Bản lĩnh thầy thuốc, người đi kẻ ở
Theo số liệu thống kê sơ bộ, thời gian qua, có hơn 4.800 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 420 viên chức công tác tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.
Gia đình tôi, chỉ kể anh, chị em, con cháu, dâu rể có 9 người đang làm việc trong ngành y. Nói thế để thấy, bất cứ vấn đề nào của ngành y đều như thể đó là chuyện gia đình tôi. Và câu chuyện y bác sĩ, công chức, viên chức trong ngành y thời gian gần đây xin nghỉ việc cũng là một trong những câu chuyện "gây sóng" trong gia đình.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, thời gian qua, có hơn 4.800 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 420 viên chức công tác tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.
Nhiều nhất ở 2 thành phố, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tính riêng năm 2021 có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc và tính riêng quý 1/2022 đã có gần 400 người nghỉ việc. Hà Nội, trong báo cáo của Uỷ ban nhân dân tại Kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, có gần 900 nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác.
Tình trạng y bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ việc, bỏ việc hoặc chuyển công tác từ bệnh viện công ra bệnh viện tư tạo "làn sóng" báo động đến năng lực khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế công. Bộ Y tế đã phải có văn bản gửi các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo tình hình nhân viên y tế nghỉ việc hoặc bỏ việc.
Nói về nguyên nhân, có thể thấy mấy vấn đề sau. Trong thời gian dịch COVID-19, xã hội giãn cách, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị sụt giảm. Từ đó dẫn tới khó khăn trong việc bệnh viện trả lương cho cán bộ, nhân viên. Thu nhập giảm, cùng với hơn 2 năm chống dịch, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế làm việc kiệt sức, song thù lao họ nhận được chưa tương xứng với công sức, vất vả họ bỏ ra. Ngoài ra, cường độ và áp lực công việc cao, cơ sở vật chất của các cơ sở y tế công lập hạn chế, môi trường làm việc căng thẳng, mệt mỏi.
Trong khi đó, mức trả thù lao ở các cơ sở khám, chữa bệnh tư cao hơn 3-4 lần, có nơi cao gấp 5-6 lần thu nhập tại các cơ sở y tế công lập. Cở sở y tế mới đầu tư cơ sở vật chất và thu hút nhân tài, chữa bệnh chất lượng cao. Còn một nguyên nhân nữa "nhạy cảm" mà ít được nói đến; thời gian qua, ngành y có chuyện "cán bộ" dính líu đến "án kinh tế" và khó khăn trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuốc chữa bệnh. Tựu trung lại, nói nhanh là nguyên nhân tất cả cũng chính là vì làm việc căng quá mà thu nhập lại ít đi.
Quy luật cuộc sống "hay thì ở - dở thì chuồn", chuyện đi hay ở cũng là lẽ thường tình. Nghĩ thế nhưng rồi lại giật mình. Công tác đào tạo để có được một chuyên gia, có một y, bác sĩ lành nghề thời gian đâu có ngắn và kinh phí cũng đâu có ít. Nếu thày thuốc cứ chỉ đặt thù lao lên cao thì "công" đào tạo sẽ "đổ sông đổ bể", gánh vác "vất vả" dành cho ai?
Khi xác định bước chân vào nghề y, chắc chắn không ai không thuộc nằm lòng lời thề Hippocrates, 12 điều y đức của nghề y - nghề mà xã hội tôn trọng gọi là "thầy".
Có một vấn đề đặt ra, tất cả những "vướng mắc" của ngành y thời gian qua, các cơ quan chức năng, các nhà làm chính sách có biết không? Tất cả mọi khó khăn cộng lại để đến "nỗi" nhân lực ngành y bỏ việc, xin công ra tư, chuyển công tác. Người gánh hậu quả lại là người bệnh, đau đớn về thể xác giờ lại thêm mất niềm tin, hoang mang ngay cả khi đã nằm trong bệnh viện.
Vậy tháo gỡ như thế nào? Mới đây, tại phiên họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế và nguồn lực cho ngành y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, qua nắm bắt thông tin, đã biết về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tình hình thôi việc, nghỉ việc của cán bộ y tế khu vực công lập.
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương triển khai gói 14.000 tỉ dành cho ngành y và sửa đổi chế độ phụ cấp ưu đãi công chức, viên chức ngành y tế. Thủ tướng cho rằng, với những việc chưa được thì phải xử lý, khắc phục nhưng không vì thế mà thiếu ý chí, trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe người dân. Ngành y tế cần nhanh chóng kiện toàn các chức danh, rà soát các quy định để làm tốt hơn, tránh tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm. Thủ tướng khẳng định, nếu các cơ quan, cá nhân thực sự vô tư, trong sáng, minh bạch, công khai và chống tiêu cực trong đấu thầu, mua sắm thì các cấp, các cơ quan sẽ bảo vệ.
Như vậy, "chiếc gậy chống" đã có, việc các cơ quan vào cuộc như thế nào đòi hỏi trách nhiệm chung với ngành y và nhất là với người dân. Cần có biện pháp ngăn chặn "chảy máu chất xám", "rút ruột" cơ sở y tế công, "cốc mò cò xơi" trong ngành y hiện nay.
Song, trên hết, những y bác sĩ cũng cần có tinh thần, thái độ và trách nhiệm với nghề, với công việc và với xã hội. "Thày thuốc phải như người mẹ hiền", vì người bệnh, vì công việc, dám đối đầu với thử thách, khó khăn, với vất vả, hy sinh. Đó chính là bản lĩnh nghề nghiệp. Giữ người ở, ai giữ được người đi, cứ đâu hơn thì đến, không dám đối đầu với khó khăn, vất vả, không dám hy sinh vì việc đã chọn, cái tâm, cái đức như thế, buồn lắm thay.
Cho đến lúc này, 9 người trong ngành y của gia đình tôi vẫn "yên tâm công tác" một lòng một dạ. Tuy chưa ai là "thày thuốc ưu tú", "thày thuốc nhân dân" nhưng họ thực sự được tôn trọng cao hơn một bậc trong truyền thống gia đình.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ban-linh-thay-thuoc-nguoi-di-ke-o-179220630222924453.htm