Bình dân học vụ số - chiến lược mới của phong trào xây dựng xã hội học tập
Phong trào "Bình dân học vụ số" thực sự là một xu hướng tầm cỡ toàn cầu (Megatrend) trong giáo dục Việt Nam để xây dựng xã hội học tập.
Những bức ảnh tư liệu về thời Bình dân học vụ 1945.
Bình dân học vụ số là gì?
Để nhận diện Bình dân học vụ số, phải hiểu trước hết Bình dân học vụ là gì?
Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024), Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có một bài viết đánh giá những thành tích lớn lao của sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa, trong đó ông nói đến phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên bàn nghị sự cuộc họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời (ngày 3/9/1945). Chính phủ non trẻ đã coi giệt giặc dốt như một nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.
Ngày 8/9/1945, Chính phủ cách mạng lâm thời đã ban hành 3 sắc lệnh:
Sắc lệnh 17/SL: Lập ra Bình dân học vụ trên toàn cõi Việt Nam.
Sắc lệnh 19/SL: Lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối.
Sắc lệnh 20/SL: Việc học chữ quốc ngữ là bắt buộc và không mất tiền. Hạn trong 1 năm, những người từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết.
Phong trào bình dân học vụ 1945 đã được toàn dân hưởng ứng. Chỉ sau 5 năm từ ngày Chính phủ ban hành 3 sắc lệnh nói trên, cả nước đã có 12,2 triệu người thoát khỏi nạn mù chữ cơ bản (tại thời điểm đó, dân số nước ta mới trên 20 triệu người), 10 tỉnh với 80 huyện, hơn 1.400 xã được công nhận đã thanh toán nạn mù chữ.
Như vậy, Bình dân học vụ là phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân, được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa phát động ngày 8/9/1945, ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập. Phong trào này nhằm giải quyết "giặc dốt" - một trong các vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam lúc bấy giờ".
Từ khái niệm Bình dân học vụ trên đây, chúng ta sẽ xác định nội hàm và ngoại diện của khái niệm Bình dân học vụ số mà Tổng Bí thư đã nêu lên và đề nghị phát động thành một phong trào trong nhân dân.
Bình dân học vụ số là một thuật ngữ không có trong các loại từ điển nào như Từ điển bách khoa số wikipedia, Từ điển Bách khoa giáo dục, Từ điển Bách khoa toàn thư, các loại từ điển song ngữ v.v... ở Việt Nam.
Bình dân học vụ số là một cách dùng thuật ngữ mang tính ẩn dụ, muốn nói đến phong trào học tập suốt đời của toàn dân hiện nay, trong điều kiện của một xã hội đã hiện đại hóa, đi vào kinh tế tri thức bằng phương pháp chống sự dốt nát trong xã hội hiện đại và gói gọn phong trào đó bằng thuật ngữ Bình dân học vụ đã được dùng trong giai đoạn 1945-1950.
Để đi sâu vào khái niệm Bình dân học vụ xưa và nay, tôi xin được phân biệt khái niệm Bình dân học vụ trong Sắc lệnh 19/SL và 20/SL bằng thuật ngữ Bình dân học vụ 1945, còn Bình dân học vụ số bằng thuật ngữ Bình dân học vụ 2024.
Những tương đồng và những khác biệt giữa Bình dân học vụ 1945 và Bình dân học vụ số 2024
Về nội dung chống giặc dốt, xóa nạn mù chữ
Bình dân học vụ 1945 vận động nhân dân xóa nạn mù chữ cơ bản, tức là không biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhưng ở thời điểm đó, có tới 95% dân số không biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Từ đó, hầu như các sách báo được in ra chỉ có 5% dân số tìm đọc.
Bình dân học vụ 1945 vận động nhân dân xóa nạn mù chữ cơ bản: biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, biết làm 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia.
Bình dân học vụ số 2024 cũng vận động toàn dân xóa nạn mù chữ, nhưng không phải là mù chữ cơ bản, mà là mù chữ chức năng (Functional Illiteracy), tức là người có học vấn ở trình độ nhất định nhưng không cập nhật được những kỹ năng mới nên làm việc thiếu hiệu quả.
Nhiều người thường nói đến xóa mù chữ trực dụng (Direct illiteracy), là có chữ những không dùng được. Ngoài ra, Bình dân học vụ số 2024 còn chống mù máy tính, mù ngoại ngữ, mù nghề... Các loại mù này là rào cản đối với mọi hoạt động của con người hiện đại.
Về đối tượng học tập của Bình dân học vụ 1945 và Bình dân học vụ số 2024
Bình dân học vụ 1945 huy động mọi trẻ em thất học, mọi người lớn chưa biết chữ quốc ngữ đi học. Những người đã biết chữ không phải là đối tượng của Bình dân học vụ 1945.
Còn Bình dân học vụ số 2024 coi mọi người trong xã hội, không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, trình độ học vấn, thành phần dân tộc, tôn giáo và tín ngưỡng, tất cả đều là học trò. Ai thiếu hụt kiến thức nào, kỹ năng nào thì có trách nhiệm học tập để khỏa lấp sự thiếu hụt đó.
Bình dân học vụ số 2024 không cho phép bất cứ ai đứng ngoài việc học tập thường xuyên hoặc khước từ nghĩa vụ học tập suốt đời do Đảng và Nhà nước yêu cầu.
Về cách tổ chức học tập của Bình dân học vụ 1945 và Bình dân học vụ số 2024
Bình dân học vụ 1945 tổ chức các lớp học hết sức linh hoạt: Học dưới hình thức lên lớp đông người hoặc ít người, thậm chí có lớp học 1 người giảng bài và 1 người là học viên.
Người ta có thể học trong nhà dân, trong đình chùa hay nhà thờ, học ngay đầu bờ ruộng, dưới gốc đa đầu làng; bộ đội học trong giờ hành quân, dân công học trên đường vận chuyển lương thực ra hỏa tuyến. Nhiều khi người dân học dưới hầm trú ẩn. Lớp học có thể vào ban ngày, giữa trưa, lúc tờ mờ sáng hoặc ban đêm.
Song dù học theo hình thức nào thì vẫn là cách học trực tiếp (Offine learning).
Bình dân học vụ số 2024 đòi hỏi học viên tự học là chính, và nếu học viên có smartphone, tablet, ipad hay computer thì có thể học mọi lúc mọi nơi (Ubiquitous learning), học trực tiếp (Offline learning) hoặc học trực tuyến (Online learning) hoặc học kết hợp trực tiếp - trực tuyến (Blended learning).
Bình dân học vụ số 2024 cũng đòi hỏi người học nên tận dụng tự học ở nhà, học ở nơi làm việc, cũng có thể học trên tàu hỏa, trên máy bay trên xe ô tô...
Ưu thế của Bình dân học vụ số 2024 so với Bình dân học vụ 1945 là xu hướng tự học và học trực tuyến. Phương pháp này ngày càng chiếm thời giờ nhiều hơn trong tổng số thời gian học tập của mỗi người.
Yêu cầu trình độ học vấn của Bình dân học vụ 1945 và Bình dân học vụ số 2024
Bình dân học vụ 1945 có mục tiêu thực hiện trình độ biết đọc, biết viết và 4 phép tính thông thường. Việc này cần làm xong trong dăm ba tháng. Người dân muốn học cao hơn phải dựa vào hệ thống Bổ túc văn hóa.
Bình dân học vụ số 2024 đòi hỏi con người coi học tập là một hành trình theo suốt đời người. Ở xã hội số, với nền kinh tế số, người dân không chỉ học để xong giáo dục phổ thông, mà còn phải tiếp tục học ở trình độ cao hơn.
Đại chúng hóa học vấn đại học là một xu hướng phát triển để người lao động ai cũng có ít nhiều học vấn bậc cao. Trong giai đoạn chuyển đổi số, phát triển kinh tế tri thức, học vấn phổ thông không giúp cho người lao động rời ghế nhà trường đi thẳng vào lao động nghề nghiệp.
Yêu cầu về giáo viên và học liệu của Bình dân học vụ 1945 và Bình dân học vụ số 2024
Bình dân học vụ 1945 không yêu cầu ở người dạy học trình độ đào tạo sư phạm, chỉ cần họ biết chữ, một chút ít học vấn phổ thông và nhiệt tình với việc dạy học. Thậm chí có người vừa được chứng nhận thoát nạn mù chữ đã tham gia dạy tập đánh vần cho những người đang hoàn toàn mù chữ. Người dạy không có sách giáo khoa cũng vẫn lên lớp. Khi học viên đã biết đánh vần, thầy giáo có thể lấy một mẩu tin hoặc trích một đoạn ngắn ngay trong tờ báo Cứu quốc làm bài tập đọc.
Trên đường từ nhà ra chợ, từ cổng làng tới điếm canh của mỗi thôn làng, cán bộ bình dân học vụ viết các khẩu hiệu tuyên truyền kháng chiến lên các nong, nia dựng ở hai bên đường. Các ông bà, anh chị học lớp bình dân đi đâu cũng gặp các chữ viết trên bờ tường, trên nong nia, nhẩm đánh vần và nhờ đó, coi như đang ôn bài.
Bình dân học vụ số 2024 ngày nay có đối tượng là người đã thoát khỏi mù chữ cơ bản (hiện nay, tỉ lệ người ở độ tuổi 15-60 hầu như đã đạt trình độ xóa mù chữ cơ bản mức độ 1: có trình độ văn hóa tương đương lớp 3 phổ thông).
Còn lứa thanh niên hiện nay thường đã học xong cấp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, cho nên họ đòi hỏi cao nội dung đào tạo, huấn luyện tại các trung tâm học tập cộng đồng, các nhà văn hóa hoặc các thư viện.
Lớp trẻ hầu như đã được trang bị điện thoại di động thông minh. Vì thế, lớp học Bình dân học vụ số 2024 phần nhiều là lớp học cấp trung học. Nhiều người lớn tới các lớp "Bình dân" hiện nay đều có học vấn trung học. Họ thường là những người lao động có nhiều kinh nghiệm, đã có học vấn cơ sở, cho nên việc soạn bài giảng cho họ phải là người có trình độ trung cấp hoặc đại học. Nguồn học liệu đáp ứng nhu cầu học của học viên phải rất phong phú và đa dạng.
Tại những lớp học, khóa học về chuyển giao công nghệ, về áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất hoặc về vấn đề khởi nghiệp, về các xu thế kinh doanh, dịch vụ... giáo viên phải tìm tòi nhiều tài liệu để soạn bài và những tài liệu tham khảo cần thiết.
Giáo viên của Bình dân học vụ số 2024 không thể hơn học viên "nửa" chữ như thời dạy các lớp Bình dân học vụ 1945 ngày trước.
Thực chất của Bình dân học vụ số 2024 và xu thế phát triển của phong trào này
Dưới lăng kính xã hội học tập, Bình dân học vụ số thực chất là phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phong trào được khơi dậy từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001) khi Đảng chủ trương chuyển mô hình giáo dục truyền thống sang mô hình giáo dục mở, tức là sang mô hình xã hội học tập.
Xã hội học tập là một môi trường giáo dục mà trong đó, việc học tập suốt đời không chỉ là một quyền lợi, mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân. Trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức dưới tác động thúc đẩy của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xã hội học tập được coi như một hệ sinh thái giáo dục vĩ mô mà đặc trưng của nó là:
1. Mỗi người dân, không loại trừ bất cứ ai, kể từ nhà lãnh đạo cao nhất cho đến người dân bình thường nhất, đều là những học trò, là những người suốt đời ở vị thế người đi học. Họ thực hiện những hành trình hướng tới tri thức (The Journey to get knowledge) kết nối với hành trình sáng tạo tri thức (The Journey for creating knowledge) trong suốt cuộc đời.
Con người trong xã hội học tập buộc phải lựa chọn một trong hai hướng đi: Hoặc học hỏi không ngừng vì sự phát triển bền vững của xã hội, vì sự trường tồn của quốc gia và của dân tộc, hoặc khước từ học tập và bị cuộc sống gạt sang lề đường phát triển đi lên của toàn dân.
2. Xã hội học tập đòi hỏi mỗi người học tập suốt đời để phát huy tận lực những năng lực tiềm ẩn trong họ. Học tập suốt đời là điều kiện để Đảng và Nhà nước trao quyền (empower) cho việc thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế và văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với những biến cố trong đời sống, làm chủ cuộc sống của mình.
3. Sống trong xã hội học tập, mỗi người dân đều có trách nhiệm trở thành những công dân học tập (learning citizen), thực chất là trở thành những công dân có đủ những năng lực cốt lõi và những phẩm hạnh mà thế kỷ XXI đòi hỏi để xây dựng đời sống cá nhân hạnh phúc, xây dựng đất nước giàu mạnh, giữ gìn đời sống hòa bình trên toàn cầu.
Những công dân trong giai đoạn chuyển đổi số phải đạt yêu cầu của công dân số (Digital citizen) để đáp ứng yêu cầu của một xã hội số với nền kinh tế số dưới sự điều hành của Chính phủ số.
Những công dân học tập cần trau dồi các năng lực để trở thành công dân toàn cầu (Global citizen). Đó là những người có đủ điều kiện để đi ra thế giới hoạt động, làm ăn, chung sống với những dân tộc khác, làm cho thế giới trở thành một ngôi nhà toàn cầu.
4. Đặc tính cơ bản của Bình dân học vụ số 2024 là sự tự học và chia sẻ kiến thức đã có cho mọi người, hỗ trợ, giúp đỡ và động viên mọi người.
Chia sẻ tri thức là cách học thông minh nhất, nhanh chóng tiếp thu được khối lượng tri thức lớn nhất. Tri thức trong mỗi người như một đốm lửa nhỏ. Người ta biết chia sẻ ngọn lửa nhỏ đó cho nhau, chẳng mấy chốc, các đốm lửa đó sẽ trở thành một rừng lửa.
5. Trong xã hội học tập, ta có rất nhiều thầy giáo. Có thầy giáo trên lớp thực, có thầy giáo trên lớp ảo. Chúng ta có cả vạn, cả triệu thầy giáo lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ tri thức của mình cho người khác. Cái vĩ đại của Bình dân học vụ số 2024 là như vậy: Ai cũng là thầy và ai cũng là trò!
6. Trong thời kỳ Bình dân học vụ 1945, khẩu hiệu của việc học là "Chữ Quốc ngữ cho mọi người" thì ngày nay, trong phong trào khuyến học, khuyến tài, khẩu hiệu là "Học tập suốt đời cho mọi người".
Nếu như ngày trước việc học nhằm vào việc ai cũng biết chữ thì ngày nay, việc học đã tạo nên những gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập. Trước đây, chúng ta phấn đấu chữ Quốc ngữ đến với từng người thì ngày nay, tri thức hiện đại, công nghệ sản xuất mới, kỹ thuật sản xuất tiên tiến đến với từng nhà, từng dòng họ, từng thôn bản và tổ dân phố, từng đơn vị trong các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể.
7. Việc học tập suốt đời đang phát triển những nông thôn mới, những vùng nông nghiệp xanh bền vững như Đồng bằng sông Cửu Long, vùng nông nghiệp thông minh tại một số địa phương của Đà Lạt, Thanh Hóa, Hà Nội...
Việc học tập suốt đời cũng đem lại cho Việt Nam những đô thị sinh thái như Waterpoint (An Thái, Bến Lức, Long An), Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên); những đô thị giành được giải thưởng "Thành phố thông minh" như Đà Nẵng, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh; những thành phố tham gia mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu" như Cao Lãnh, Sa Đéc (Đồng Tháp), Vinh (Nghệ An), Sơn La (tỉnh Sơn La) và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phong trào "Bình dân học vụ số" thực sự là một xu hướng tầm cỡ toàn cầu (Megatrend) trong giáo dục Việt Nam.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/binh-dan-hoc-vu-so-chien-luoc-moi-cua-phong-trao-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-179250108153742856.htm