Biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nặng nề tới các quốc gia Đông Nam Á

16:46 - 21/08/2023

Các quốc gia Đông Nam Á được dự đoán sẽ phải hứng chịu sự gia tăng 40% các thảm họa liên quan đến thời tiết vào năm 2030 so với năm 2015. Thiệt hại từ biến đổi khí hậu sẽ tác động đến sự phát triển của các khu vực bị ảnh hưởng.

Các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức do hậu quả của biến đổi khí hậu

Theo SCMP, biến đổi khí hậu đang quét qua các vùng đất và cuộc sống của chúng ta. Kể từ năm 2012, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã trải qua hơn 4.000 đợt lũ lụt, lốc xoáy, bão, hạn hán nghiêm trọng và các thảm họa khác liên quan đến khí hậu.

Trước những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Cơ quan quản lý thảm họa của ASEAN đã được thiết lập và ban hành một thỏa thuận khu vực, bao gồm Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp giai đoạn 2021-2025 và Tầm nhìn ASEAN 2025 về Quản lý thiên tai.

Biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nặng nề tới các quốc gia Đông Nam Á - Ảnh 1.

Một khu dân cư bị ngập lụt ở Yong Peng, Johor, Malaysia, ngày 4/3/2023. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nếu sự nóng lên toàn cầu tiếp tục không được kiểm soát, những nỗ lực này sẽ là chưa đủ. Các quốc gia Đông Nam Á được dự đoán sẽ phải hứng chịu sự gia tăng 40% các thảm họa liên quan đến thời tiết vào năm 2030 so với năm 2015. Hậu quả thiệt hại từ biến đổi khí hậu có thể tác động lan tỏa đến sự phát triển của các khu vực bị ảnh hưởng.

ASEAN với tầm nhìn trở thành tổ chức đi đầu toàn cầu trong quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp, tiếp tục vượt qua thách thức. Thực tế từ đại dịch COVID-19, nhân loại đã hiểu được mối liên hệ giữa hiểm họa khí hậu và các yếu tố phi khí hậu.

Thế giới đã vượt qua đại dịch COVID-19, tuy nhiên các rủi ro của biến đổi khí hậu như thiệt hại, mất mát gia tăng do thiên tai, tình hình thiếu lương thực và nước sạch, sự di dời dân cư đang diễn ra và ngày càng nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới.

Điều này đã được dự báo bởi Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu, nếu không có hành động nào được thực hiện để giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Do đó, khả năng của toàn bộ khu vực phải được tăng cường để ngăn chặn những thảm họa này và việc phục hồi nền kinh tế - xã hội sau những ảnh hưởng của thiên tai.

hop tac ASEAN.png

Ảnh: phongchongthientai.mard.gov.vn

Xây dựng cộng đồng khu vực Đông Nam Á thành công, bền vững và có khả năng chống chọi với thiên tai

Các quốc gia thành viên ASEAN cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện và hiệu quả hơn để quản lý tốt hơn các thảm họa trong tương lai. Điều này chỉ có thể đạt được một cách hiệu quả từ sự phối hợp với các cơ quan liên ngành, trong đó đáng chú ý là Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

Diễn đàn về khả năng phục hồi thảm họa ASEAN khai mạc tại Singapore vào ngày 22-23/8 sẽ tập hợp các quan chức cấp cao của chính phủ, các học giả nổi tiếng từ các lĩnh vực khác nhau để thảo luận về một loạt vấn đề liên quan đến quản lý thảm họa trong khu vực. Từ đó đánh giá, xem xét và định hình các chương trình phục hồi thảm họa. Tiềm năng của các đối tác về khoa học, công nghệ và đổi mới cũng như sự linh hoạt về văn hóa xã hội, kinh tế và tài chính trong khu vực sẽ được tận dụng để thúc đẩy quan hệ đối tác công tư chiến lược.

Các quan chức cấp cao từ các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác của ASEAN, đại diện từ các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức tài chính đa phương, các tổ chức khu vực tư nhân, các tổ chức từ thiện và các tổ chức khác sẽ trao đổi kinh nghiệm và vạch ra lộ trình phục hồi thảm họa trong khu vực.

Sự kiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận tập thể và toàn diện đối với quản lý thảm họa và tăng cường nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng một cộng đồng khu vực Đông Nam Á thành công, bền vững và có khả năng chống chọi với thiên tai.

Hội nghị thường niên lần thứ 42 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) diễn ra vào ngày 13/6/2023, tập trung thảo luận các nội dung: Cập nhật tiến độ thực hiện chương trình công tác Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (AADMER) giai đoạn 2021-2025; rà soát các tiến độ xây dựng và triển khai các văn kiện, cơ chế, hoạt động về hợp tác khu vực trong quản lý thiên tai như: Chiến lược khu vực ASEAN về khắc phục hậu quả thiên tai (2023-2024); sáng kiến của thanh niên ASEAN vì một khu vực chống chịu thiên tai; khung truyền thông rủi ro thiên tai ASEAN; quy định tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp ASEAN; chuẩn bị công tác diễn tập khu vực ASEAN về ứng phó khẩn cấp thiên tai (ARDEX) 2023 tại Indonesia…

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bien-doi-khi-hau-dang-gay-anh-huong-nang-ne-toi-cac-quoc-gia-dong-nam-a-17923082116305231.htm