Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cân đối giữa đào tạo "thợ" với "thầy" trong quy mô đào tạo chung của đất nước
Tập trung đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để góp phần đào tạo nguồn nhân lực nói chung, nhất là nhân lực chất lượng cao...
Tạo chuyển biến về nhận thức xã hội ý nghĩa của việc học nghề
Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội thuộc Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 6/6/2023, đối với quan điểm, chủ trương đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Chỉ thị số 21 cũng như Nghị quyết của Chính phủ đã đề cập rõ nội dung này, chúng ta cần thực sự tập trung đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng lĩnh vực này để góp phần đào tạo nguồn nhân lực nói chung, nhất là nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh, cân đối hài hòa giữa đào tạo "thợ" với "thầy" trong quy mô đào tạo chung của đất nước.
Về giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, trước hết cần tập trung tạo chuyển biến về nhận thức xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp để tiếp cận công việc mới, nâng cao thu nhập, liên thông học suốt đời; rà soát bổ sung toàn bộ hệ thống các chính sách về giáo dục nghề nghiệp, gắn giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, thực hiện học văn hóa trong trường nghề; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên miền núi…
Rà soát chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới từ góc độ về quan điểm tư duy, chủ trương sẽ rà soát chính sách tăng trưởng xanh của đất nước, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ. Tất cả những vấn đề này có liên quan mật thiết đến một trong ba đột phá đó là phát triển nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã thành lập quỹ, nhưng như các đại biểu Quốc hội nêu, năng suất lao động ta chưa có sự bứt phá. Do vậy, cần tập trung cho vấn đề nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực, có sự kết nối liên thông từ giáo dục phổ thông đến giáo dục trung cấp, cao đẳng, đại học, cao học và giáo sư, tiến sĩ. Điều này đòi hỏi sự kết nối liên thông giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu và chuyển giao công nghệ và nghiên cứu triển khai. Trong đó, đào tạo cần sự phân bổ các nguồn lực để tập trung đào tạo, đặc biệt đối với doanh nghiệp cần quan tâm đến nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dược sinh học, kết nối vạn vật, máy tính lượng tử, năng lượng mới….
Đây là những tiềm năm tạo ra công ăn việc làm cho lao động, nhưng xuất phát điểm phải xuất phát từ nguồn lực, Việt Nam có thể đi sau nhưng nhưng có thể đón đầu, đặc biệt liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.
4.500 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người lao động
Về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Trong Chương trình thực hiện Nghị quyết số 43, nhằm phục hồi thị trường lao động, thu hút người lao động quay trở lại thị trường, Quốc hội cho phép sử dụng tối đa 6.800 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho người lao động, trên thực tiễn, sau khi Quốc hội có chủ trương, Chính phủ đã đưa ra tiêu chí phân bổ cụ thể.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã bám sát đúng tiêu chí, mục tiêu, đối tượng thì sử dụng hết 4.500 tỷ đồng, đến giờ này, tất cả các đối tượng thuộc diện đó đều được cấp tiền theo quy định. Còn lại 2.300 tỷ đồng, do không sử dụng hết, không đúng mục tiêu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hoàn trả lại ngân sách, đề xuất sử dụng vào các chính sách khác cũng phục vụ lợi ích cho người lao động.
Đảm bảo quyền lợi cho lao động Việt Nam ở nước ngoài khi đóng bảo hiểm xã hội
Về việc đảm bảo quyền lợi cho người Việt Nam lao động ở nước ngoài khi đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là vấn đề liên kết giữa các nước, có sự thỏa thuận, hợp tác giữa các nước. Chúng ta đã ký kết hiệp định song phương với Hàn Quốc, người Việt Nam lao động tại Hàn Quốc chỉ phải đóng bảo hiểm xã hội một lần. Với Nhật Bản, chúng ta đã tiến hành 5 vòng đàm phán nhưng chưa đạt được thành công.
Với người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài, ở các nước chưa ký hiệp định song phương về bảo hiểm, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, người lao động thường chỉ tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, rủi ro, thương tật chứ không phải tham gia bảo hiểm tử tuất, bảo hiểm thất nghiệp. Sắp tới, khi sửa luật Bảo hiểm xã hội và luật sửa đổi chính thức có hiệu lực, chúng ta sẽ có thay đổi trong vấn đề này.
Sáng 6/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội với những nội dung cơ bản như sau:
(1) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
(2) Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.
(3) Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.