kỹ năng AI sẽ có tác động tích cực đến sự nghiệp của họ
Amazon Web Services (AWS) - một công ty của Amazon.com - vừa công bố nghiên cứu mới cho thấy khi trí tuệ nhân tạo được khai thác triệt để, các nhà tuyển dụng tại ASEAN sẵn sàng trả mức lương cao hơn từ 36% cho những người lao động có chuyên môn và kỹ năng AI. Trong đó, nhân sự lĩnh vực công nghệ thông tin (49%) và nghiên cứu và phát triển (46%) được hưởng mức lương cao nhất.
Để hiểu rõ hơn về xu hướng và nhu cầu sử dụng kỹ năng AI ở Châu Á - Thái Bình Dương, AWS đã ủy quyền cho Access Partnership thực hiện một nghiên cứu khu vực có tiêu đề "Tăng cường kỹ năng AI: Chuẩn bị lực lượng lao động Châu Á - Thái Bình Dương cho công việc trong tương lai". Gần 6.700 người lao động và hơn 2.000 người sử dụng lao động trên khắp ASEAN đã tham gia khảo sát.
Ngoài mức lương tăng đáng kể, 97% người lao động ASEAN kỳ vọng kỹ năng AI sẽ có tác động tích cực đến sự nghiệp của họ, bao gồm tăng hiệu quả, mức độ hài lòng trong công việc cao hơn và thăng tiến nghề nghiệp nhanh hơn.
92% người lao động ASEAN bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển các kỹ năng AI để thúc đẩy sự nghiệp của họ.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng lợi ích năng suất từ lực lượng lao động có kỹ năng AI rất lớn đối với khu vực ASEAN. Các nhà tuyển dụng được khảo sát kỳ vọng năng suất của tổ chức sẽ tăng 54% khi công nghệ AI tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại (69%), cải thiện quy trình làm việc và kết quả (68%), cũng như tăng cường giao tiếp (64%). Người lao động ASEAN tin rằng AI cũng có thể tăng năng suất của họ lên tới 54%.
Các tổ chức tại ASEAN đang chú trọng đầu tư vào AI
Tốc độ chuyển đổi AI diễn ra trên toàn khu vực ASEAN là rất đáng chú ý. 97% nhà tuyển dụng định hướng trở thành tổ chức dựa trên AI vào năm 2028. Trong khi hầu hết nhà tuyển dụng (96%) tin rằng bộ phận công nghệ thông tin của họ sẽ hưởng lợi lớn nhất, họ cũng thấy trước hoạt động nghiên cứu và phát triển (94%), tài chính (93%), bán hàng và marketing (92%), nhân sự (87%) và pháp lý (81%) cũng mang lại giá trị đáng kể nhờ AI.
Đi sâu vào các ngành công nghiệp chủ chốt trong khu vực ASEAN, nghiên cứu cho thấy ngành dịch vụ tài chính và ngân hàng đang dẫn đầu về ứng dụng AI, với 97% tổ chức sử dụng các giải pháp và công cụ AI hiện nay, theo sát là ngành viễn thông (96%) và khu vực công (92%).
Ông Abhineet Kaul - Giám đốc Access Partnership cho biết: "Làn sóng AI đang lan rộng khắp các nước ASEAN, thay đổi cách thức hoạt động của các doanh nghiệp và cách người lao động làm việc. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng toàn bộ xã hội sẽ được hưởng lợi từ việc tăng năng suất, điều này sẽ dẫn đến mức lương cao hơn cho những người lao động có tay nghề cao trên toàn khu vực".
"Với số lượng ngày càng tăng các tổ chức dự kiến sẽ tăng cường sử dụng các giải pháp và công cụ AI cũng như sự phát triển liên tục của các đổi mới dựa trên AI, các nhà tuyển dụng và chính phủ cần phải nuôi dưỡng một lực lượng lao động thành thạo và có khả năng làm chủ những tiến bộ AI hiện tại và tương lai", ông Abhineet Kaul nhấn mạnh.
AI tạo sinh - một loại AI có thể tạo ra nội dung và ý tưởng mới một cách nhanh chóng, bao gồm các cuộc trò chuyện, câu chuyện, hình ảnh, video, âm thanh,... đã thu hút sự chú ý của công chúng trong năm qua và công nghệ này đã làm thay đổi thị trường lao động trên toàn ASEAN.
Hơn 97% người sử dụng lao động và người lao động được khảo sát kỳ vọng sẽ sử dụng các công cụ AI tạo sinh trong công việc trong vòng 5 năm tới, với 76% người sử dụng lao động nhấn mạnh "tăng cường đổi mới và sáng tạo" là lợi ích hàng đầu, tiếp theo là tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại (66%), và cải thiện kết quả công việc (64%).
Ông Emmanuel Pillai - Giám đốc bộ phận Đào tạo và Chứng nhận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của AWS nhấn mạnh: "AI tạo sinh mang đến cơ hội chưa từng có để chuyển đổi doanh nghiệp trên tất cả các nước ASEAN và nghiên cứu này cho thấy kỹ năng AI là bắt buộc đối với lực lượng lao động trong tương lai. Từ dịch vụ tài chính đến xây dựng và bán lẻ, các ngành công nghiệp đang ứng dụng AI với tốc độ nhanh chóng".
Thu hẹp khoảng cách kỹ năng AI là nhiệm vụ quan trọng
Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng cách về kỹ năng AI đang hiện hữu cần phải được thu hẹp để đảm bảo khu vực này có vị trí tốt nhằm tận dụng tối đa lợi ích năng suất của AI.
Thuê nhân tài có kỹ năng AI là ưu tiên hàng đầu của 9/10 (90%) nhà tuyển dụng ở ASEAN, trong đó gần 72% không thể tìm được nhân tài AI mà họ cần.
Kết quả của báo cáo cũng phát hiện ra lỗ hổng trong nhận thức về đào tạo, theo đó hơn 81% người sử dụng lao động cho biết họ không biết cách thực hiện chương trình đào tạo lực lượng lao động AI. Trong khi đó, 73% người lao động cho biết họ không chắc chắn về con đường sự nghiệp phù hợp mà kỹ năng AI sẽ hữu ích.
Như vậy, cần thiết phải có sự hợp tác lớn hơn giữa các chính phủ, các ngành công nghiệp và các nhà giáo dục để giúp các nhà tuyển dụng trên khắp ASEAN thực hiện các chương trình đào tạo AI và hướng dẫn người lao động kết hợp các kỹ năng AI của họ với các vai trò phù hợp để khai thác các kỹ năng này một cách hiệu quả.
Trong bối cảnh kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng ngày nay, việc nâng cao kỹ năng cho người lao động trong lĩnh vực AI, được xây dựng dựa trên các khuôn khổ và nguyên tắc đạo đức, không chỉ là một lựa chọn chiến lược mà còn là nhiệm vụ quan trọng đối với các chính phủ và tổ chức trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương. Tương lai của việc làm đòi hỏi một lực lượng lao động được trang bị kỹ năng AI để vượt qua thách thức và khai thác các cơ hội để tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững và công bằng cũng như đổi mới toàn diện.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cac-nha-tuyen-dung-san-sang-tra-luong-cao-hon-36-cho-nguoi-lao-dong-co-ky-nang-ai-17924040415355593.htm