Áp lực về tỉ giá vẫn còn nhưng sẽ dịu bớt vào cuối năm
Các chuyên gia cho rằng trong năm 2022, sức ép lên tỉ giá vẫn còn và có thời điểm VND có thể mất 2,5%-3% so với USD nhưng có thể tình hình sẽ đỡ căng thẳng hơn vào cuối năm.
Mặc dù nhận định biến động tỉ giá USD/VND từ nay đến cuối năm sẽ chịu ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu tiếp tục duy trì ở mức cao cộng với rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ và thế giới, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia tài chính và công ty chứng khoán, VND nhìn chung vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.
Giá USD tăng cao nhất trong vòng 3 năm
Ngày 16/9, tỉ giá trung tâm và tỉ giá USD/VND tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh và ở mức cao nhất 3 năm qua.
Cụ thể, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.283 đồng/USD, tăng thêm 6 đồng so với mức niêm yết ngày 14/9. Như vậy, tỉ giá trung tâm đã có phiên tăng thứ ba liên tiếp trong tuần với tổng mức tăng là 39 đồng.
Còn tỉ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn được giữ ở mức 22.550 đồng (mua vào) và 23.400 đồng (bán ra).
Tương tự, tỉ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại ngày 16/9 cũng tăng rất mạnh. Có ngân hàng tăng tới hơn 100 đồng, vượt mức 23.740 đồng/USD, mức giá cao nhất trong 3 năm qua.
Cụ thể, Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỉ giá USD từ 23.450-23.760 đồng/USD (mua vào/bán ra), tăng 20 đồng so với phiên hôm qua. Tương tự, Ngân hàng BIDV niêm yết tỉ giá từ 23.485-23.765 đồng/USD, cũng tăng 25 đồng so với chốt phiên trước.
Ngân hàng VietinBank cũng tăng 22 đồng, hiện đang giao dịch quanh mức 23.497-23.777 đồng/USD.
Ngân hàng Eximbank mua vào là 23.490 đồng/USD và bán ra là 23.750 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD so với chốt phiên trước.
So với phiên đầu tuần, tỉ giá tại các ngân hàng tăng từ 70-80 đồng/USD.
Có thể thấy tỉ giá tại các ngân hàng thương mại đã tăng liên tục trong tháng Tám, vì vậy, ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỉ giá bán USD tại Sở giao dịch lên mức 23.700 đồng (từ mức 23.400 đồng).
Mức độ tăng và điểm đến mới nói trên là khá cao so với mức cũ nhưng không quá lớn so với thực tế biến động trên thị trường thời gian gần đây.
Như vậy, trong 5 tháng qua, đây là lần tăng giá bán USD thứ 3 của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, hồi tháng Năm, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỉ giá USD chiều bán thêm 200 đồng lên 23.250 đồng/USD. Tiếp đến đầu tháng Bẩy, cơ quan đứng đầu ngành ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tỉ giá này lên 23.400 đồng/USD.
Quyết định tăng mạnh giá bán ngoại tệ nói trên của Ngân hàng Nhà nước không bất ngờ, bởi thời gian gần đây một số tổ chức đầu tư hoặc nghiên cứu đầu tư đã dự báo trước việc điều chỉnh này.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng quyết định nâng giá bán ra USD của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu do việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp tăng lãi suất trong thời gian qua và dự kiến còn tiếp tục tăng.
Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra một lượng lớn ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay. Theo Chứng khoán ACB (ACBS) ước tính Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 21 tỉ USD từ đầu năm 2022 từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ. Qua đó đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 89 tỉ USD và đã giảm tỉ lệ bao phủ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần, tuy nhiên vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.
Riêng trong tháng Tám, ACBS ước tính Ngân hàng Nhà nước đã bán ra hơn 3 tỉ USD, tức là đã gián tiếp hút hơn 70.000 tỉ đồng khỏi hệ thống.
Trên thế giới, đồng USD đã tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày 13/9, sau khi Mỹ công bố lạm phát ở mức cao hơn dự kiến, thúc đẩy kỳ vọng của các nhà đầu tư vào việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Thị trường hiện đang đặt cược gần như chắc chắn về mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong tuần tới. Chỉ số đồng USD - phản ánh tương quan giữa đồng nội tệ của Mỹ với các đồng tiền khác - đã tăng 1,5% lên mức 109,85. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất kể từ tháng 3/2020, mặc dù chỉ số này vẫn thấp hơn mức cao nhất trong 20 năm ghi nhận hồi tuần trước là 110,79.
Vẫn có áp lực nhưng không đáng quan ngại
Theo các chuyên gia, đồng USD đang tăng giá rất mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu do nhận được sự hỗ trợ từ động thái tăng lãi suất nhanh và mạnh của Fed. Tuy nhiên, nhìn chung tỉ giá trong nước vẫn được duy trì ổn định, mọi nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp đều được đáp ứng thông suốt. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá VND là một trong số ít các đồng tiền ổn định nhất trong khu vực trong thời gian qua.
Có được điều này một phần cũng nhờ sự điều hành chủ động, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước với cơ chế tỉ giá trung tâm được ấn định hàng ngày, có tăng, có giảm theo sát diễn biến thị trường trong nước và thế giới, qua đó đã giảm thiểu được nguy cơ găm giữ ngoại tệ của ngoài dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực để can thiệp nhằm ổn định thị trường.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng vẫn nhận định biến động tỉ giá USD/VND từ nay đến cuối năm sẽ chịu ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu tiếp tục duy trì ở mức cao cộng với rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ và thế giới.
Các chuyên gia của SSI Research nhấn mạnh: “Về cuối năm, chúng tôi kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất-nhập khẩu và kiều hối. Trong năm 2022, sức ép lên tỉ giá vẫn còn và có thời điểm VND có thể mất 2,5%-3% so với USD, nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của Fed có thể đi vào giai đoạn cuối và rủi ro về tăng trưởng hoặc lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn.”
Nhận định về biến động tỉ giá cả năm nay, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cho rằng nhiều khả năng lạm phát năm nay sẽ ở mức 3,8-4,2% như dự báo. Với mức lạm phát này, tỉ giá hối đoái sẽ biến động ở mức 2%-2,5%, tức là chỉ xoay quanh mức như hiện nay.
“Trong trường hợp có biến động lớn về tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ có một lượng dự trữ ngoại tệ làm cho tỉ giá trở lại ổn định như chúng ta đã làm trong hai quý gần đây,” ông Nghĩa tin tưởng.
Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với tỉ giá, ông Nghĩa cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên chú ý đến tỉ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi nhất.
Trong khi đó, nhóm phân tích của ACBS cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ khó duy trì lãi suất liên ngân hàng thấp trong thời gian tới vì Fed có thể sẽ có thêm 3 đợt tăng lãi suất nữa từ giờ cho tới cuối năm, gây áp lực mất giá lên tỉ giá VND/USD và Ngân hàng Nhà nước sẽ phải giữ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD liên ngân hàng dương nhằm hỗ trợ tỉ giá VND/USD.
Trên cơ sở đó, ACBS kỳ vọng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có thể tăng dần trong khoảng 0,5%-0,75% từ đây cho tới cuối năm 2022.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ap-luc-ve-ti-gia-van-con-nhung-se-diu-bot-vao-cuoi-nam-179220916135344548.htm