Bay flycam trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Việc sử dụng thiết bị bay flycam ở Việt Nam không bị cấm hoàn toàn. Nhưng để được phép bay, người sử dụng phải làm thủ tục xin phép bay để phòng trừ yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.
Bước vào mùa du lịch và lễ hội Xuân, nhu cầu quay phim, chụp ảnh, đặc biệt là chụp ảnh bằng thiết bị bay không người lái flycam tăng đột biến. Tại nhiều địa phương, quy định về hoạt động flycam chưa được phổ biến và rất nhiều cá nhân vi phạm nghị định của Chính phủ, bị thu giữ thiết bị, xử phạt hành chính mà không hiểu tại sao.
Nhiều công dân thắc mắc đặt ra câu hỏi: Ai được phép sử dụng flycam? Được sử dụng khi nào, ở đâu? Trong trường hợp nào người dân sử dụng thiết bị bay không người lái flycam thì vi phạm pháp luật và bị xử lý như thế nào?
Flycam/drone hiểu một cách đơn giản là camera bay hoặc máy quay phim điều khiển từ xa. Thiết bị này phục vụ cho việc quay phim, chụp ảnh và ngày càng được ưa chuộng ở Việt Nam, đặc biệt là trong hoạt động du lịch, truyền thông. Điều khiển flycam ngày càng trở nên dễ dàng vì sóng kết nối được cải thiện, hình ảnh mang lại sắc nét, góc nhìn từ trên cao độc đáo.
Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam đặt ra giới hạn nhất định đối với hoạt động bay này nhằm phòng trừ các nguy cơ an ninh; ngăn ngừa hành vi bay flycam quá giới hạn có thể vi phạm luật của công dân. Nhất là các khu vực quân sự, khu vực biên giới, khu vực bảo vệ tuyệt đối, khu vực hạn chế quay phim chụp ảnh thì hành vi bay flycam bị cấm.
Nghị định 36/2008/NĐ-CP quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ của Chính phủ nêu rõ:
Điều 5. Quản lý điều hành, giám sát hoạt động bay
Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý điều hành, giám sát bay đối với tàu bay không người lái, khí cầu bay không người điều khiển, mô hình bay, khí cầu có người điều khiển nhưng không cất cánh, hạ cánh từ các sân bay được mở cho hoạt động dân dụng. Nội dung quản lý bay gồm:
1. Thiết lập, cấp phép, trả lời, thông báo khu vực được tổ chức hoạt động bay.
2. Chỉ định cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, giám sát các hoạt động bay.
Việc quy định cơ quan quản lý, điều hành và giám sát trực tiếp chuyến bay được xác định trong từng phép bay.
Điều 8. Thẩm quyền cấp phép, từ chối, đình chỉ hoạt động bay
1. Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu cấp phép, từ chối cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái, các loại khí cầu bay không người điều khiển, các loại mô hình bay, các loại khí cầu có người điều khiển nhưng không cất, hạ cánh từ các sân bay được mở cho hoạt động dân dụng.
Địa chỉ hộp thư liên lạc: số 1 Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Số điện thoại liên hệ: 069 533200; 069 533105.
Điều 16 của Nghị định 36/2008/NĐ-CP cũng quy định các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Nghị định này tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, chế tài xử phạt đối với hoạt động bay flycam khi chưa được cấp phép căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, điểm i khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, điểm k khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định việc sử dụng flycam không xin giấy phép bay flycam sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi sử dụng tàu bay không người lái chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép.
Công dân cũng cần phân biệt các Nghị định của Chính phủ về mức xử phạt đối với hoạt động hàng không dân dụng, không áp dụng đối với trường hợp máy bay điều khiển từ xa như flycam.
Theo quy định quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ được nêu rõ trong nghị định 36/2008/NĐ-CP (đã sửa đổi theo Số: 79/2011/NĐ-CP) thì: các tổ chức, cá nhân sử dụng tàu bay không người lái, khí cầu bay không người điều khiển, mô hình bay, khí cầu có người điều khiển để thực hiện các chuyến bay trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao, nghiên cứu khoa học cần thực hiện xin cấp phép bay theo đúng quy định của pháp luật.
Tóm lại, những hành vi không đăng ký mà tự ý bay flycam trên bầu trời vào các khu vực có quản lý, có quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính. Nếu hành vi bay xâm phạm vào các điều khoản vi phạm luật, thậm chí nếu gây ra hậu quả đến tính mạng, danh dự, sức khoẻ của công dân, tổ chức… có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/bay-flycam-trai-phep-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-179240205175407493.htm