Bữa ăn trưa ở trường mầm non - tầm quan trọng với sức khoẻ học đường
Tại Trường Mầm non Gia Quất (tổ 4, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) vấn đề sức khoẻ học đường luôn được ban giám hiệu nhà trường quan tâm sát sao hàng đầu.
Để mang đến cho trẻ những bữa ăn ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm, những giấc ngủ sâu chính là chăm sóc sức khoẻ học đường. Vì vậy, để bữa ăn tại trường đạt hiệu quả cao, ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm đến khâu giao nhận thực phẩm có sự tham gia giám sát của cha mẹ học sinh.
Bữa ăn được lên thực đơn giàu chất dinh dưỡng, được thay đổi theo ngày không trùng lặp, không sử dụng lương thực, thực phẩm trái mùa, chỉ lấy thực phẩm tươi ngon đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ hoạt động trong ngày.
Giáo viên hướng dẫn trẻ các hoạt động trải nghiệm: làm bánh pizza, bánh chuối, nhận thức về bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng.
Hằng năm, công tác đầu tư, mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác chăm sóc, giáo dục đáp ứng được nhu cầu của các bậc cha mẹ học sinh.
Khâu vệ sinh được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác bồi dưỡng kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được nhà trường chú trọng.
Đội ngũ giáo viên thường xuyên được ban giám hiệu cũng như chuyên gia tập huấn công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nhân viên nuôi dưỡng được tập huấn kĩ năng chế biến các món ăn cho trẻ.
Bên cạnh đó tại các lớp chúng tôi cũng rất quan tâm đến công tác tạo môi trường cho trẻ hoạt động trải nghiệm, vui chơi nhằm nâng cao sức khoẻ cho trẻ. Đây cũng là một trong những điều kiện không thể thiếu để nuôi dạy trẻ, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
Không chỉ quan tâm đến công tác chăm sóc sức khoẻ, tạo môi trường cho trẻ, giáo viên còn luôn tìm tòi những bài học hay để lồng ghép vào các tiết học rèn kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ, kỹ năng vệ sinh, hành vi văn minh trong ăn uống, kỹ năng giữ gìn môi trường, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Các dụng cụ ăn uống đồ dùng, đồ chơi của trẻ luôn được vệ sinh sạch sẽ vào thứ 6 mỗi tuần để phòng một số bệnh do virus gây ra, các bệnh dễ lây lan và nguy hiểm tới tính mạng của trẻ, đảm bảo tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống các bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết, và các bệnh theo mùa cho trẻ.
Dạy trẻ cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng bệnh.
Tại các lớp giáo viên chúng tôi luôn quan tâm giáo dục trẻ rửa tay bằng xà phòng, chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ góp phần hình thành nề nếp thói quen tốt, hành vi văn minh có lợi cho sức khoẻ và sự phát triển lâu dài của trẻ, đặc biệt là công tác phòng ngừa dịch bệnh, thường xuyên kiểm tra nguồn nước, diệt muỗi và hợp đồng với nhà cung cấp thực phẩm phải sạch, rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ 2 lần/ năm/ trẻ và kiểm tra cân nặng, chiều cao hàng tháng cho trẻ. Kết quả năm học vừa qua tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm 08% và béo phì giảm 2,1% so với đầu năm học.
Nhà trường không có trẻ bị mắc các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết được phụ huynh học sinh tin tưởng và khen ngợi.
Là những giáo viên nhiều năm chăm sóc các em học sinh mầm non, chúng tôi nhận thấy để nâng cao sức khoẻ học đường, cần thực hiện các giải pháp thiết thực như:
- Tăng cường giáo dục đạo đức và kỹ năng sống lồng ghép vào trong các tiết dạy: Giúp học sinh biết cách giải quyết mâu thuẫn, ứng xử phù hợp và phòng tránh bạo lực học đường.
- Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất: Cải thiện bếp ăn trong nhà trường và nâng cao trình độ của nhân viên nuôi dưỡng.
- Giảm thiểu sử dụng thiết bị điện tử: Quy định thời gian sử dụng thiết bị hợp lý, khuyến khích các hoạt động thể chất và giao tiếp trực tiếp.
- Quan tâm đến giáo dục dinh dưỡng: Giúp học sinh hiểu biết về chế độ dinh dưỡng hợp lý và xây dựng thói quen ăn uống khoa học.
- Chú trọng giáo dục sức khoẻ tinh thần: Tạo môi trường học tập thân thiện, cởi mở và tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý định kỳ.
- Phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội: Chung tay chăm sóc và giáo dục học sinh, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Chăm sóc sức khoẻ học đường là trách nhiệm của toàn xã hội
Vì vậy, mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay để nâng cao sức khoẻ cho học sinh, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nguồn nhân lực đất nước.
Chăm sóc sức khoẻ ban đầu ngay từ trong trường học vì sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cho trẻ em là điều đáng được quan tâm. Sức khoẻ học đường được xem là nền tảng chung của mọi năng lực khác của học sinh, trong đó có năng lực trí tuệ nên cần sự đầu tư đồng bộ.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường học vẫn chưa đảm bảo đầy đủ điều kiện dinh dưỡng cho học sinh. Đội ngũ cán bộ cấp dưỡng còn thiếu kỹ năng, và bữa ăn chưa đảm bảo đủ dinh dưỡng.
Đặc biệt, các trường học ở vùng sâu, vùng xa, miền núi gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức bữa ăn bán trú. Hệ lụy của tình trạng này là học sinh dễ mắc các bệnh về tiêu hóa, béo phì, suy dinh dưỡng, và các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và tinh thần của các em.
Hành động ngay từ hôm nay để xây dựng một thế hệ trẻ khoẻ mạnh, năng động và sáng tạo, góp phần xây dựng một Việt Nam giàu mạnh và thịnh vượng.
(Bài dự thi "Sức khoẻ học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước")
Bài dự thi xin gửi về Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học:
Email: toasoan@congdankhuyenhoc.vn
Địa chỉ: Số 29/67 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bua-an-trua-o-truong-mam-non-tam-quan-trong-voi-suc-khoe-hoc-duong-179240629104355803.htm