Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về sách giáo khoa.
Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định sách giáo khoa. Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và hội đồng thẩm định cấp tỉnh.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nguyên tắc biên soạn sách giáo khoa
Theo dự thảo, tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu chung đối với sách giáo khoa, bao gồm nguyên tắc biên soạn, trình bày nội dung sách, giấy in sách, khuôn khổ sách, in sách, gia công sách và phương pháp thử. Tiêu chuẩn quốc gia về sách giáo khoa chỉ áp dụng cho sách in, không áp dụng cho sách điện tử.
Nguyên tắc thứ nhất, phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.
Nguyên tắc thứ hai, cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, lớp học, môn học và hoạt động giáo dục.
Nguyên tắc thứ ba, gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam và phù hợp với xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới, bảo đảm tốt nhất lợi ích của người học.
Trình bày nội dung sách giáo khoa
Đối với bìa sách giáo khoa, trình bày theo thứ tự từ trên xuống các thông tin sau đây:
1. Tên tác giả (cá nhân hoặc tập thể): Tên tác giả là cá nhân, ghi họ tên, có thể ghi thêm học hàm, học vị (nếu có). Tên tác giả là tập thể phải ghi thêm tên người chủ biên.
2. Tên sách. Dưới tên sách ghi thêm tên lớp hoặc cấp học. Ví dụ: Lớp 1, Lớp 2, Sách tiểu học…
3. Lô gô, tên nhà xuất bản và lô gô, tên đối tác liên kết.
Những thông tin ghi ở trang tên sách trong ruột sách cần có đầy đủ thông tin:
1. Tên tác giả (có thể có học hàm, học vị; nếu là tập thể thì ghi tên người chủ biên, hoặc người tổng chủ biên, người chủ biên từng phần, và tên từng thành viên)
2. Tên sách
3. Tên người dịch (nếu là sách dịch) hoặc tên người phiên âm (nếu là sách phiên âm từ chữ Nôm), tên người hiệu đính (nếu có)
4. Thể loại
5. Số tập
6. Lần tái bản
7. Thông tin về bản quyền (có thể ghi ở vị trí khác tùy theo đối tác quy định trong hợp đồng về bản quyền), thường in ở sau trang bìa lót hoặc sau trang tên sách (nếu sách không có bìa lót)
8. Biên mục trên sách được ghi ở mặt sau trang tên sách hoặc mặt sau trang bìa lót (nếu sách có bìa lót).
Khuôn khổ sách giáo khoa: Yêu cầu về khổ sách giáo khoa được quy định từ khổ 17 cm x 24 cm đến khổ 20,5 cm x 28 cm.
Các ý kiến góp ý vào Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về sách giáo khoa gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo địa chỉ:
- Vụ Cơ sở vật chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo, 35 Đại Cồ Việt, Hà Nội (góp ý bằng văn bản).
- Các góp ý gửi qua Email: vucsvc@moet.gov.vn hoặc tatruong@moet.gov.vn.
Sách giáo khoa là xuất bản phẩm đặc biệt, được quy định tại Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, ngày 14/6/2019.
Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội; sách giáo khoa thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi Braille, sách điện tử.
Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bo-giao-duc-va-dao-tao-lay-y-kien-du-thao-tieu-chuan-quoc-gia-ve-sach-giao-khoa-17923042811213807.htm