Ăn sâu ban miêu - 1 người bị ngộ độc nặng
Ngày 31/5, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai cho biết, 1 người dân ăn sâu ban miêu rang với củ hành bị ngộ độc nặng, đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Lào Cai.
Ăn sâu ban miêu theo thông tin trên mạng - bị ngộ độc nặng
Trước đó, trưa ngày 30/5, tại hộ gia đình ông Nguyễn Thanh T., thôn Bắc Ngầm, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) có 4 người cùng tham gia bữa ăn. Ngoài ăn các món quen thuộc, có thêm món côn trùng rang (sâu ban miêu) rang với củ hành khô. Sau khi ăn 1 con sâu ban miêu, ông T. có biểu hiện tê môi, lưỡi nhưng vẫn tiếp tục ăn thêm 4-5 con nữa.
Sau bữa ăn khoảng 30 phút, ông T. có biểu hiện tê môi, tê lưỡi nhiều hơn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần, nôn, tiểu buốt và được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng cấp cứu.
Bác sĩ thăm khám và chẩn đoán ông T. ngộ độc sâu ban miêu, suy thận, tiêu cơ vân.
Đến 15 giờ 15 phút cùng ngày, bệnh nhân Nguyễn Thanh T. được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai điều trị.
Khi tiếp xúc ngoài da với sâu ban miêu có thể bị bỏng, rộp da nặng và có nguy có tiến triển thành nhiễm trùng. Khi ăn phải sâu ban miêu, sẽ nóng rát cổ họng; nôn và tiêu chảy ra máu, nặng nhất là xuất huyết dạ dày; suy đa tạng, suy hô hấp, tụt huyết áp; triệu chứng về rối loạn thần kinh dẫn đến hôn mê và tử vong chỉ trong vòng 24 giờ.
Qua điều tra, xác minh cho thấy, loại sâu ban miêu nói trên có chiều dài khoảng 2 cm, chiều ngang khoảng 0,3 cm, mình màu đen, phần đầu màu đỏ cam. Do xem thông tin trên mạng xã hội nói là loại côn trùng này không có độc và ăn được, nên ông T. bắt sâu ban miêu ngoài vườn rau ngót của nhà mang về rang ăn.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng đã lấy 2 mẫu côn trùng (1 mẫu côn trùng rang hành khô còn lại sau bữa ăn và 1 mẫu côn trùng còn sống cùng loại bắt ngoài vườn rau ngót nhà ông T.) để kiểm nghiệm.
Không ăn côn trùng tự nhiên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc, dẫn tới tử vong
Hiện nay, một số người dân có thói quen bắt và chế biến các loại côn trùng thành các món ăn và coi là đặc sản. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video về ẩm thực tự nhiên nhằm mục đích câu view, câu like mà chưa được kiểm chứng, việc sử dụng khi không biết rõ các loại côn trùng đó có độc hay không, cách chế biến như thế nào cho đúng… dẫn đến nguy cơ gây ra ngộ độc rất cao, tỷ lệ tử vong do độc tố tự nhiên là rất lớn.
Qua trường hợp ông Nguyễn Thanh T., người dân cần thận trọng, không nên ăn côn trùng tự nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng.
Sâu ban miêu sống nhiều ở khu vực đồi núi và đồng bằng, có tên gọi khoa học là Cantharis vesicatoria hoặc có nhiều tên khác như bọ xít lửa, manh trùng, ban manh hoặc ban mao. Loài sâu này có cánh cứng, thân nhỏ dài khoảng 15-20mm và rộng khoảng 4-6 mm. Đầu sâu hình tim, có rãnh dọc ở giữa và râu đen hình sợi. Thân sâu có khoảng 11 đốt, ở giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Sâu ban miêu chứa cantharidin là một hoạt chất cực độc nằm trong nhóm chất độc bảng A, gây hoại tử ruột và suy đa tạng khi ăn phải.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/an-sau-ban-mieu-1-nguoi-bi-ngo-doc-nang-179240531164636645.htm